Khi một công ty thực hiện một vòng gọi vốn mà giá trị công ty được định giá thấp hơn vòng gọi vốn trước đó thì gọi là “Down Round”.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu những thứ mà nhà sáng lập và nhà đầu tư cần biết về các Down Round. Vietcap sẽ giới thiệu từ định nghĩa đến lý do tại sao các Down Round xảy ra, ý nghĩa của các Down Round cũng như một số lựa chọn thay thế.

Down Round là gì?

Down Round là một thuật ngữ trong lĩnh vực đầu tư và tài chính, diễn ra khi một công ty gọi vốn (ví dụ như phát hành cổ phiếu) với định giá thấp hơn so với vòng gọi vốn trước đó. Down Round xảy ra khi công ty không thể hoặc chọn không huy động vốn ở mức định giá cao hơn, có thể do nhiều lý do như động lực thị trường, hiệu quả hoạt động của công ty, và môi trường kinh tế tổng thể,... Mặc dù việc diễn ra Down Round ảnh hưởng tiêu cực đến cả nhà đầu tư và cổ đông hiện hữu, dẫn đến việc giảm giá trị định giá của công ty và cổ phần, nhưng có thể đóng vai trò cứu cánh cho một công ty trong tình huống cần huy động vốn cấp bách.

Tại sao các công ty lại bị Down Round

Có một số lý do khiến Down Round xảy ra với một công ty gọi vốn, một số lý do bao gồm:

Không đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng của các nhà đầu tư: Hiệu quả hoạt động của công ty không đạt được kỳ vọng, dẫn đến doanh thu và dự báo tăng trưởng thấp hơn. Nếu một công ty không đạt được các mục tiêu kinh doanh cần thiết, kỳ vọng của nhà đầu tư sẽ phải điều chỉnh giảm xuống, hoặc các nhà đầu tư ở các vòng trước có thể tận dụng nhược điểm này để hạ giá cổ phiếu và kéo theo đó là sự định giá tổng thể doanh nghiệp giảm sút. Những dự đoán hoặc định giá quá lạc quan từ các vòng cấp vốn trước đó, cũng đặt ra thách thức khi triển vọng thực tế hơn trở nên rõ ràng.

Nền kinh tế không thuận lợi: Bao gồm nhiều yếu tố ví dụ như lãi suất, diễn biến của thị trường chứng khoántâm lý chung của nhà đầu tư trong môi trường vĩ mô có thể tác động sâu sắc đến việc định giá.

Điều kiện tăng trưởng kinh tế tốt thường đi kèm với sự gia tăng giá trị của doanh nghiệp tương ứng cho dự phóng tăng trưởng tốt, cho phép doanh nghiệp có cơ hội được định giá cao hơn. Ngược lại, trong giai đoạn kinh tế đi xuống, các nhà đầu tư có xu hướng định giá doanh nghiệp ở mức thấp hơn, dẫn đến cổ phiếu hoặc cổ phần của doanh nghiệp được bán với giá thấp hơn.

Các công ty khởi nghiệp trong một môi trường kinh tế đang khủng hoảng hoặc suy thoái, cũng sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư mới ở mức định giá cao trước đây, thậm chí một số thời kỳ còn được ví von là “mùa đông gọi vốn” để mô tả tình trạng thị trường gọi vốn khó khăn, ảm đạm.

Môi trường cạnh tranh suy thoái: Nếu các đối thủ cạnh tranh mới của một công ty xuất hiện, rủi ro giảm thị phần của công ty đó cũng sẽ ảnh hưởng đến việc định giá. Các công ty có thể gặp khó khăn trong việc thuyết phục các nhà đầu tư về giá trị của mình khi phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Trong trường hợp có sự cạnh tranh trên thị trường, các nhà đầu tư có xu hướng hạ thấp giá trị cổ phiếu để bù đắp rủi ro liên quan đến khoản đầu tư này. Ngoài ra, các nhà đầu tư có xu hướng nghiên cứu một lợi thế cạnh tranh nhất định của đối thủ để làm cơ sở so sánh và xác định giá trị hợp lý của công ty cho các vòng cấp vốn sắp tới.

Hậu quả của Down Round đối với một công ty & Nhà đầu tư

Một số công ty cố gắng huy động vốn với định giá thấp hơn có thể gặp phải một số gánh nặng tâm lý tiêu cực ví dụ như làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư, tinh thần của nhân viên và hình ảnh công ty.

Ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và tài chính: Giảm giá trị cổ phần có thể ảnh hưởng đến khả năng của công ty trong việc huy động vốn hoặc thực hiện các kế hoạch phát triển dựa trên việc tăng vốn. Nó có thể dẫn đến việc cắt giảm chi phí, hạn chế khả năng mở rộng và phát triển.

Người sáng lập và nhân viên: Cổ phần vốn sở hữu của họ, thường ở dạng cổ phiếu hoặc cổ phần, có thể bị pha loãng do phát hành cổ phiếu mới với giá thấp hơn. Điều này có thể ảnh hưởng đến động lực và sự cam kết lâu dài của họ với công ty.

Tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư và cổ đông: Down Round thường gây thiệt hại tới lòng tin của nhà đầu tư hiện tại và cổ đông. Việc giảm giá trị cổ phiếu của họ có thể làm giảm sự hứng thú và niềm tin vào tiềm năng tương lai của công ty.

Sự pha loãng tỷ lệ sở hữu: Nếu Down Round dẫn đến việc phát hành cổ phiếu với số lượng lớn hơn hoặc giá thấp hơn, nó có thể gây ra sự pha loãng cổ phần của cổ đông hiện tại, làm giảm giá trị của cổ phần họ đang sở hữu.

Khó khăn trong thu hút các nhà đầu tư tiềm năng khác trong tương lai: Down Round có thể tạo ra nhận thức tiêu cực về công ty khởi nghiệp, dẫn đến niềm tin của nhà đầu tư giảm sút và khó khăn hơn trong việc huy động vốn trong tương lai.

Hiểu được tầm quan trọng của các Down Round là điều cần thiết đối với các công ty khởi nghiệp, nhà đầu tư cũng như nhân viên. Đóng vai trò như một lời nhắc nhở quan trọng để duy trì những kỳ vọng thực tế và liên tục theo dõi hiệu quả hoạt động của công ty cũng như xu hướng thị trường để đưa ra quyết định sáng suốt trong quá trình huy động vốn.

Các lựa chọn thay thế cho Down round

Như chúng ta có thể thấy, Down Round có thể gây ra những hậu quả đáng kể cho các cổ đông hiện tại bao gồm cả chính những người sáng lập.

Đó là lý do tại sao các công ty khởi nghiệp nên cân nhắc các lựa chọn của mình trước khi tiếp tục với Down Round. Một số lựa chọn thay thế có thể bao gồm:

Đàm phán với nhà đầu tư. Nếu chuẩn bị tiếp tục với Down Round, các công ty khởi nghiệp có thể mời các nhà đầu tư của mình ngồi lại và xem liệu có thể đàm phán lại các điều khoản ban đầu của vòng gọi vốn. Để có được mức giá phù hợp và làm hài lòng các bên, doanh nghiệp nên cung cấp thêm nhiều quyền lợi hấp dẫn cho nhà đầu tư hiện tại.

Vay vốn ngắn hạn. Nếu công ty khởi nghiệp đang gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động trong thời gian ngắn hạn, thì có thể xem xét phương án vay vốn ngân hàng để giải quyết các vấn đề cấp bách về dòng tiền. Các khoản vay ngắn hạn là cứu cánh cho các doanh nghiệp nhỏ. Các yêu cầu đối với các khoản vay như vậy thường dễ đáp ứng hơn, và lãi suất cũng thấp hơn.

Giảm tối đa chi phí hoạt động và nâng cao hiệu quả. Đây là lựa chọn tốt nhất, việc sử dụng bộ máy hoạt động kinh doanh tinh gọn và đơn giản hiệu quả trong thời gian khó khăn. Nếu công ty khởi nghiệp có thể cắt giảm chi phí dư thừa và tạo ra nhiều hiệu quả hơn, lúc này chúng ta từ bỏ việc huy động vốn từ bên ngoài cho đến khi công ty có vị thế vững chắc hơn. Không phải mọi công ty đều có khả năng làm điều này, nhưng đây chắc chắn là điều cần cân nhắc trước khi bắt đầu Down Round.

Cũng giống như thị trường giá xuống, những đợt suy thoái đôi khi là điều không thể tránh khỏi đối với các công ty khởi nghiệp. Có những lựa chọn thay thế có thể giúp công ty khởi nghiệp cân nhắc, nhưng không có gì là không phải trả giá cả - mọi giải pháp thay thế đều đi kèm với chi phí rất thực tế và có thể chỉ đơn giản là trì hoãn thời gian của vòng suy thoái. Điều quan trọng đối với cả người sáng lập công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư đang đối mặt với những tình huống đầy thách thức là phải cân bằng những tác động tiêu cực của các đợt Down Round với những chi phí này.

 

Powered by Froala Editor