Mệnh giá cổ phiếu (Par value / Face Value) được hiểu là giá trị danh nghĩa – nôm na là giá trị ban đầu của một cổ phiếu được công ty phát hành quy định và ghi rõ ràng trên tờ cổ phiếu. Mệnh giá cổ phiếu thường khác với giá trị thị trường của cổ phiếu đó.
Khái niệm mệnh giá có thể được hiểu dễ dàng bằng ví dụ về đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của một công ty A. Theo quy định của pháp luật Việt Nam cho mọi công ty, mệnh giá phát hành/cổ phiếu của công ty A sẽ là 10.000đ/cp. Tuy nhiên, khi cổ phiếu công ty A được phát hành thì giá bán mà các nhà đầu tư (NĐT) phải trả là 23.000đ/cp. Vậy, 10.000đ là mệnh giá/cp và 23.000đ là giá phát hành/cp của công ty A. Và mức chênh lệch 13.000đ/cp được gọi là thặng dư vốn cổ phần đối với công ty A, được tính theo công thức:
Giá phát hành = Mệnh giá + Thặng dư vốn cổ phần
Về mặt ghi nhận trên Báo cáo tài chính, giả sử công ty A phát hành 100 cổ phiếu, khi đó 1.000.000đ (100 cổ phiếu x 10.000đ/cp) sẽ được ghi nhận vào “Vốn điều lệ”, còn 1.300.000đ còn lại (100 cổ phiếu x 13.000đ/cp) sẽ được ghi nhận vào tài khoản “Thặng dư vốn cổ phần”. Tổng cộng, công ty A ghi nhận 2.300.000đ vào tài khoản “Vốn chủ sở hữu”, bằng với số tiền thu được từ đợt phát hành (100 cổ phiếu x 23.000đ/cp)
Do đó, mặc dù mệnh giá có thể là một con số tùy ý (là 10.000đ đối với hầu hết các cổ phiếu tại Việt Nam, theo quy định của pháp luật), thặng dư vốn cổ phần phụ thuộc vào việc NĐT chịu chi trả bao nhiêu cho mỗi cổ phiếu của công ty. Nói cách khác, thặng dư vốn cổ phần phụ thuộc vào tiềm năng tăng trưởng, lợi nhuận và số liệu bán hàng của công ty.
Vietcap tự hào là đơn vị thực hiện đa số các thương vụ IPO lớn nhất Việt Nam. Kinh nghiệm chuyên sâu cùng các phương án cấu trúc hiệu quả của chúng tôi giúp các thương vụ đảm bảo tuân thủ pháp luật và rút ngắn thời gian thực hiện.
Vậy, mệnh giá của một cổ phiếu dùng để làm gì?
Mệnh giá được sử dụng cho các mục đích:
1/ Căn cứ để xác định số lượng cổ phiếu đã phát hành của công ty theo vốn điều lệ (Giả sử đọc Bảng cân đối kế toán, chúng ta thấy vốn điều lệ của công ty X là 100.000.000.000đ, chúng ta có thể suy ra được số lượng cổ phiếu đã phát hành của công ty X là 10.000.000 cổ phiếu (bằng 100.000.000.000đ / 10.000đ/cp);
2/ Ghi sổ sách kế toán để tính lãi cổ tức;
3/ Tham khảo khi phân tích cổ phiếu (so sánh giá thị trường với mệnh giá để biết mức độ tín nhiệm của thị trường đối với giá trị của cổ phiếu công ty – tức NĐT chịu chi trả nhiều hơn bao nhiêu so với mệnh giá gốc của công ty, qua đó cho thấy niềm tin của NĐT đối với tiềm năng công ty)
Ngoài ra mệnh giá của một cổ phiếu được dùng trong trường hợp công ty quyết định chia cổ phiếu hoặc công bố cổ tức.
Chia cổ phiếu
Thông thường mệnh giá của một cổ phiếu luôn được cố định. Tuy nhiên, nếu công ty quyết định tăng số lượng cổ phiếu đang lưu hành bằng cách chia tách cổ phiếu (chia một cổ phiếu thành hai hoặc nhiều hơn) thì mệnh giá sẽ giữ nguyên nhưng thị giá sẽ thay đổi theo tỷ lệ tương ứng.
Ví dụ: giá trị thị trường trên mỗi cổ phiếu của cổ phiếu A là 22.000đ và mệnh giá là 10.000đ. Nếu công ty chia một cổ phiếu thành hai thì giá trị thị trường trên mỗi cổ phiếu sẽ ở mức 11.000đ, còn mệnh giá vẫn sẽ giữ nguyên ở mức 10.000đ.
Lưu ý thêm, mặc dù giá trị thị trường/cp giảm một nửa, nhưng số lượng cổ phiếu cũng tăng gấp đôi. Do đó giá trị thị trường của cả công ty (được tính bằng cách lấy giá trị thị trường/cp x tổng số lượng cp đang lưu hành) sẽ không thay đổi.
Do bản chất của việc làm này là công ty làm tăng số lượng cổ phiếu đang lưu hành lên và không phát sinh bất cứ dòng tiền nào chảy vào doanh nghiệp, vốn chủ sở hữu (VCSH) không đổi và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư không thay đổi.
Cổ tức
Tương tự, khi các công ty công bố cổ tức, nó được phát hành dựa theo mệnh giá chứ không phải giá thị trường. Nếu một công ty có mệnh giá là 10.000đ và giá thị trường là 22.000đ công bố cổ tức bằng 20% mệnh giá, điều đó có nghĩa là cổ tức là 2.000đ/cp.
Cổ tức là phần thưởng được trả cho các cổ đông của một công ty niêm yết đại chúng. Và để đủ điều kiện nhận cổ tức, bạn phải có tài khoản chứng khoán và đầu tư vào cổ phiếu trả cổ tức.
Mệnh giá so với giá thị trường
Mệnh giá cổ phiếu không tác động ảnh hưởng đến giá thị trường của cổ phiếu.
Mệnh giá thường được nhà đầu tư tham khảo khi phân tích giá trị cổ phiếu:
- Giá thị trường = Mệnh giá => chỉ báo giá trị cổ phiếu được thị trường đánh giá thấp, không hấp dẫn nhà đầu tư
- Giá thị trường < mệnh giá => Chỉ báo giá trị cổ phiếu mất giá, thị trường đánh giá tiêu cực, mức chênh lệch càng cao thì mức tiêu cực càng lớn.
- Giá thị trường > mệnh giá => Chỉ báo giá trị cổ phiếu được thị trường đánh giá tích cực, mức chênh lệch càng cao thì mức tích cực càng lớn.
Với những thông tin về mệnh giá của một cổ phiếu trên đây, hy vọng các bạn có thể cập nhật được nhiều kiến thức hữu ích. Xem nhiều hơn tại Vietcap Academy.
Powered by Froala Editor