Chỉ số Dow Jones là gì?
Tên gọi đầy đủ của chỉ số Dow Jones là Dow Jones Industrial Average (DJIA) Index. Còn được gọi là chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones, đây là một chỉ số quan trọng trên thị trường chứng khoán Mỹ. Chỉ số Dow Jones được xác định từ mức giá đóng cửa của danh sách 30 mã cổ phiếu Blue chip được niêm yết trên Sàn chứng khoán New York là Nasdaq. Lĩnh vực kinh doanh của 30 công ty này bao gồm tài chính, bán lẻ, công nghệ, tiêu dùng, giải trí…
Danh sách 30 công ty cấu thành nên chỉ số Dow Jones không cố định mà sẽ thay đổi khi có cổ phiếu nào trong danh sách không còn đáp ứng đủ tiêu chuẩn của một cổ phiếu blue chip trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ.
Đặc biệt, với từng loại chỉ số Dow Jones thì việc lựa chọn các cổ phiếu thuộc danh sách để tính toán sẽ được thực hiện bởi ban biên tập của tờ báo The Wall Street Journal.
Phân loại chỉ số Dow Jones:
Bộ chỉ số chứng khoán Dow Jones được phát triển bởi Charles Dow bao gồm 4 nhóm: Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones, chỉ số trung bình vận tải Dow Jones, chỉ số Dow Jones dịch vụ công cộng và Dow Jones hỗn hợp. Thông tin cụ thể như sau:
- Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones (Dow Jones Industrial Average – DJIA): Đây là chỉ số giá chứng khoán của ngành công nghiệp Hoa Kỳ, được sử dụng phổ biến nhất trong nhóm các chỉ số và làm thước đo của thị trường chứng khoán. DJIA được tính toán dựa trên giá cổ phiếu của 30 công ty hàng đầu, xương sống của ngành công nghiệp Hoa Kỳ.
- Chỉ số Dow Jones vận tải (Dow Jones Transportation Average – DJTA): Đây là nhóm chỉ số chứng khoán được ra đời đầu tiên, đại diện cho giá chứng khoán ngành giao thông vận tải Hoa Kỳ. Hiện nay, DJTA được tính từ danh sách 20 mã cổ phiếu thuộc lĩnh vực đường sắt, hàng không và đường thủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York. Chỉ số Dow Jones vận tải hiện đã được sáp nhập vào chỉ số Dow Jones hỗn hợp. Tuy nhiên hầu hết các công ty đường sắt tại Mỹ vẫn thực hiện tính toán chỉ số này nhằm đánh giá được thực trạng ngành.
- Chỉ số Dow Jones dịch vụ công cộng (Dow Jones Utility Average – DJUA): Đây là chỉ số giá chứng khoán của ngành dịch vụ công cộng, được tính toán trên cơ sở 15 công ty lớn mạnh nhất thuộc lĩnh vực khí đốt và điện ở Hoa Kỳ. DJUA được công bố lần đầu tiên trên tờ The Wall Street Journal vào năm 1929.
- Chỉ số Dow Jones hỗn hợp bình quân: Đây là chỉ số chung cho 65 mã cổ phiếu được tổng hợp từ 3 loại chỉ số đề cập ở trên (DJIA, DJTA và DJUA).
Trong số 4 chỉ số Dow Jones thì DJIA được sử dụng phổ biến nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ và có chức năng làm thước đo cho thị trường này. Do đó, khi đề cập đến chỉ số Dow Jones thì thông thường sẽ nhắc đến chỉ số công nghiệp Dow Jones.
Tầm quan trọng của chỉ số Dow Jones:
Chỉ số Dow Jones được coi như một thước đo cho toàn bộ thị trường tài chính Mỹ. Chỉ số DJIA phản ứng mạnh mẽ với bất kỳ sự thay đổi nào của chính trị, kinh tế. Do đó, tình trạng kinh tế, chính trị của Hoa Kỳ sẽ tác động trực tiếp đến chỉ số Dow Jones. Nói cách khác, chỉ số Dow Jones được coi như đánh giá tổng thể của nền kinh tế Hoa Kỳ – mà Hoa Kỳ đang là nước có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới nên chỉ số Dow Jones cũng phản ánh phần nào sức khỏe của nền kinh tế thế giới.
Ngoài ra, những biến động lớn trong giá trị của Dow Jones cũng sẽ tác động rất lớn đến tâm lý của nhà đầu tư trên toàn thế giới, dẫn đến xu hướng chung trong hành động của họ với việc đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Hiện Việt Nam đang là một quốc giá đang trên đà phát triển, việc ngoại giao liên kết với nhiều nước trên thế giới là điều tất yếu, trong đó có Hoa Kỳ. Hiện nay với sức ảnh hưởng của mình trên cương vị “nền kinh tế số một thế giới”, mọi thay đổi của chỉ số Dow Jones đều được giới đầu tư tại Việt Nam quan tâm và ảnh hưởng tới hành vi, tâm lý của họ.
Tâm lý đám đông trong thị trường chứng khoán
Giá trị của một cổ phiếu dựa trên cung – cầu nên tâm lý có một vai trò rất lớn đối với thị trường chứng khoán. Khi chỉ số DJIA giảm nhanh chóng thì nhà đầu tư sẽ bi quan về tương lai của thị trường khiến họ muốn bán cổ phiếu ra ngoài, làm cho thị trường chứng khoán đi xuống thấp hơn. Và ngược lại, khi chỉ số DJIA tăng, họ lại có niềm tin vào thị trường và sẽ mua vào các cổ phiếu, giúp cho thị trường chứng khoán tăng cao hơn.
Ưu và nhược điểm của chỉ số chứng khoán Dow Jones:
Ưu điểm:
Các công ty được lựa chọn để đưa vào chỉ số Dow Jones đều là các công ty có trạng thái đáng tin cậy nhất. Do đó các nhà đầu tư có thể yên tâm khi đầu tư vào chỉ số này.
Chỉ số Dow Jones tập trung vào các công ty có mức vốn hóa lớn nhất, Cũng là các công ty nổi bật được các nhà đầu tư quan tâm nhất. Do đó, chỉ số Dow Jones được cập nhật thường xuyên. Nhà đầu tư xem xét chỉ số Dow Jones để biết được thị trường chung ngày hôm nay như thế nào.
Nhược điểm:
Đối với một thị trường lớn như Mỹ, con số 30 công ty có lẽ còn hơi ít. Hơn nữa, chỉ số Dow Jones khó có thể phản ánh được chính xác thực trạng của các lĩnh vực quan trọng khác khi nó chỉ tập trung cho lĩnh vực công nghiệp.
Do chỉ số Dow Jones được xác định dựa trên giá cổ phiếu nên chưa phản ánh được chính xác giá trị nội tại cũng như hiệu quả thực tế của các công ty cấu thành, và hiệu suất của nền kinh tế nói chung.
Khi một cổ phiếu bất kỳ trong danh sách này có sự biến động giá, có thể ảnh hưởng lớn đến giá trị chỉ số Dow Jones, nhưng điều này không đồng nghĩa nó sẽ có ảnh hưởng đến toàn thị trường.
Chính nhờ những nhược điểm kể trên, các nhà đầu tư cần cẩn thận hơn khi giao dịch chỉ số Dow Jones. Việc quan trọng cần làm là phân tích cũng như theo dõi một cách tổng quát các điều kiện thị trường để hạn chế được những rủi ro không đáng có.
Các yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số Dow Jones:
Chính sách tiền tệ của Cục dự trữ Liên bang:
Trong đa số trường hợp thì chính sách tiền tệ lỏng lẻo hơn (có lãi suất thấp và khuyến khích kinh tế) sẽ được coi là ảnh hưởng tích cực đối với giá trị của chỉ số Dow Jones. Ngược lại, chính sách thắt chặt hơn (có lãi suất cao và thiếu động lực kinh tế) thì ảnh hưởng của nó đến chỉ số Dow Jones được coi là tiêu cực.
Xem thêm: Tìm hiểu về FED và tác động của FED với nền kinh tế thế giới
Dữ liệu kinh tế của nền kinh tế Hoa Kỳ:
Khi dữ liệu kinh tế của kinh tế Mỹ mạnh hơn dự kiến thì có thể hỗ trợ cho giá của chỉ số Dow Jones hiện tại, còn khi dữ liệu kinh tế của kinh tế Mỹ không đủ để chứng minh cho các dự báo thì dễ xảy ra việc sụt giảm của chỉ số Dow Jones.
Sự ổn định của kinh tế chính trị:
Khi mối quan hệ kinh tế và chính trị giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn khác trên thế giới thúc đẩy cho đà tăng của chỉ số Dow Jones, nếu mối quan hệ này căng thẳng thì chỉ số lại giảm.
Giá của Dollar Mỹ:
Giá của USD luôn có ảnh hưởng đến chỉ số Dow Jones. Trước đây thì người ta tin rằng chỉ số Dow Jones sẽ tăng khi USD đắt hơn. Tuy nhiên, hiện tại thì khi USD rẻ lại có ảnh hưởng tích cực đến chỉ số Dow Jones.
Các báo cáo của các công ty cấu thành Dow Jones:
Các công ty ở Mỹ hầu hết đều công bố báo cáo theo Quý, và khi dữ liệu mạnh hơn sẽ tác động tích cực đến chỉ số Dow Jones và ngược lại.
Bên cạnh chỉ số Dow Jones thì hiện tại thị trường chứng khoán Mỹ còn nhiều chỉ số khác như S&P500, Russell 2000 hay NASDAQ Composite cũng rất nổi tiếng. Nhưng Dow Jones vẫn được coi là chỉ số tiêu chuẩn nhất với vai trò đại diện cho nền kinh tế Hoa Kỳ. Ngoài ra, các thông tin liên quan đến chỉ số Dow Jones rất dễ tiếp cận nên dễ dàng thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Để kịp thời phản ứng với những diễn biến của thị trường được thể hiện qua chỉ số Dow Jones thì các nhà đầu tư cần thường xuyên theo dõi chỉ số kinh tế này.
Powered by Froala Editor