Trong thị trường tài chính, giao dịch Scalping là một chiến lược đặc biệt thu hút sự chú ý. Với tính ngắn ngủi và phải  tập trung vào từng cơ hội nhỏ nhất mà thị trường cung cấp những biến động giá chỉ tồn tại trong vài phút, thậm chí vài giây.  Với những nhà giao dịch Scalping họ là những người am hiểu sâu sắc về phân tích kỹ thuật và luôn sẵn sàng với các chiến lược lướt sóng nhanh chóng. Hãy cùng Vietcap khám phá chi tiết về giao dịch Scalping và phân tích ưu điểm, nhược điểm sau bài viết dưới đây.

 

Giao dịch Scalping là gì?

Giao dịch Scalping, hay còn được gọi là giao dịch lướt sóng, là một chiến lược giao dịch trong ngày mà các nhà đầu tư mục tiêu nhắm đến lợi nhuận từ những biến động nhỏ về giá trong thời gian ngắn. Chiến lược này đặc biệt phổ biến trong thị trường phái sinh và ngoại hối, nơi mà các giao dịch có thể diễn ra chỉ trong vài giây hoặc vài phút.

Những điểm chính của giao dịch Scalping

Lợi nhuận nhỏ và nhanh chóng

Giao dịch Scalping nhắm đến thu lợi nhuận từ các biến động giá nhỏ. Nhà giao dịch mở và đóng các vị thế trong ngày, không giữ vị thế qua đêm để tận dụng các biến động ngắn hạn.

Lướt sóng

Các nhà giao dịch Scalping thường mở nhiều vị thế trong một ngày và cố gắng kiếm lời từ mỗi giao dịch riêng lẻ. Họ sử dụng các chỉ báo kỹ thuật như MA (Moving Average), Bollinger Bands để định hướng mức hỗ trợ và kháng cự; MACD (Moving Average Convergence Divergence), và RSI (Relative Strength Index) để đánh giá sức mạnh xu hướng.

Thời gian phản ứng nhanh

Giao dịch Scalping đòi hỏi nhà giao dịch phải phản ứng nhanh với thị trường và đưa ra các quyết định giao dịch trong vài giây. Đây là một chiến lược yêu cầu sự tập trung cao độ và kỹ năng phân tích kỹ thuật sắc bén.

Hoạt động của giao dịch Scalping

Giao dịch Scalping thường sử dụng các khung thời gian rất ngắn như 1 phút hoặc 5 phút để đặt và đóng các vị thế. Nhà giao dịch sẽ theo dõi các biến động giá mạnh và đặt lệnh mua/bán dựa trên phân tích kỹ thuật và dữ liệu cấp độ 2 để có được các giá vào lệnh tốt nhất.

Mục tiêu lợi nhuận của giao dịch Scalping thường rất nhỏ, thường là chỉ 0.5% đến 1% của giá trị giao dịch. Những nhà giao dịch này thường tập trung vào các cổ phiếu có xu hướng biến động mạnh trong ngày để tận dụng các cơ hội giao dịch ngắn hạn.

Ưu và nhược điểm của giao dịch Scalping

Ưu điểm:

  • Rủi ro thấp hơn: Do thời gian giao dịch ngắn, nhà giao dịch Scalping ít phải chịu rủi ro thị trường so với các chiến lược đầu cơ dài hạn.
  • Tận dụng biến động ngắn hạn: Nhà giao dịch có thể khai thác các biến động giá nhỏ để kiếm lời từ mỗi giao dịch.

Nhược điểm:

  • Yêu cầu kỹ năng cao: Giao dịch Scalping đòi hỏi sự tập trung cao độkhả năng phản ứng nhanh với thị trường. Những người mới bắt đầu có thể khó thích nghi với tốc độ của chiến lược này.
  • Chi phí giao dịch cao: Do số lượng giao dịch lớn, nhà giao dịch có thể phải đối mặt với chi phí giao dịch cao hơn.

Tham khảo: Kỹ thuật lướt sóng hiệu quả cho nhà đầu tư

Ví dụ về Giao dịch Scalping với Cổ Phiếu ABC

Bước 1: Đặt lệnh mua

  • Thời điểm: 9:30 AM
  • Giá mua: 10.000đ
  • Phí mua vào: 0.1%
  • Phí bán ra: 0.1%
  • Thuế bán ra: 0.1%
  • Lý do: Cổ phiếu ABC đã chạm vào mức hỗ trợ ở 10.000đ và bắt đầu cho thấy dấu hiệu phục hồi trong bối cảnh thị trường tổng quát tích cực.

Bước 2: Đặt mục tiêu lợi nhuận

  • Mục tiêu lợi nhuận: 1% (tương đương 10.100đ)
  • Lý do: Mục tiêu lợi nhuận được xác định dựa trên sự kiểm soát rủi ro và tính hiệu quả trong chiến lược Scalping.

Bước 3: Quản lý lệnh và thực hiện

  • Sau khi mua cổ phiếu ABC vào 10.000đ, bạn liên tục theo dõi biểu đồ và các chỉ báo kỹ thuật như MA (Moving Average), RSI (Relative Strength Index) để đảm bảo rằng giá đang tiếp tục đi lên.
  • Khi giá cổ phiếu đạt 10.100đ, bạn thực hiện lệnh bán ngay lập tức để đóng vị thế và thu hồi lợi nhuận.
  • Khi đóng vị thế 10.100đ (tương đương lãi 1%), sau khi trừ phí thuế, nhà giao dịch Scalping sẽ lời 0.7% trên danh mục đầu tư ban đầu

Bước 4: Quản lý rủi ro

  • Nếu giá cổ phiếu không đi theo đúng dự đoán và bắt đầu giảm xuống dưới mức hỗ trợ 10.000đ, bạn có thể đặt lệnh bán cắt lỗ để giảm thiểu tổn thất.

Trong ví dụ này, việc mua vào với giá 10.000đ và bán ra với giá 10.100đ là để minh họa chiến lược Scalping đơn giản. Mỗi bước đều căn cứ vào phân tích kỹ thuật và quản lý rủi ro, nhằm tối đa hóa lợi nhuận trong một khoảng thời gian ngắn nhưng đủ để thu được lợi ích từ những biến động giá nhỏ của thị trường.

Kỹ thuật lướt sóng hiệu quả cho nhà đầu tư - Vietcap

Giao dịch Scalping là một chiến lược phù hợp cho những nhà đầu tư muốn kiếm lợi nhuận từ các biến động giá nhỏ trong ngày. Tuy nhiên, để thành công với giao dịch này, nhà giao dịch cần có kỹ năng phân tích kỹ thuật tốt, sự tập trung cao độ và kỷ luật trong quản lý rủi ro. Việc tuân thủ kế hoạch giao dịch và kiểm soát tâm lý cũng rất quan trọng để đạt được thành công trong giao dịch Scalping.

Powered by Froala Editor