Trước những kỳ vọng của thị trường về một nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại, các nhà kinh tế sẽ đánh giá xem liệu sự suy thoái này sẽ dẫn đến việc hạ cánh cứng hay hạ cánh mềm. Những thuật ngữ này thường được sử dụng để mô tả mức độ nghiêm trọng của sự giảm tốc của nền kinh tế so với tốc độ tăng trưởng hiện tại. Và gần đây, các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về tình trạng của nền kinh tế toàn cầu ảnh hưởng như thế nào đến khoản đầu tư trên thị trường tài chính.
Bài viết này Vietcap sẽ cùng thảo luận chủ đề hạ cánh cứng (Hard Landing) trong kinh tế là gì? nguyên nhân và hậu quả tiềm ẩn cũng như những thách thức mà các ngân hàng trung ương phải đối mặt khi cố gắng ngăn chặn điều đó, cũng như ý nghĩa của nó đối với các nhà đầu tư. Hãy cùng theo dõi nhé.
Hạ cánh cứng (Hard Landing) trong kinh tế là gì?
Trái ngược hoàn toàn với “hạ cánh mềm” xảy ra khi nền kinh tế duy trì tình trạng suy thoái nhẹ, theo đó chi tiêu tiêu dùng và đầu tư giảm nhẹ, nhưng vẫn tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng dương hoặc không thay đổi. Để so sánh, hạ cánh cứng (Hard Landing) trong nền kinh tế là giai đoạn các nền kinh tế trải qua thời kỳ suy thoái đột ngột và nghiêm trọng hơn ngay sau thời kỳ tăng trưởng nhanh chóng. Hiện nay, việc hạ cánh cứng thường khiến nền kinh tế rơi vào thời kỳ thụ động. Trong một số trường hợp, việc hạ cánh cứng có thể dẫn đến suy giảm nhanh chóng trong tăng trưởng kinh tế, thường dẫn đến suy thoái kinh tế. Trong kịch bản hạ cánh cứng, nền kinh tế có thể bị thu hẹp mạnh, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, chi tiêu dùng giảm và đầu tư kinh doanh sụt giảm. Hạ cánh cứng thường là kết quả của những nỗ lực không thành công nhằm quản lý một nền kinh tế quá nóng hoặc những cú sốc bên ngoài có tác động nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế.
Việc hạ cánh nhẹ nhàng có thể được minh họa bằng việc máy bay hạ cánh êm ái trên đường băng, có thể có một số va chạm nhỏ, nhưng nhìn chung, đây là một cuộc hạ cánh an toàn. Ngược lại, hạ cánh cứng xảy ra khi máy bay phải hạ cánh khẩn cấp dẫn đến hư hỏng máy bay hoặc gây thương tích cho hành khách.
Hạ cánh cứng xảy ra khi chính sách thắt chặt của ngân hàng trung ương dẫn đến giảm phát, tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh và suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Sau những cú sốc lớn về tài chính và tiền tệ, lịch sử cho thấy việc kiểm soát lạm phát hiếm khi là một quá trình dễ dàng. Kể từ năm 1965, Fed đã trải qua 11 chu kỳ tăng lãi suất, và ngoại trừ ba chu kỳ hạ cánh mềm mà Vietcap đã giới thiệu ở bài viết về hạ cánh mềm trước đó, tất cả các chu kỳ khác đều dẫn đến suy thoái kinh tế ở nhiều mức độ khác nhau, và lan ra các khu vực trên thế giới.
Ví dụ lịch sử về các cuộc hạ cánh cứng của nền kinh tế thế giới
Ví dụ gần đây nhất về việc Mỹ hạ cánh cứng là vào năm 2007 khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản nhà ở đang trải qua bong bóng đầu cơ nhà ở. Điều này đã góp phần vào tạo nên cuộc Đại suy thoái và lan ra hầu hết các nước trên thế giới, gây nên cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đắt đỏ năm 2008.
Cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu với việc Ngân hàng Lehman Brothers Holdings (Mỹ) nộp đơn xin phá sản vào ngày 15/9/2008 sau 158 năm hoạt động. Ngân hàng Lehman Brothers phá sản đã để lại một khoản nợ khổng lồ gần 700 tỷ USD, gây ra sự hỗn loạn hệ thống tài chính thế giới, kéo theo cỗ xe kinh tế toàn cầu suy giảm nghiêm trọng.
Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush và nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới lên tiếng kêu gọi người dân bình tĩnh, nhưng lời kêu gọi đó cũng không cứu vãn được tình thế. Thị trường chứng khoán Mỹ đổ dốc nhanh chóng. Nhiều ngân hàng do quá hoảng sợ đã tức khắc khóa van tín dụng dẫn tới hiện tượng khan hiếm tiền mặt. Điều này khiến hàng loạt các nhà xây dựng và công ty môi giới địa ốc mất khả năng thanh toán. Nhà đất tuột giá. Các hộ gia đình nước Mỹ trước kia đi vay với lãi rẻ để mua nhà, nay không thể trả nợ đáo hạn. “Vết dầu loang” làm cho hệ thống tài chính thế giới lâm vào cảnh không đòi được nợ.
Cuộc khủng hoảng khiến nền kinh tế toàn cầu thất thoát 4.500 tỷ USD vào năm 2009.
Nước Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới lâm vào suy thoái.
Cuộc khủng hoảng nhanh chóng lan rộng ở nhiều nước ngoài nước Mỹ. Các ngân hàng châu Âu đã cạn nguồn USD để trả cho các khoản vay bằng đồng USD. Cuối cùng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải đứng ra làm bên cho vay cuối cùng, cung cấp đến khoảng 1.000 tỷ USD thanh khoản.
Đáng chú ý là tác động của cuộc khủng hoảng tài chính đã làm cho tăng trưởng toàn cầu năm 2007 đạt 4,2% đã giảm xuống còn 1,8% vào năm 2008, sau đó bị giảm thêm vào năm 2009. Các chuyên gia kinh tế nhận định cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu này là cuộc hạ cánh cứng tồi tệ nhất tính từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1930.
Phải mất đến 10 năm, các gói kích thích kinh tế mới có thể khôi phục lại tình trạng bình thường cho kinh tế Mỹ. Còn ở châu Âu, nhiều nền kinh tế vẫn gặp khó khi tổng cầu sụt giảm. Trong khi trên thực tế, lẽ ra chính sách tiền tệ và tài khóa có thể tạo ra nhiều tác động tích cực hơn.
Trong các năm 1970, 1974, 1980, 1990 và 2008, lạm phát đều tăng cao hơn 5% và trong mỗi năm đó, chính sách của Fed đều dẫn đến suy thoái kinh tế.
Nguyên nhân của việc hạ cánh cứng
Có một số yếu tố có thể góp phần khiến việc hạ cánh cứng:
Chính sách tiền tệ quá mạnh và cứng nhắc: Các ngân hàng trung ương có thể tăng lãi suất quá nhanh hoặc quá nhiều, khiến chi phí đi vay tăng mạnh và làm giảm hoạt động kinh tế. Điều này có thể dẫn tới nhu cầu hàng hóa, dịch vụ giảm đột ngột, buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất và sa thải công nhân.
Nền kinh tế đang có dấu hiệu suy yếu: Nếu ngân hàng trung ương thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt khi nền kinh tế đã có dấu hiệu suy yếu hoặc dễ bị tổn thương, thì tác động có thể nghiêm trọng hơn nhiều so với dự kiến.
Những cú sốc bên ngoài: Các sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng trung ương, chẳng hạn như khủng hoảng địa chính trị, thiên tai hoặc suy thoái kinh tế toàn cầu, có thể làm trầm trọng thêm tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt và đẩy nền kinh tế vào tình trạng hạ cánh cứng.
Các cú sốc kinh tế khiến nền kinh tế mất cân bằng là những diễn biến khó lường, có tác động không nhỏ đến nền kinh tế, cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Ngày nay, thị trường và các ngành có mối liên hệ với nhau nên một cú sốc đối với bất kỳ ngành nào cũng có thể tác động đến các ngành khác.
Các loại cú sốc kinh tế bao gồm:
- Cú sốc về nguồn cung : Các cuộc chiến tranh, chẳng hạn như cuộc chiến năm 2022 của Nga ở Ukraine, có thể gây ra cú sốc về nguồn cung do xuất khẩu giảm, trong trường hợp này là gồm cả lúa mì và dầu từ cả hai quốc gia.
- Cú sốc về nhu cầu: Giá thực phẩm, vận chuyển và giá năng lượng cao đã khiến người tiêu dùng cắt giảm các khoản mua hàng không thiết yếu và tạo ra cú sốc về nhu cầu. Lãi suất vay thế chấp tăng đã tạo ra cú sốc về nhu cầu trong phân khúc bất động sản khi những người mua rời bỏ thị trường.
- Cú sốc tài chính: Những đợt suy thoái đột ngột như trên thị trường chứng khoán, khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng hoặc các quốc gia thay đổi chính sách tiền tệ hoặc phá giá đồng tiền đều là những ví dụ về cú sốc tài chính.
- Cú sốc công nghệ: Việc phát minh ra máy tính cá nhân và internet đều mang lại cú sốc công nghệ sâu sắc và tích cực. Các ví dụ khác về cú sốc công nghệ tích cực bao gồm việc phát minh ra lò vi sóng, các thiết bị điện tử và chip bán dẫn .
Mức nợ cao: Khi các hộ gia đình và doanh nghiệp mắc nợ nhiều, lãi suất tăng dẫn đến tình trạng vỡ nợ và phá sản trên diện rộng, làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái kinh tế.
Hậu quả của việc hạ cánh cứng
Hạ cánh cứng có thể gây ra một số hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế:
Suy thoái: Suy thoái kinh tế nghiêm trọng thường dẫn đến suy thoái kinh tế, với tỷ lệ thất nghiệp cao, chi tiêu tiêu dùng giảm và đầu tư kinh doanh giảm.
Bất ổn tài chính: Hạ cánh cứng có thể dẫn đến hỗn loạn thị trường tài chính và căng thẳng trong ngành ngân hàng, khi các doanh nghiệp và hộ gia đình phải vật lộn để trả nợ.
Trì trệ kéo dài: Nền kinh tế có thể trải qua một thời gian dài tăng trưởng thấp hoặc suy thoái, khiến doanh nghiệp khó phục hồi và cơ hội việc làm chậm quay trở lại.
Thách thức về các chính sách: Hạ cánh cứng khiến các nhà hoạch định chính sách có ít lựa chọn để kích thích nền kinh tế, đặc biệt nếu lãi suất đã ở mức thấp hoặc chính sách tài khóa bị hạn chế bởi mức nợ công cao.
Ngân hàng trung ương và chính phủ có thể làm gì khi hạ cánh cứng?
Trong trường hợp hạ cánh cứng, các ngân hàng trung ương và chính phủ thường chuyển sang các chính sách tiền tệ nới lỏng (ví dụ như lãi suất chính sách thấp hơn) và các chính sách tài khóa mở rộng (ví dụ như chi tiêu công cao hơn). Ví dụ, trong hậu cuộc khủng hoảng năm 2008-2009, Fed đã giảm mạnh lãi suất quỹ Fed từ 5,25% xuống mức thấp kỷ lục 0,25% trong khi chính phủ Mỹ tung ra các biện pháp kích thích tài chính để giúp nền kinh tế Mỹ phục hồi sau khủng hoảng.
Thách thức chính đối với các ngân hàng trung ương là tìm ra sự cân bằng phù hợp giữa chính sách thắt chặt và nới lỏng tiền tệ để đạt được sự hạ cánh nhẹ nhàng, tránh nền kinh tế quá nóng hoặc suy thoái đột ngột.
Nhiệm vụ này đòi hỏi phải phân tích cẩn thận các chỉ số kinh tế, hiểu biết sâu sắc về động lực của nền kinh tế và điều chỉnh chính sách kịp thời.
Nhà đầu tư nên làm gì khi nền kinh tế hạ cánh cứng
Nhà đầu tư không nên đánh giá thấp nguy cơ dẫn đến nền kinh tế hạ cánh cứng. Thị trường chứng khoán luôn phản ánh sự giằng co giữa mong muốn và kỳ vọng của nhà đầu tư đối với tương lai và nỗi sợ hãi rằng tương lai sẽ không như hy vọng. Thị trường không thể loại bỏ các sóng giảm và cũng chẳng thể tránh, một đợt suy thoái có thể khiến nhiều người bất ngờ và gây ra nhiều đợt điều chỉnh hoảng loạn trên thị trường chứng khoán. Những gì nhà đầu tư có thể làm là chuẩn bị thật tốt bản thân mình để sẵn sàng hành động trước cơn sóng bất ngờ, khó đoán định của thị trường. Trước những rủi ro đó, nhà đầu tư nên thận trọng với các khoản đầu tư của mình, giảm thiểu rủi ro bằng cách đảm bảo danh mục đầu tư được đa dạng hóa tốt và không theo đuổi margin.
Chúng ta cũng có thể cân đối lại danh mục đầu tư, giảm mức độ đầu tư vào cổ phiếu hoặc có thể nghiêng nhiều hơn về các công ty chất lượng trong các lĩnh vực phòng thủ, như hàng tiêu dùng thiết yếu và năng lượng, điện, nước... đây là những cổ phiếu chịu tác động rất nhỏ từ sự thay đổi xu hướng trên thị trường và nhờ đó khá ổn định, bất kể nền kinh tế đang thoái trào hay bùng nổ. Hoặc nói đến thu nhập cố định, thì tốt nhất nhà đầu tư nên hoán đổi trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất cao, rủi ro hơn để lấy trái phiếu an toàn hơn hoặc trái phiếu chính phủ dài hạn, an toàn trong thời kỳ suy thoái.
Cuối cùng, hãy cân nhắc việc nắm giữ một số lượng tiền mặt phòng thủ trong trường hợp xấu nhất chúng ta có thể tận dụng tốt các cơ hội đầu tư. Đối với nhà đầu tư giá trị, thị trường vào những lúc bị điều chỉnh mạnh là cơ hội mua vào hiếm có, bởi cổ phiếu của các công ty tốt bị đánh tụt xuống ngang hàng với các công ty khác và rơi xuống mức giá rất hấp dẫn.
Những kỳ vọng về việc nền kinh tế toàn cầu hạ cánh mềm hay cứng sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Tuy nhiên, do thị trường chứng khoán có xu hướng phản ánh các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế trong dài hạn, dù hạ cánh mềm hay hạ cánh cứng, các nhà đầu tư nên tiếp tục đầu tư cổ phiếu giá trị trong suốt chu kỳ kinh tế với các kế hoạch điều chỉnh hợp lý. Trong ba thập kỷ qua kể từ năm 1990, bất chấp một số cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính, thị trường chứng khoán toàn cầu luôn phục hồi sau những đợt suy thoái ngắn hạn của thị trường để vượt qua các chu kỳ kinh tế và thị trường.
Vì vậy, tóm lại, hạ cánh cứng là khi nền kinh tế giảm tốc quá nhanh và đột ngột giảm xuống dưới mức tăng trưởng tiềm năng, gây ra nguy cơ suy thoái. Hạ cánh cứng là một rủi ro kinh tế mà các ngân hàng trung ương luôn muốn cố gắng hết sức để tránh và lên kế hoạch thực hiện chính sách tiền tệ cho một cuộc giảm tốc nhẹ nhàng, từ từ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định, bền vững. Nhưng nhiệm vụ này không phải là việc dễ dàng.
Hy vọng bài viết này của Vietcap đã giúp bạn đọc cũng như các nhà đầu tư hiểu rõ hạ cánh cứng (Hard Landing), nguyên nhân và hậu quả của việc hạ cánh cứng, từ đó có thêm nhiều kiến thức và kế hoạch cho việc đầu tư trước những rủi ro hay cơ hội khi nền kinh tế có dấu hiệu hạ cánh cứng. Chúc các nhà đầu tư thành công!
Powered by Froala Editor