Tìm hiểu về FED
1. Tổ chức FED là gì?
FED (Federal Reserve System) hay còn gọi là cục dữ trữ Liên bang hay Ngân hàng dự trữ Liên bang Hoa Kỳ thành lập vào ngày 23/12/1913 Theo đạo luật mang tên “Federal Reserve Act” được ký bởi tổng thống Woodrow Wilson mới mục tiêu ban đầu là : Duy trì chính sách tiền tệ Linh Hoạt, An toàn, Ổn định cho nước Mỹ. Đây được xem là tổ chức quyền lực nhất thế giới, là nơi duy nhất được in tiền Đô la Mỹ, đồng thời đưa ra các chính sách tiền tệ không chỉ ảnh hưởng đến Mỹ mà còn rất nhiều các quốc gia khác.
2. FED ra đời như thế nào?
Vào năm 1910, lo ngại khủng hoảng tài chính và kinh tế, nên giới chức Mỹ bao gồm các thành viên Đảng Cộng hòa và Dân chủ thống nhất với nhau rằng hệ thống tiền tệ hiện tại của Mỹ đang thiếu linh hoạt và không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế quốc gia. Và FED ra đời như một lẽ tất yếu để cân bằng mọi nhu cầu khi đó. Đây là một trong số ít ngân hàng Trung ương trên thế giới không chịu bất cứ kiểm soát hay quyết định nào từ chính phủ mặc dù vẫn chịu trách nhiệm bởi cơ quan hành pháp, nhưng lại đóng vai trò độc lập nên các quyết định đưa ra sẽ không phục vụ cho một phe nào cả mà chủ yếu là vì người dân và các lợi ích công cộng.
3. Vai trò và nhiệm vụ của FED
- Thực thi chính sách tiền tệ quốc gia bằng cách tác động các điều kiện tiền tệ và tín dụng với mục đích tối đa việc làm, ổn định giá cả và điều hòa lãi suất dài hạn
- Giám sát và quy định các tổ chức ngân hàng đảm bảo hệ thống tài chính và ngân hàng quốc gia an toàn, vững vàng và bảo đảm quyền tín dụng của người tiêu dùng
- Duy trì sự ổn định của nền kinh tế và kiềm chế các rủi ro hệ thống có thể phát sinh trên thị trường tài chính
- Cung cấp các dịch vụ tài chính cho các tổ chức quản lý tài sản có giá trị, các tổ chức chính thức nước ngoài, và chính phủ Hoa Kỳ, đóng vai trò chủ chốt trong vận hành hệ thống chi trả quốc gia.
4. Cách thức hoạt động của FED
- Mua và bán trái phiếu chính phủ: Khi Cục dự trữ liên bang (Fed) mua trái phiếu chính phủ, tiền được đưa thêm vào lưu thông. Bởi có thêm tiền trong lưu thông, lãi suất sẽ giảm xuống và chi tiêu, vay ngân hàng sẽ gia tăng. Khi Fed bán ra trái phiếu chính phủ, tác động sẽ diễn ra ngược lại, tiền rút bớt khỏi lưu thông, khan hiếm tiền sẽ làm tăng lãi suất dẫn đến vay nợ từ ngân hàng khó khăn hơn.
- Quy định lượng tiền mặt dự trữ: Ngân hàng thành viên cho vay phần lớn lượng tiền mà nó quản lý. Nếu Fed yâu cầu các ngân hàng này phải dự trữ một phần lượng tiền này, khi đó phần cho vay sẽ giảm đi, vay mượn khó hơn và lãi suất tăng lên.
- hay đổi lãi suất của khoản vay từ Fed: Các ngân hàng thành viên của Fed vay tiền từ Fed để trang trải các nhu cầu ngắn hạn. Lãi suất mà Fed ấn định cho các khoản vay này gọi là lãi suất chiết khấu. Hoạt động này có ảnh hưởng, tuy nhỏ hơn, về số lượng tiền các thành viên sẽ được vay.
(Trích mục Thực hiện chính sách tiền tệ, Cục dữ trữ Liên Bang Mỹ, https://www.federalreserve.gov/)
5. Tại sao FED lại có thể tác động nền kinh tế toàn cầu
Đô la Mỹ hiện nay là đồng tiền chủ yếu trong thương mại thế giới. Hầu như mọi hoạt động xuất nhập khẩu đều dùng Đô là Mỹ làm đơn vị thanh toán mà FED là nơi duy nhất được quyền đưa ra các quyết định về tăng giảm lãi suất đồng Đô là Mỹ. Chính điều này đã tác động trực tiếp đến sức mạnh của đồng Đô la Mỹ gây ảnh hưởng đến các đối tác thương mại của Mỹ. Ngoài ra chính vì việc Đô là Mỹ chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống tiền tệ quốc tế nên nhiều mặt hàng quan trọng như Dầu, Vàng…đều được định giá bằng đồng Đô la Mỹ và FED là cơ quan duy nhất được phép can thiệp vào việc xác lập giá trị đồng Đô la Mỹ thông qua hoạt động mua bán Đô là Mỹ và các ngoại tệ khác. Điều này đồng nghĩa việc kiểm soát Đô la Mỹ của FED cũng khiến thị trường toàn cầu bị kiểm soát gián tiếp. Vì thế tất cả những quyết định của FED đều tác động đến nền kinh tế thế giới.
Chính sách của FED trong năm 2022
1. Tổng quan các chính sách của FED trong năm 2022
Tổng hợp các lần tăng lãi suất của FED – 2022 (trích từ Báo Lao động số 22/9)
Để hiểu hơn về việc nâng lãi suất trong năm nay, cần tìm hiểu lại giai đoạn trước năm 2022 khi mà nền kinh tế của các quốc gia đặc biệt là Mỹ đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch covid -19. Khi đó FED đã dùng hàng loạt biện pháp nhằm khơi dòng tiền vào thị trường nhằm cứu vãn nền kinh tế, từ cho doanh nghiệp vay tiền trực tiếp ( bơm tiền vào ngân hàng thương mại qua các gói cho vay hỗ trợ đại dịch ); mua lại trái phiếu của doanh nghiệp tại thị trường thứ cấp; mua các chứng chỉ quỹ ETF có tài sản cơ sở là trái phiếu…Và điều này chắc chắn là có tác động đến nền kinh tế đặc biệt là thị trường chứng khoán. Bởi ngay sau khi FED công bố mở rộng các chương trình mua ròng tài sản, chỉ số S&P 500 ngay lập tức bật tăng, đánh dấu đà tăng trưởng ấn tượng của chứng khoán trong bối cảnh đại dịch bùng nổ khiến nền kinh tế đình trệ. Với việc giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục, bơm vốn vào các thị trường tài chính, thúc đẩy sự hấp dẫn của chứng khoán, Fed đã tác động trực tiếp làm hồi sinh thị trường chứng khoán và vực dậy cả nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn. Tại Việt Nam, việc tương tự cũng xảy ra khi từ tháng 3/2020, lượng tiền được chính phủ đưa vào thị trường cũng liên tục tăng, thị trường chứng khoán cũng tăng mạnh mẽ trong giai đoạn đại dịch từ 650 điểm (3/2020) lên gần 1500 điểm vào cuối tháng 12/2021.
Chỉ số S&P bật tăng sau khi FED công bố chương trình mở rộng mua ròng tài sản
Chính dòng tiền lưu thông dư thừa, trong khi lượng hàng hóa sản xuất không thay đổi đã làm cho giá trị hàng hóa trong thị trường bỉ đẩy lên cao dẫn đến lạm phát theo quy luật cung cầu. Và khi nền kinh tế đã được phục hồi, tỉ lệ lạm phát gia tăng nhanh chóng buộc FED phải có những động thái thu hồi tiền về, giảm lượng tiền lưu hành, cân bằng giữa lượng tiền và hàng hóa bằng cách ban hành các chính sách thắt chặt tiền tệ trong năm 2022 mà khởi đầu là lần tăng lãi suất đầu tiên ngày 16/3 với mức lãi suất tăng lên mức từ 0.25-0.35%, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2018 có sự thay đổi này.
Tuy nhiên kết quả lại không như mong đợi khi số liệu CPI – Chỉ số giá tiêu dùng (Consumer Price Index) tháng 5 và tháng 6 tại Mỹ ghi nhận lần lượt là 8.6% và 9.1% so với cùng kỳ. Đây là mức cao nhất của lạm phát Mỹ trong hơn 40 năm qua và cao hơn nhiều so với dự báo 8.8% mà các chuyên gia kinh tế nhận định trước đó. Việc lạm phát liên tục tăng là căn cứ để FED tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ, kìm hãm lạm phát với các mức tăng liên tục trong tháng 5, tháng 6 va tháng 7 và tháng 9, đưa mức lãi suất lên đến 3-3.25%. Và trong cuộc họp chính sách gần đây nhất 2/11, FED đã quyết định tiếp tục tăng lãi suất 0.75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3.75-4% và đây là lần tăng 0.75 điểm phần trăm thứ tư liên tiếp do FED đưa ra và là lần tăng lãi suất thứ 6 kể từ tháng 3/2022. FED nhấn mạnh rằng quyết định tăng lãi suất này sẽ là phù hợp để đạt được mức kiểm soát cần thiết nhằm kiềm chế lạm phát.
2. Ảnh hưởng từ các chính sách của FED năm 2022
Kinh tế Mỹ sẽ là nền kinh tế đầu tiên chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các chính sách này của FED. Việc tăng biên độ lãi suất cho vay cơ bản đi kèm, tăng lãi suất đối với các khoản thế chấp, thẻ tín dụng và các khoản vay khác tăng theo sẽ làm chi phí đi vay trở nên cao hơn và có xu hướng kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế do các hộ gia đình và doanh nghiệp có ít tiền hơn để chi tiêu cho hàng hóa dịch vụ. Ngoài ra việc tăng lãi suất nhanh chóng cũng làm cho doanh số bán nhà giảm mạnh và thúc đẩy các doanh nghiệp rút vốn đầu tư, đây là 2 yếu tố chủ chốt có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ, dẫn đến suy thoái. Đối với các nền kinh tế khác ngoài Mỹ việc tăng lãi suất cũng gây ra không ít trở ngại như:
Thứ nhất : Lãi suất FED tăng dẫn đến việc mọi người có xu hướng bán tiền định danh đang nắm giữ để đổi sang Đô la Mỹ. Cụ thể, ví dụ tại Việt Nam tỷ giá USD/VND từ đầu năm đến nay đã tăng 2.2% khi chỉ số đồng USD tăng gần 10%. Tỷ giá tăng tác động tiêu cực tới các Doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu trong nước, làm cho giá cả hàng hóa có thể tăng mạnh hơn từ đó tác động lạm phát gia tăng.
Thứ hai : Mặt bằng lãi suất tăng lên có thể khiến tình hình tài chính toàn cầu thắt chặt hơn làm giảm triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, từ đó giảm sức cầu hàng xuất khẩu của các nước. Việc FED và một số ngân hàng trung ương các nước tiếp tục tăng lãi suất nhằm đối phó với lạm phát khiến chi phí đi vay của Doanh nghiệp và người dân tăng lên từ đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như suy yếu nhu cầu mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ. Cụ thể đới với Việt Nam là một đất nước có kim ngạch xuất nhập khẩu cao (kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP ở mức khoảng 185% năm 2021) sẽ ảnh hưởng vô cùng quan trọng bởi Mỹ và Châu Âu là hai thị trường chủ chốt. 6 tháng đầu năm 2022, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,96 tỷ USD, chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Ngoài ra, xuất khẩu sang EU đạt 23 tỷ USD, là thị trường lớn thứ 3. Do đó, việc tiếp tục tăng lãi suất sẽ khiến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có thể chậm lại trong những quý tới.
Theo báo cáo tổng cục Thống kê 6 tháng đầu năm 2022
Thứ ba : Tăng lãi suất từ FED sẽ làm tăng khoản nợ nước ngoài. Lãi suất USD tăng sẽ tăng áp lực lên nghĩa vụ trả nợ của các nước đang vay nợ nước ngoài số lượng lớn. Lấy ví dụ tại Việt Nam theo số liệu thống kê cuối năm 2021, nợ nước ngoài của Việt Nam chiếm 39% GDP. Khi lãi suất và tỷ giá đồng USD tăng lên, thanh khoản trên thị trường tài chính quốc tế thắt chặt hơn, Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó huy động vốn trên thị trường quốc tế và phải chịu lãi suất cao, đồng nghĩa với nghĩa vụ trả nợ vay nước ngoài của doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp FDI) sẽ tăng lên đáng kể.
Thứ tư : dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) có thể bị tác động tiêu cực bởi việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ. Cụ thể, khi FED tăng lãi suất, một số nhà đầu tư e ngại rủi ro, rút vốn từ các thị trường mới nổi, quay về đầu tư tại Mỹ và một số thị trường phát triển khác nhằm trú ẩn rủi ro và hưởng lãi suất cao hơn trước. Tuy nhiên, khối ngoại đã liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 năm trở lại đây và mới chỉ mua ròng trở lại trong quý IV vừa rồi khiến tác động của việc khối ngoại bán ròng sẽ ở mức vừa phải do thị trường đã có sự chuẩn bị từ trước.
Thứ năm : Tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán. Lãi suất FED tăng khiến dòng vốn các nhà đầu tư từ các quốc gia rút dòng tiền từ thị trường chứng khoán đổ sang Mỹ; nhằm tránh các rủi ro cũng như lợi suất hấp dẫn hơn. Điều này gây ảnh hưởng trầm trọng đến thị trường, cổ phiếu bị bán và giảm điểm trong nhiều phiên liền. Khi lạm phát tăng, chứng khoán giảm - đó là quy luật dễ dàng nhận ra của diễn biến thị trường. Thông tin lạm phát của Mỹ cao kỷ lục khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chuẩn bị tâm lý cho khả năng FED tiếp tục tăng lãi suất 0.75%. Tại thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 3 lần điều chỉnh chiếu khấu mạnh trước đó nhưng mức giảm cũng dần hạ nhiệt sau mỗi đợt tăng lãi suất của FED. Nguyên nhân thị trường thường phản ứng thái quá và mạnh mẽ với những sự kiện trọng yếu mang tính bất ngờ hoặc mới xảy ra lần đầu, còn với các sự kiện mang tính thường kỳ, phản ứng sẽ nhẹ dần sau nhiều lần lặp lại. Rất có thể khi lạm phát đạt đỉnh cũng có thể là lúc chứng khoán chạm đáy.
Kế hoạch của FED trong năm 2023
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2023 được dự đoán sẽ chững lại. FED đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2023 xuống 1.2% từ mức 1.7% trước đó. Tuy nhiên dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát đang bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt. Cụ thể tại Mỹ, Chỉ số giá tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ, chỉ số đo lường sự tăng/trượt giá các mặt hàng mà người tiêu dùng, doanh nghiệp và Chính phủ Hoa Kỳ phải chi trả, bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu, chỉ tăng 4,6% so với cùng kỳ trong Q3/22 sau khi tăng 8,5% so với cùng kỳ trong Q2/22. Ngoài ra, lạm phát theo năm của Mỹ tăng 8,2% so với cùng kỳ trong Tháng 9/2022, giảm từ mức 8,3% hồi Tháng 8 và mức đỉnh là 9,1% vào hồi Tháng 6/2022. Do đó việc việc áp lực lạm phát trên thế giới nhiều khả năng sẽ được kìm chế khi nguồn cung hàng hóa phục hồi trong khi nhu cầu tiêu dùng suy yếu. Triển vọng kinh tế ảm đạm cùng với thị trường lao động xấu đi có thể khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Do đó, giá hàng hóa thế giới nhìn chung sẽ duy trì xu hướng giảm trong năm 2023, ngoại trừ một số mặt hàng tiềm ẩn rủi ro biến động mạnh về nguồn cung như khí thiên nhiên và dầu thô.
Tuy nhiên tất cả đều là dự đoán, chủ tịch FED - Jerome Powell, đã nói rằng không có gì là chắc chắn, và họ cần nhìn thấy được dấu hiệu lạm phát đang bắt đầu giảm bớt hàng tháng. Để xem xét việc tạm dừng chiến dịch thắt chặt mạnh mẽ trong lịch sử, Fed cho biết họ cần xem bằng chứng thực chất cho thấy lạm phát lõi (loại bỏ các mặt hàng dễ biến động như thực phẩm và năng lượng) đang giảm trở lại mục tiêu 2% lâu nay. Các quan chức cho biết, kế hoạch là nâng lãi suất lên một mức có thể kìm hãm nền kinh tế và giữ mức đó trong một thời gian dài. Vào tháng trước ông Powel cũng đã cảnh báo khi lãi suất tăng cao hơn và nếu lãi suất nằm ở mức hạn chế càng lâu thì mức độ ảnh hưởng tới nền kinh tế càng lớn.
Dựa vào những phát biểu này có thể cho thấy . Khả năng lãi suất điều hành của Fed đảo chiều sẽ khó xảy ra trong năm 2023, nếu như kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái. Vì vậy Fed sẽ chỉ thực hiện đợt cắt giảm nhẹ 25 điểm cơ bản đầu tiên trong Q1/2024. Theo các diễn biến trong quá khứ, xác suất đợt giảm lãi suất đầu tiên thường xảy ra cách lần tăng cuối cùng khoảng 7 tháng. Rủi ro chủ yếu vẫn là lạm phát giảm song không thể xuống mức chấp nhận được, do đó các Ngân hàng Trung ương không còn sự lựa chọn nào khác ngoài tiếp tục biện pháp thắt chặt và không thể nới lỏng các điều kiện tài chính ngay lập tức
Xem thêm:
- Những yếu tố ảnh hưởng tới giá cổ phiếu
- Suy thoái kinh tế là gì? Biểu hiện và hậu quả
- Phương pháp quan sát cổ phiếu trụ để dự báo thị trường
Kết Luận : Mong rằng các bạn đã có được những thông tin cơ bản về FED – một trong những tổ chức quyền lực nhất thế giới và có tiếng nói quyết định chi phối nền kinh tế toàn toàn cầu với mỗi quyết định được đưa ra. Cùng chờ đợi các cuộc họp tiếp theo và mức lãi suất cũng như các chính sách mà FED sẽ công bố để chống lại tình hình lạm phát toàn cầu. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết phân tích tiếp theo đến từ Vietcap .
Powered by Froala Editor