ODA là nguồn vốn quan trọng đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Trong giai đoạn 1993 - 2020, nguồn vốn ODA đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo, từng bước đưa Việt Nam gia nhập câu lạc bộ các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Vậy Vốn ODA là gì? Vốn ODA có đặc điểm gì? ở bài viết này, chúng ta sẽ cùng Vietcap đi tìm hiểu sâu hơn về vốn ODA nhé.
Vốn ODA là gì?
Hỗ trợ phát triển chính thức (hay ODA, viết tắt của cụm từ Official Development Assistance), là một hình thức đầu tư nước ngoài. Gọi là Hỗ trợ vì các khoản đầu tư này thường là các khoản cho vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp với thời gian vay dài. Đôi khi còn gọi là viện trợ. Gọi là phát triển vì mục tiêu danh nghĩa của các khoản đầu tư này là phát triển kinh tế và nâng cao phúc lợi ở nước được đầu tư. Gọi là chính thức, vì vốn ODA thường là cho Nhà nước vay.
Các chủ thể cho vay nước ngoài có thể là: Chính phủ, các nước trực thuộc Liên hợp quốc, Tổ chức phi chính phủ, Tổ chức tài chính quốc tế (Ngân hàng thế giới WB, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, Ngân hàng phát triển châu Á ADB).
Nói cách khác, vốn ODA là nguồn tiền mà chính phủ, các cơ quan chính thức của các nước hoặc các tổ chức phi chính phủ, quốc tế cho các nước đang phát triển, kém phát triển vay để phát triển kinh tế – xã hội. Việt Nam là nước nhận nhiều nguồn viện trợ ODA từ các quốc gia đang phát triển, nhiều nhất là Nhật Bản. Một số dự án sử dụng nguồn vốn ODA đó là nhà ga sân bay T2 Nội Bài, cầu Nhật Tân… do Nhật Bản cho cho vay.
Phân loại vốn ODA
- Viện trợ không hoàn lại: là nguồn vốn vay mà nước vay không cần phải hoàn trả lại dựa trên thỏa thuận của nước viện trợ.
- Viện trợ có hoàn lại: là vay vốn có lãi suất thấp và thời gian trả nợ tương đối dài.
- Vốn ODA hỗn hợp: là kết hợp của hai loại trên, bao gồm một phần viện trợ không hoàn lại và một phần viện trợ có hoàn lại.
Đặc điểm của nguồn vốn ODA là gì?
Đặc điểm của nguồn vốn ODA là gì cũng được khá nhiều người quan tâm. Có 3 đặc điểm chính của nguồn vốn này, bao gồm:
- Nguồn vốn với nhiều ưu đãi
Mức lãi suất của nguồn vốn này thường được áp dụng là khá thấp hoặc không có lãi, từ 0 đến vài phần trăm mỗi năm. Các nước kém phát triển hoặc đang trên đà phát triển sẽ sử dụng số tiền đó để thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt từ kinh tế, xã hội, giao thông hạ tầng… Loại vốn vay này có nhiều ưu đãi hàng đầu thế giới hiện nay bởi thời gian ân hạn dài thường trên 30 năm, lãi suất thấp…
- Nguồn vốn hợp tác và phát triển kinh tế, xã hội
Nguồn vốn ODA thường là khoản vay có chính sách ưu đãi hoặc viện trợ không hoàn lại giữa nước phát triển với nước đang hoặc kém phát triển. Ngoài việc cho vay bằng tiền, bên viện trợ sẽ hỗ trợ thêm việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp hàng hóa… Trong khi đó, bên nhận được viện trợ sau khi nhận được tiền sẽ thực hiện theo đúng cam kết như xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội,… để cải thiện cuộc sống của nhân dân.
- Nguồn vốn ODA có một số điều kiện ràng buộc
Ngoài việc viện trợ khoản vay ưu đãi, bên cho vay sẽ có những điều kiện nhất định, nhất là về kinh tế, địa lý hay chính trị. Bởi vì các nước viện trợ sẽ muốn đem lại lợi nhuận cho chính nước mình, tổ chức của mình và vừa muốn đạt ảnh hưởng về mặt chính trị.
Ngoài ra, các nước cho vay sẽ yêu cầu sử dụng nhân sự, thuê dịch vụ hay mua sắm thiết bị của mình với chi phí không hề rẻ. Nếu trong quá trình đi vay mà xảy ra tình trạng lãng phí, tham nhũng hay người điều hành dự án thiếu kinh nghiệm thì nước đi vay sẽ rất nguy hại.
Xem lại: Vốn FDI là gì? FDI có tác động đến thị trường chứng khoán?
Ưu và nhược điểm của vốn ODA
Ưu điểm của vốn ODA
Vốn ODA là dòng vốn đầu tư nước ngoài được đầu tư vào trong nước, bổ sung thêm vào nguồn vốn đầu tư xã hội như một phép cộng đương nhiên, nhằm đầu tư xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống cho người dân và bảo vệ, tái tạo môi trường sinh thái thiên nhiên.
- Vốn ODA hỗ trợ phát triển các cơ sở hạ tầng nhằm đẩy nhanh phát triển kinh tế.
- Lãi suất thấp (khoảng từ 1% đến 2% trong một năm).
- Thời gian vay và thời gian ân hạn dài (25-40 mới cần hoàn trả và 8-10 năm để ân hạn).
- Trong nguồn vốn ODA luôn có thấp nhất 25% của tổng số vốn không hoàn lại.
Nhược điểm của vốn ODA
Khi viện trợ ODA, các quốc gia thường đi kèm với những điều kiện có lợi cho họ đối với các nước nhận viện trợ về mặt chính trị, thị trường, an ninh-quốc phòng.
- Về mặt kinh tế, các nước nhận viện trợ ODA phải từng bước mở cửa thị trường cho phép và bảo hộ các mặt hàng hóa mới của nước viện trợ, không sử dụng thuế quan và đồng ý để cá nhà đầu tư nước viện trợ đầu tư vào những lĩnh vực hạn chế và khả năng sinh lời cao.
- Nguồn vốn ODA thường gắn với việc bắt các nước nhận viện trợ mua mặt hàng của nước viện trợ dù đó là những mặt hàng không cần thiết.
- Các nước viện trợ ODA buộc nước tiếp nhận phải chấp nhận một khoảng ODA là hàng hóa, dịch vụ của họ sản xuất.
- Các danh mục dự án liên quan đến ODA cần có sự đồng ý của các nước viện trợ vốn ODA.
- Nước tiếp nhận vốn ODA nếu không có trình độ quản lý, thiếu kinh nghiệm trong việc sử dụng tối ưu nguồn vốn thì có thể gây ra nợ nần.
Tình hình đầu tư vốn ODA tại Việt Nam
Từ năm 1993, tại Hội nghị các nhà tài trợ dành cho Việt Nam được tổ chức tại Paris (Pháp), Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ với cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, mở đầu quá trình huy động nguồn vốn ODA cho Việt Nam. Hơn 27 năm qua, vốn đầu tư ODA đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội, phát triển mối quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước và các tổ chức tài chính quốc tế trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hơn. Công tác vận động, thu hút và sử dụng vốn ODA đã đạt nhiều kết quả tích cực trên cả ba mặt cam kết, ký kết và giải ngân.
Đơn vị: Triệu USD
*Ghi chú: Từ năm 2013 không thực hiện cam kết - Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Trong 27 năm qua các nhà tài trợ đã ký kết cung ứng vốn ODA cho Việt Nam với tổng số vốn là 86.570,62 triệu USD; số vốn đã giải ngân là 65.373 triệu USD. Số vốn giải ngân chậm, chiếm 75,51% trên tổng số vốn ký kết, gần 25% số vốn còn lại bị tồn đọng, làm cho tiến độ thực hiện dự án bị kéo dài, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, hạn chế khả năng trả nợ, ảnh hưởng xấu đến thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Vốn ODA được tập trung đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp; xây dựng phát triển khu đô thị và nông thôn mới... nhằm tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Trong giai đoạn 1993-2020, vốn ODA được tập trung đầu tư vào lĩnh vực như: xây dựng hạ tầng giao thông vận tải; xây dựng các công trình thuỷ điện, nhiệt điện và năng lượng tái tạo, lưới điện và trạm phân phối điện; các công trình hạ tầng đô thị, bảo vệ môi trường như cung cấp thoát nước, xử lý nước thải; các dự án phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; các chương trình và dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn như thủy lợi, giao thông nông thôn, nước sạch và vệ sinh môi trường, phát triển lưới điện nông thôn; các công trình dự án y tế, giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; các công trình dự án khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, xây dựng các khu công nghệ cao; các dự án hỗ trợ xây dựng và cải cách chính sách, thể chế…
Cơ cấu vốn ODA thời kỳ 2011-2015 và 2016-2020 - Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Vốn ODA trong thời kỳ 2011-2020 được đầu tư vào các ngành giao thông vận tải khoảng 33 %; đầu tư vào môi trường và phát triển nguồn nhân lực khoảng 23 %; đầu tư vào năng lượng và công nghiệp khoảng 14,5%; đầu tư vào nông nghiệp và phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo khoảng 10,2 %; đầu tư vào các ngành y tế, xã hội, giáo dục đào tạo khoảng 9%; còn lại 10,3 % đầu tư vào các ngành khác. Như vậy, có khoảng 57,7% được đầu tư vào các lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn, có tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Có khoảng 42,3 % được đầu tư vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, phát triển nhân lực... có tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn hoặc không trực tiếp tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Như vậy, chúng ta vừa tìm hiểu chi tiết về vốn ODA là gì và những vấn đề liên quan. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp các bạn có thêm kiến thức Vốn ODA là gì? để hiểu rõ hơn về chương trình viện trợ hữu ích này.
Powered by Froala Editor