Đầu tư vào một loại chứng khoán duy nhất là một hành động mạo hiểm. Do đó, bên cạnh hoạt động đầu tư vào các chứng khoán vốn cổ phần thông thường có độ rủi ro khá cao, thì việc đa dạng hóa đầu tư thêm vào các chứng khoán có thu nhập cố định là một sự cân nhắc đầu tư thông minh. Trong trường hợp này, chứng khoán có thu nhập cố định đóng một vai trò thiết yếu. Trong bài viết ngày hôm nay, Vietcap sẽ giới thiệu đầy đủ các thông tin về chứng khoán có thu nhập cố định (Fixed income securities) tới các nhà đầu tư. Hãy theo dõi ngay sau đây nhé.
Chứng khoán có thu nhập cố định là gì?
Chứng khoán có thu nhập cố định trong tiếng Anh được gọi là Fixed income securities. Chữ “Fixed income” chỉ ra đây là yêu cầu thu thập cố định của nhà đầu tư bằng các khoản thanh toán trả lãi cố định, thường xuyên và hoàn trả gốc khi đáo hạn, mà không cần quan tâm quá nhiều đến kết quả kinh doanh của đơn vị phát hành.
Đầu tư thu nhập cố định bảo toàn vốn tốt hơn, thường có rủi ro thấp hơn cổ phiếu vì chúng ít bị ảnh hưởng bởi sự thăng trầm của thị trường và các sự kiện địa chính trị, kinh tế bất ngờ. Fixed Income Securities có thể tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau như: cổ phiếu ưu đãi, trái phiếu, tín phiếu.
Thông thường, việc phát hành các loại chứng khoán có thu nhập cố định phải kèm theo những quy định pháp lý cụ thể được đề ra bởi nhà nước buộc các nhà phát hành phải tuân thủ. Những quy định này sẽ đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, đồng thời Chính phủ, các công ty Cổ phần và các tổ chức phát hành sẽ tạo ra được một nguồn vốn ổn định và đảm bảo.
Các loại chứng khoán có thu nhập cố định
Có nhiều cách phân loại chứng khoán có thu nhập cố định như theo chủ thể phát hành, hình thức, thời hạn đáo hạn( ngắn hạn, dài hạn, trái phiếu, tín phiếu) hay theo phân loại lãi suất chứng khoán (cố định, thả nổi).., tuy nhiên cách phân loại theo chủ thể phát hành thường được biết đến rộng rãi hơn, trong đó các chủ thể phát hành có thể là chính phủ, các cơ quan hành chính, tổ chức doanh nghiệp...
- Trái phiếu doanh nghiệp (Trái phiếu công nghiệp): Là trái phiếu được các doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn phát hành ra thị trường nhằm huy động vốn hoạt động. Bên cạnh chủ thể phát hành là doanh nghiệp còn có thể phát hành cổ phiếu ưu đãi với mục đích tương tự.
- Trái phiếu chính phủ: Mục đích phát hành để đáp ứng được nhu cầu chi tiêu của Chính phủ. Nhằm huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong dân, các tổ chức kinh tế – xã hội. Và đây được xem là nhà phát hành có uy tín nhất, vì vậy khi mua trái phiếu Chính phủ cũng được xem là loại chứng khoán ít rủi ro nhất. Ở Việt Nam thì chỉ có tín phiếu là có thời hạn < 1 năm, > 1 năm thì gọi hết là trái phiếu. Quốc tế thì phân ra Bills < 1 năm, Notes là từ 1-10 năm, Bonds > 10 năm. Chữ T trong T-Bills hay T-Notes mà mọi người thường thấy khi đọc báo là viết tắt của chữ Treasury (Kho bạc), đây là trái phiếu chính phủ phát hành.
- Trái phiếu của ngân hàng hay tổ chức tài chính: Mục đích phát hành nhằm tăng thêm nguồn vốn hoạt động.
Tham khảo:
- Trái phiếu là gì? Phương thức mua trái phiếu tại Việt Nam
- Trái phiếu doanh nghiệp có an toàn không?
- Những rủi ro khi đầu tư trái phiếu mà nhà đầu tư cần chú ý
Ai nên đầu tư vào chứng khoán thu nhập cố định?
Đúng như tên gọi, chứng khoán có thu nhập cố định mang lại lợi nhuận cố định và có thể dự đoán hay tính toán trước được, đó là lý do tại sao loại hình đầu tư này trở thành xu hướng của các nhà đầu tư thận trọng đang tìm kiếm lợi nhuận ổn định. Bởi vì chứng khoán có thu nhập cố định tạo ra lợi nhuận định kỳ nên chúng tạo thành một khoản nợ đối với đơn vị phát hành chúng ra thị trường. Kết quả là lãi suất phải trả cho các công cụ này là không đổi bất kể điều kiện thị trường.
Giá trị cuối cùng của các công cụ tài chính này tại thời điểm đáo hạn được tính toán rõ ràng trước khi được công bố phát hành. Điều này có nghĩa là nhà đầu tư có thể biết số tiền sẽ nhận được khi đáo hạn tại thời điểm đầu tư. Đối với các nhà đầu tư, đây là lợi thế đáng chú ý nhất.
Chứng khoán có thu nhập cố định là sự lựa chọn lý tưởng cho những nhà đầu tư đang tìm kiếm công cụ đầu tư an toàn nhất. Những người cảnh giác với những biến động của thị trường chứng khoán và đang tìm kiếm các khoản đầu tư ổn định, an toàn và ít rủi ro biến động. So với cổ phiếu, thu nhập cố định ổn định hơn nhiều và mang ít rủi ro hơn do ít nhạy cảm hơn với rủi ro kinh tế vĩ mô (ví dụ: suy thoái kinh tế, rủi ro địa chính trị).
Và cũng có thể được lựa chọn bởi những nhà đầu tư khao khát muốn kiếm được lợi nhuận an toàn cũng như nhằm mục đích đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình. Cân đối lại danh mục đầu tư để phòng thủ trước các đợt giảm giá mạnh hoặc down trend của thị trường chứng khoán.
Một lợi ích khác là phần lớn chứng khoán thu nhập cố định là các công cụ nợ, do đó, sự ưu tiên chi trả của các công cụ nợ này luôn luôn xếp trước so với vốn chủ sở hữu trong cơ cấu vốn. Vì vậy khi công ty bị giải thể hoặc phá sản, người nắm giữ công cụ nợ được ưu tiên thanh toán trước cổ đông nắm giữ cổ phiếu. Khác với người nắm giữ cổ phiếu, chủ nợ (người nắm giữ các công cụ nợ) không có quyền tham gia vào hoạt động của công ty.
Tuy nhiên, đầu tư vào chứng khoán có thu nhập cố định có thể làm giảm lợi nhuận đầu tư vì tính chất rủi ro thấp luôn đi liền với lợi tức thu về ít hơn. Nhìn chung, về ưu điểm thì trái phiếu có lãi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm có cùng kỳ hạn. Dễ dàng thanh toán chuyển nhượng với các chủ thể khác nhau. Nhưng khó so sánh với lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu trong trường hợp thị trường chứng khoán chung tăng mạnh.
Rủi ro của chứng khoán thu nhập cố định
Có bốn rủi ro phổ biến thường đi kèm với các chứng khoán thu nhập cố định:
- Rủi ro lãi suất: Nếu lãi suất tăng, giá trái phiếu giảm (và ngược lại). Lãi suất và giá trái phiếu tỷ lệ nghịch với nhau, khi lãi suất giảm, nhu cầu sẽ tăng, giá trái phiếu theo đó cũng tăng và ngược lại. Nhiều trường hợp doanh nghiệp tự đẩy lãi suất phát hành lên trong khi tình hình tài chính còn yếu;
- Rủi ro lạm phát: Nếu tỷ lệ lạm phát vượt quá thu nhập từ trái phiếu thì lợi nhuận thực tế sẽ thấp hơn.
- Rủi ro tín dụng (hoặc Rủi ro vỡ nợ): các công cụ nợ của chính phủ thường được coi là loại có mức độ rủi ro thấp nhất, vì Chính phủ có khả năng thu thuế hoặc phát hành tiền để thanh toán cho chủ nợ khi đáo hạn. Tuy nhiên, khi mua trái phiếu của các doanh nghiệp thì không an toàn như vậy, do vậy trái phiếu công ty có mức độ rủi ro cao hơn và phải trả lãi suất cao hơn cho nhà đầu tư.
- Rủi ro thanh khoản: Trong một vài trường hợp, tính thanh khoản không cao do thị trường trái phiếu nhỏ. Chúng sẽ tác động trực tiếp đến lợi tức của trái chủ.
Nếu bạn là nhà đầu tư mới nên xem qua cẩm nang chứng khoán cơ bản
Cách đầu tư vào chứng khoán thu nhập cố định
Để có thể đầu tư chứng khoán thu nhập cố định để tìm kiếm lợi nhuận ổn định và tránh các rủi ro kể trên thì nhà đầu tư có thể chọn các hình thức đầu tư dưới đây:
Đầu tư trực tiếp:
Nhà đầu tư có thể mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại các sở giao dịch hoặc các công ty chứng khoán như Vietcap. Nên chọn những tổ chức phát hành chứng khoán uy tín, sau đó mới tham khảo lựa chọn các loại chứng khoán tốt, khả năng sinh lời cao.
Có thể dùng các tiêu chí sau để đánh giá:
- Dựa vào xếp hạng tín dụng.
- Tình hình hoạt động kinh doanh ổn định, tương lai tăng trưởng;
- Lợi tức cao;
- Thời gian đáo hạn phù hợp với mục đích đầu tư của chủ thể.
- Cuối cùng, nhà đầu tư tiến hành đặt lệnh trực tiếp trên app đầu tư hoặc giao dịch tại quầy giao dịch của công ty chứng khoán.
Đầu tư gián tiếp:
Nhà đầu tư có thể thông qua các quỹ đầu tư trên thị trường để mua các loại chứng khoán. Nên chọn các quỹ có đội ngũ chuyên gia tài chính chuyên nghiệp và danh mục đầu tư đa dạng. Thường thì các quỹ sẽ tiến hành phân tích đánh giá về trái phiếu trước, điều này có lợi cho bạn để đưa ra quyết định đầu tư. Số vốn cần để tham gia có thể từ 1 - 2 triệu VND tùy quỹ, tuy nhiên hiệu quả đầu tư tăng sẽ đem về thu nhập tốt.
Như vậy, trong bài viết này Vietcap đã cung cấp cho nhà đầu tư những thông tin cơ bản về chứng khoán có thu nhập cố định (Fixed income securities) là gì. Đặc điểm, phân loại, ưu điểm, hạn chế và cách thức đầu tư. Vì vậy, trước khi ra quyết định đầu tư, nhà đầu tư cần tìm hiểu rõ để tránh những sai sót và những rủi ro không đáng có. Chúc các nhà đầu tư thành công!
Powered by Froala Editor