Trong quá trình đầu tư, đôi lúc nhà đầu tư không thể tránh khỏi có những lúc ra quyết định đầu tư không đúng thời điểm, mua phải cổ phiếu đang ở giá cao và sau đó giá giảm không như kỳ vọng. Vậy chúng ta nên làm gì khi rơi vào trường hợp này? Có nhiều hướng xử lý mà nhà đầu tư có thể cân nhắc như cắt lỗ hoặc áp dụng chiến thuật cưa chân bàn. Vạy chiến thuật cưa chân bàn là gì và cách áp dụng như thế nào? Hãy cùng Vietcap thảo luận ở bài viết ngay sau đây nhé.
Chiến thuật “Cưa chân bàn” là gì?
Chiến thuật “Cưa chân bàn” là một tiếng lóng trong giao dịch trên thị trường chứng khoán ám chỉ việc trung bình giá xuống. Giá vốn ban đầu giống như một cái bàn có chân cao. Khi cổ phiếu giảm, nhà đầu tư mua thêm, khiến giá vốn giảm. Mỗi lần như thế, chân cái bàn lại thấp dần. Chiến thuật cưa chân bàn còn biết đến với tên tiếng anh là DCA (dollar-cost averaging).
Chiến thuật cưa chân bàn thường được các nhà đầu tư lỡ mua phải những cổ phiếu ở giá đỉnh hay giá cao áp dụng để trung bình giá xuống. Tuy nhiên, chiến thuật cưa chân bàn nếu không áp dụng đúng cách có thể khiến nhà đầu tư sa sầy hơn trong thua lỗ. Chiến thuật cưa chân bàn không phải là một chiến thuật trung bình giá có thể nhìn nhận một cách đơn giản rằng chúng ta nhìn thấy cổ phiếu giảm nên chúng ta mua thêm và đây là lối tư duy không được các chuyên gia tài chính khuyến khích thực hành.
Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư mua một cổ phiếu với hy vọng tìm kiếm lợi nhuận, vậy nên khi giá xuống nhà đầu tư rất khó bán ra vì tâm lý không chấp nhận sự thua lỗ, không dám cắt lỗ. Thay vì ra quyết định cắt lỗ theo nguyên tắc thông thường áp dụng khi giá cổ phiếu giảm quá 8-10%, nhà đầu tư thường hy vọng giá cổ phiếu sẽ hồi phục, sau đó mới quyết định bán ra. Một số nhà đầu tư mong muốn đẩy nhanh quá trình hồi vốn nên sẽ áp dụng chiến thuật cưa chân bàn để hạ giá vốn nhanh chóng hy vọng khi quá trình hồi phục thì chúng ta sẽ nhanh hoà vốn, giá càng giảm, nhà đầu tư càng mua nhiều hơn. Đây sẽ là một chiến thuật lý tưởng nếu thị trường hoặc cổ phiếu nhà đầu tư đang nắm giữ nhanh chóng phục hồi và tăng trở lại, giúp nhà đầu tư có thể nhanh hoà vốn và có lợi nhuận nhiều hơn. Tuy nhiên nếu trong một thị trường giá xuống hoặc suy thoái dài hạn, nhà đầu tư sẽ chìm sâu hơn vào tình trạng thua lỗ và cạn kiệt nguồn vốn. Vậy làm thế nào để áp dụng chiến thuật cưa chân bàn một cách hiệu quả và phòng ngừa rủi ro?
Hạn chế của chiến thuật cưa chân bàn
Nghĩ đến rủi ro là bước đầu tiên trước chúng ta ra bất kỳ quyết định đầu tư nào, đây là một nguyên tắc giúp nhà đầu tư đầu tư an toàn và bảo toàn nguồn vốn một cách thận trọng nhất. Vì vậy trước khi đi vào phương pháp áp dụng chiến thuật cưa chân bàn, nhà đầu tư nên tìm hiểu những hạn chế của chiến thuật này để hiểu rõ có nên áp dụng DCA trong thời điểm này hay không.
Một nhược điểm lớn nhất của chiến thuật cưa chân bàn khi trung bình giá xuống là nhà đầu tư áp dụng sai điều kiện thị trường và sai mã cổ phiếu, mù quáng trung bình giá xuống và gồng lỗ không có mục tiêu kế hoạch rõ ràng. Rủi ro khi miệt mài cưa chân bàn chính là việc nhà đầu tư không biết mình đang ở giai đoạn nào trong bức tranh toàn cảnh của thị trường. Khi mà nhà đầu tư trung bình giá cổ phiếu chỉ vì giá cổ phiếu đã giảm quá nhiều, quá rẻ so với trước đó, thì sẽ phải đối mặt với khả năng thua lỗ lớn.
Mặc dù nhiều người luôn có niềm tin không cổ phiếu nào giảm mãi được, giảm đến đáy rồi cũng sẽ hồi phục, nhưng chúng ta cũng phải có suy nghĩ “không ai trung bình giá mãi được”. Trên thị trường chứng khoán cũng có không ít mã cổ phiếu giảm mãi rồi cũng sẽ hết giảm nhưng câu chuyện hồi phục lại không xảy ra hoặc xảy ra quá chậm chạp gây tâm lý chán nản hơn cho nhà đầu tư, thậm chí có nhiều mã cổ phiếu có nội tại quá kém buộc phải hạn chế giao dịch, huỷ niêm yết hoặc chuyển sàn. Và như vậy, việc trung bình giá xuống đẩy nhà đầu tư đi từ thua lỗ nhiều hơn và mất vốn.
Tương tự khi thị trường rơi vào giai đoạn suy thoái kéo dài, chiến thuật cưa chân bàn có thể tác động rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư. Khi thị trường suy thoái, các nhà đầu tư khó có thể duy trì cam kết với chiến lược đầu tư của mình. Các nhà đầu tư trở nên chán nản khi thấy giá trị danh mục đầu tư của mình giảm sút và có thể muốn từ bỏ hoàn toàn chiến lược đầu tư của mình. Điều này có thể đặc biệt đúng đối với các nhà đầu tư mới tham gia thị trường hoặc đã từng thua lỗ trong quá khứ.
Câu chuyện “không ai trung bình giá mãi được” thường xảy ra trong trường hợp này khi nhà đầu tư đã cạn kiệt nguồn vốn vì theo đuổi trung bình giá xuống. Lấy ví dụ sau:
- Khi nhà đầu tư mua 1000 cổ phiếu ABC* giá 60k (60.000đ)
- Khi giá giảm về 55k , nhà đầu tư mua thêm 1000 cổ giá 55k >> giá trung bình 57.5k. Chỉ cần giá tăng lại 5% đã hòa vốn. Nghe có vẻ rất hấp dẫn và hợp lý.
- Khi giá giảm về 50k, NĐT lại mua thêm 2000 cổ giá 50k >> trung bình giá về 53.75k
- Khi giá về 45k. NĐT lại mua thêm 4000 cổ giá 45k >> trung bình giá về 49.4k
- Khi giá về 40k. NĐT tiếp tục mua thêm 8000 cổ giá 40k >> trung bình giá về 44.7k . tổng giá trị cổ phiếu bây giờ đã 715.200.000, có thể đây là toàn bộ vốn của một NĐT
- Nhưng không may mắn, giá không quay trở lại mốc 44.7k mà chỉ bull trap về giá 40 rồi tiếp tục lao dốc về giá dưới 10k. Nếu NĐT có sử dụng margin ở giá 40 thì về giá 20k có thể đã cháy tài khoản.
- Thay vì NĐT cắt lỗ ở các mức 55k, 50k, thậm chí 40k thì NĐT chỉ gánh lỗ 8000*(49.4-40)= 75.2tr vẫn còn bảo toàn được ít nhất 90% vốn.
*cổ phiếu ABC đã được đổi tên trong ví dụ, cách DCA này nhà đầu tư mới hay cũ đều có thể đã từng gặp phải.
Tuy nhiên những nhà đầu tư lâu năm cũng có thể rơi vào bẫy trung bình giá xuống hay cưa chân bàn. Do đó, việc đặt ra một nguyên tắc cắt lỗ càng sớm càng có lợi cho hành trình đầu tư, các nhà đầu tư vĩ đại nhất lịch sử đã tính con số cắt lỗ hợp lý nhất với nhà đầu tư mới dao động từ 8 - 10%, còn tiền là còn cơ hội thể mua vé đi tiếp. Chiến thuật cưa chân bàn không nên áp dụng với các nhà đầu tư mới và còn non kinh nghiệm. Hoặc chỉ áp dụng với một số vốn nhỏ để giảm thiểu rủi ro.
Áp dụng chiến thuật cưa chân bàn đúng cách
Chiến thuật cưa chân bàn có thể là một chiến lược đầu tư hữu ích trong thị trường điều chỉnh tạm thời nhưng đi kèm quá nhiều rủi ro nếu chúng ta xác định sai. Để giảm thiểu những rủi ro này, các nhà đầu tư nên xem xét thời điểm đầu tư, chuẩn bị điều chỉnh chiến lược khi điều kiện thị trường thay đổi và duy trì cam kết với kế hoạch đầu tư của mình ngay cả khi đối mặt với biến động ngắn hạn của thị trường. Cụ thể:
Hiểu rõ về danh mục cổ phiếu đang đầu tư
Nhà đầu tư cần nghiên cứu và hiểu rõ về danh mục cổ phiếu mà mình đang đầu tư. Các vấn đề cần tìm hiểu ở đây bao gồm khả năng sinh lời, khả năng phục hồi giá và tiềm năng phát triển của mỗi cổ phiếu. Nhà đầu tư cần phải đánh giá lại những giả định của mình về cổ phiếu cũng như triển vọng của công ty. Tuyệt đối không nên mua tiếp cổ phiếu chỉ vì giá giảm, bỏ qua tình hình thị trường, tình hình công ty đang diễn ra như thế nào. Nhà đầu tư chỉ nên áp dụng chiến thuật cưa chân bàn khi nắm bắt được tiềm năng tăng trưởng cũng như tình hình nội tại tại doanh nghiệp.
Khi mù quáng bình quân giá xuống cho các công ty không đảm bảo được khả năng phát triển, nhà đầu tư có nguy cơ cao sẽ mất trắng. Cổ phiếu của các công ty có khả năng tăng trưởng thấp thường ít hoặc không có khả năng tái tăng giá. Điều này đi ngược lại với nguyên lý sinh lời của chiến thuật bình quân giá xuống, khiến khoản đầu tư này trở thành khoản đầu tư sinh lỗ.
Kèm theo đó nhà đầu tư phải có đủ những điều kiện sau mới có thể “cưa chân bàn”:
- Phải nắm được lý thuyết (quan sát đồ thị, chỉ báo; quan sát lệnh đặt và lệnh khớp trong phiên)
- Có đủ thời gian để quan sát diễn biến giá của cổ phiếu trong phiên giao dịch (thường thì bạn phải là nhà đầu tư toàn thời gian)
- Có đủ khả năng chấp nhận rủi ro cao
Đánh giá lại danh mục đầu tư và hướng tới mục tiêu dài hạn
Khi thị trường đi xuống, nhà đầu tư rất dễ để cảm xúc lấn át và đưa ra những quyết định vội vàng. Tuy nhiên, điều quan trọng lúc này là tránh đưa ra những quyết định mang tính cảm xúc và tập trung vào các mục tiêu dài hạn. Chiến thuật cưa chân bàn có thể là một chiến lược đầu tư hữu ích trong điều kiện thị trường điều chỉnh tạm thời nhưng trong thị trường giảm giá kéo dài thì chúng ta nên linh hoạt thay đổi chiến thuật đầu tư để phù hợp với thị trường.
Xác định thời điểm thị trường thường khá khó đoán cho các nhà đầu tư mới, thông thường các nhà đầu tư lâu năm sẽ có kinh nghiệm nhiều hơn trong việc xác định thời điểm và chu kỳ của thị trường hơn. Vì vậy nếu là một nhà đầu tư mới chúng ta không nên vội vã áp dụng chiến thuật cưa chân bàn mà nên tập trung đánh giá lại phương pháp đầu tư, tiềm năng doanh nghiệp và hướng tới các mục tiêu dài hạn.
Nhà đầu tư cần nhìn nhận lại và đánh giá phương pháp mà mình đã áp dụng, từ đó đặt ra câu hỏi liệu phương pháp đó đã phù hợp hay chưa và mình thực sự phù hợp với phương pháp nào.
Sau đó cần phải tái cơ cấu lại danh mục khi lỡ rơi vào tình trạng mua giá quá cao, mua giá ở mức đỉnh, đây là hành động bắt buộc phải làm khi trường hợp lỗ đã xảy ra. Cần loại bỏ hết các doanh nghiệp có nội tại kém, không mang lại sự chắc chắn, luôn luôn đặt ra câu hỏi: “Cổ phiếu này liệu có tiềm năng phát triển và hồi phục trong dài hạn hay không?”
Vẫn có những cổ phiếu tốt đang bị định giá thấp
Khi trường hợp lỗ đã xảy ra tuy nhiên vẫn có những cổ phiếu tốt, chúng ta hoàn toàn có thể tích lũy cổ phiếu dài hạn, nhằm phục vụ cho những mục tiêu trong tương lai. Tập trung vào dài hạn là điều cần thiết đối với bất kỳ nhà đầu tư nào, đặc biệt quan trọng trong tình trạng thua lỗ, gồng lỗ, nhà đầu tư cần kiên nhẫn và bình tĩnh để phân tích kỹ lưỡng hơn. Khi có một số cổ phiếu chất lượng và đầu tư dài, chúng ta hoàn toàn có thể lấy lại phần lợi nhuận trong tương lai.
Vậy là bài viết chia sẻ của Vietcap đã thông tin đến các nhà đầu tư kiến thức Chiến thuật “Cưa chân bàn” trong chứng khoán, ý nghĩa và tác động của Chiến thuật “Cưa chân bàn” đối với các cá nhân nhà đầu tư. Hy vọng đã mang lại cho các nhà đầu tư thêm những thông tin hữu ích để tham gia vào thị trường chứng khoán.
Powered by Froala Editor