Phân tích điểm hoà vốn giúp doanh nghiệp lập kế hoạch ngân sách, quản lý và kiểm soát chi phí cũng như hoạch định chiến lược về giá một cách phù hợp nhằm mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận. Bài viết này Vietcap sẽ mang bạn đến tìm hiểu về điểm hòa vốn là gì và cách phân tích điểm hòa vốn. 

Điểm hòa vốn là gì?

Điểm hòa vốn (Break even point) là điểm mà tại đó Tổng doanh thu bằng Tổng chi phí. Hay nói cách khác thì tại điểm hòa vốn, doanh nghiệp bắt đầu thu được lợi nhuận.

Khi xem xét hoà vốn, người ta thường quan tâm đến hai loại điểm hoà vốn:

– Điểm hoà vốn kinh tế (còn gọi là điểm hoà vốn trước lãi vay): Là điểm tại đó doanh thu bán hàng bằng tổng chi phí sản xuất kinh doanh. Tại điểm hoà vốn kinh tế lợi nhuận trước lãi vay và thuế của doanh nghiệp bằng không.

– Điểm hoà vốn tài chính (còn gọi là điểm hoà vốn sau lãi vay): Là điểm tại đó doanh thu bán hàng bằng tổng chi phí đã bao gồm lãi vay phải trả trong kỳ. Tại điểm hoà vốn tài chính lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp bằng không.

Khi doanh nghiệp phân tích điểm hòa vốn nhằm:

  • Thiết lập một mức giá hợp lý
  • Đạt mục tiêu hiệu quả nhất trong khi kết hợp giữa chi phí cố định và chi phí biến đổi.
  • Để xác định thu hút và phân bổ tài chính trong các chiến lược khác nhau trong doanh nghiệp.
  • Được sử dụng trong phân tích tính hiệu quả của dự án kinh doanh. 

Phân tích điểm hoà vốn giúp doanh nghiệp lập kế hoạch ngân sách, quản lý và kiểm soát chi phí cũng như hoạch định chiến lược về giá một cách phù hợp nhằm mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận.

Công thức tính điểm hòa vốn

Q = FC / (Po - Vc)

Trong đó:

    Q: Là sản lượng hòa vốn

    Fc: Chi phí cố định

    Vc: Chi phí biến đổi trên mỗi đơn vị sản phẩm.

    Po: Giá sản phẩm.

Chi phí cố định là những chi phí không biến đổi khi sản phẩm hoặc sản lượng thay đổi, ví dụ tiền thuê nhà xưởng, khấu hao máy móc thiết bị, và tiền điện thoại. Những chi phí này sẽ không thay đổi cho dù bạn sản xuất được sản phẩm.

Chi phí biến đổi là những chi phí sẽ biến đổi khi thay đổi lượng sản phẩm sản xuất, ví dụ nguyên vật liệu, lương công nhân viên. Số lượng sản phẩm tăng, sẽ sử dụng thêm nhiều nguyên vật liệu và nhiều nhân công hơn.

Kết quả của công thức này sẽ cho biết bạn cần đạt được doanh thu bao nhiêu để đạt được điểm cân bằng hay hòa vốn. Doanh thu lớn hơn con số này có nghĩa là đã đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nếu bạn lấy số này chia cho giá bán của một sản phẩm, có thể biết được cần phải bán được bao nhiêu sản phẩm để đạt được điểm cân bằng.

Phân tích điểm hoà vốn (break - even analysis) cần phải được thực hiện đối với tất cả các nguồn doanh thu. Nếu doanh nghiệp có nhiều loại sản phẩm khác nhau, cần phải tính điểm hoà vốn cho từng loại sản phẩm. Điều này cho phép những người quản lý xác định được sản phẩm nào bán được và sản phẩm nào cần phải cải thiện, từ đó có hướng đầu tư cho hợp lý.

Nếu việc bán một sản phẩm nào đó không tốt - không đạt được điểm hòa vốn - cần phải thay đổi. Có thể bao gồm nâng giá, giảm chi phí, hoặc có thể không sản xuất sản phẩm đó nữa. Mặc khác, nếu một sản phẩm nào đó bán được, có thể tập trung vào để tăng thêm lợi nhuận.

Ưu điểm của phân tích hòa vốn

Tiến hành phân tích hòa vốn cung cấp cho các doanh nghiệp một bức tranh rõ ràng về giá cả và tài chính, cho phép họ đưa ra quyết định tốt hơn và giảm khả năng ngừng kinh doanh do thiếu hụt tài chính. Cụ thể hơn, lợi ích của phân tích hòa vốn bao gồm:

  • Định giá sản phẩm rõ ràng: doanh nghiệp có thể tính toán rõ ràng giá sản phẩm của mình với giá bao nhiêu, nhưng việc định giá mà không có dữ liệu để làm cơ sở lý luận sẽ rất rủi ro. Việc tìm ra điểm hòa vốn và biết điểm hòa vốn sẽ ảnh hưởng như thế nào đến khả năng sinh lời của bạn sẽ là một hoạt động kinh doanh thông minh và có thể giúp bạn định giá một cách thực tế.
  • Hỗ trợ cho các quyết định kinh doanh: Tương tự như vậy, phân tích hòa vốn có thể giúp loại bỏ cảm xúc ra khỏi việc định giá sản phẩm của doanh nghiệp. Căn cứ vào các quyết định kinh doanh dựa trên sự kiện và số liệu thực tế.
  • Giảm thiểu các khoản chi phí bị bỏ sót: Với tất cả các bộ phận đang chuyển sang hoạt động kinh doanh mới, rất dễ bỏ qua hoặc không theo dõi hết các khoản chi phí. Phân tích hòa vốn yêu cầu thu thập dữ liệu tài chính quan trọng và chính xác, điều này có thể giúp hiểu rõ về những con số và tránh bỏ sót chi phí ngay từ đầu.
  • Đặt mục tiêu doanh thu: Phân tích hòa vốn cho bạn những con số và mục tiêu doanh số rõ ràng. Điều này cũng có thể giúp làm rõ các mục tiêu kinh doanh.
  • Hạn chế căng thẳng tài chính: Tiến hành phân tích có thể làm sáng tỏ các kết quả kinh doanh tiêu cực tiềm ẩn. Có dữ liệu này có thể giúp doanh nghiệp tránh thất bại và hạn chế những rủi ro tài chính.

Tùy thuộc vào kết quả của phân tích hòa vốn, doanh nghiệp có thể cân nhắc thực hiện bất kỳ bước tiếp theo. Có thể thay đổi giá sản phẩm để có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn, tăng hoặc giảm chi phí cố định, thay đổi chi phí biến đổi và nhiều hành động khả thi khác. 

Tham khảo:

- Lợi nhuận ròng và lợi nhuận sau thuế có gì khác nhau?

- Biên lợi nhuận là gì? Phân loại và cách tính biên lợi nhuận

Hạn chế trong phân tích hòa vốn

Một số hạn chế cần chú ý khi phân tích hòa vốn gắn liền với các giả định, điều này gây ra những hạn chế khi phân tích điểm hoà vốn:

  • Giả định rằng giá bán không đổi ở mọi mức sản lượng: điều này không đúng với thực tế, khi sản lượng bán ra đạt đến một mức nhất định, giá bán cũng sẽ thay đổi theo quy luật cung – cầu trên thị trường.
  • Giả định khối lượng sản xuất và bán hàng là như nhau, trong khi đó trên thực tế, doanh nghiệp luôn có một lượng hàng tồn kho nhất định.
  • Phân tích hoà vốn khó áp dụng trong điều kiện doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhiều loại sản phẩm do có sự khác biệt về giá bán và chi phí biến đổi của từng sản phẩm. Tuy nhiên trên thực tế, doanh nghiệp thường sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau. 
  • Chi phí sản phẩm hoặc dịch vụ biến đổi sẽ không luôn giữ nguyên. Khi mức sản lượng tăng lên, khả năng thương lượng của một người để mua nguyên vật liệu hoặc dịch vụ cũng sẽ tăng lên.
  • Đây là một công cụ hỗ trợ lập kế hoạch và không phải là một công cụ ra quyết định.

Phân tích hòa vốn là rất quan trọng đối với bất kỳ doanh nghiệp nào để duy trì kinh doanh và có lãi. Do đó, trách nhiệm của ban quản lý là phải liên tục theo dõi điểm hòa vốn để tối ưu hóa chi phí và cái thiện giảm điểm hòa vốn. Qua bài viết Vietcap hy vọng các bạn đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích, nắm được ý nghĩa và những lưu ý khi sử dụng của điểm hòa vốn từ đó vận dụng linh hoạt vào phân tích đầu tư và đưa ra các quyết định quản trị chính xác

Powered by Froala Editor