Chi phí chìm là một khái niệm quan trọng giúp chúng ta nhận ra rằng những khoản tiền đã chi ra và không thể thu hồi không nên ảnh hưởng đến các quyết định hiện tại hay tương lai. Hiểu và tránh ngụy biện chi phí chìm sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định sáng suốt và hiệu quả hơn trong cuộc sống cũng như trong đầu tư.
Hiểu đúng về chi phí chìm là gì?
Chi phí chìm (sunk cost) là những chi phí đã được chi trả hoặc cam kết trong quá khứ và không thể thay đổi bởi bất kỳ hành động hay quyết định nào trong tương lai.
Ví dụ: Khi một công ty đầu tư hàng triệu đô la vào nghiên cứu và phát triển một sản phẩm mới. Nếu sản phẩm này không thành công trên thị trường, số tiền đã chi cho nghiên cứu và phát triển cũng trở thành chi phí chìm.
Đặc điểm của Chi phí chìm
Không thể thu hồi: Khi một chi phí đã được thanh toán, nó trở thành chi phí chìm vì không thể thu hồi lại, ví dụ như chi phí nghiên cứu và phát triển đã chi trả trong quá khứ.
Không liên quan đến các quyết định hiện tại: Chi phí chìm không nên ảnh hưởng đến các quyết định kinh doanh hiện tại hoặc tương lai vì chúng không thay đổi theo các quyết định đó.
Ngụy biện chi phí chìm là gì?
Một sai lầm phổ biến mà nhiều người mắc phải là "ngụy biện chi phí chìm" (Sunk Cost Fallacy), tức là tiếp tục đầu tư vào một dự án hoặc quyết định không khả thi chỉ vì đã đầu tư quá nhiều vào nó trong quá khứ.
Ví dụ:
- Tiếp tục ví dụ ở trên: Công ty quyết định tiếp tục đầu tư vào sản phẩm chỉ vì đã đầu tư quá nhiều tiền vào nó trong quá khứ là một ví dụ điển hình của ngụy biện chi phí chìm. Thay vào đó, công ty nên xem xét lợi ích và chi phí của việc tiếp tục đầu tư dựa trên dữ liệu và tiềm năng hiện tại, chứ không phải dựa trên số tiền đã chi ra trước đó.
- Claire và vé xem phim: Claire đã mua vé xem phim với giá 230.000đ. Khi cô ấy nhận thấy bộ phim nhàm chán, quyết định hợp lý là rời khỏi rạp chiếu phim và làm điều gì đó có ích hơn với thời gian của mình. Tuy nhiên, vì đã trả tiền, cô ấy chọn ở lại xem hết phim, đây là ví dụ điển hình của ngụy biện chi phí chìm.
- Một nhà đầu tư mua cổ phiếu của một công ty Bất động sản với số tiền 100 triệu VNĐ. Tuy nhiên, giá trị cổ phiếu này liên tục giảm sâu 60% và chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ tăng trở lại. Mặc dù giá trị cổ phiếu chỉ còn 40 triệu, nhà đầu tư vẫn quyết định không bán vì tiếc nuối về số tiền đã bỏ ra và công sức đã đầu tư. Cuối cùng, thay vì thu hồi ít nhất là số tiền còn lại, nhà đầu tư chấp nhận mất hết số vốn khi giá trị của cổ phiếu tiếp tục giảm và trở nên vô giá trị. Đó là điển hình của chi phí chìm trong đầu tư chứng khoán
Chi phí Chìm và Quyết định Kinh tế
Trong phân tích kinh tế, chi phí chìm được loại trừ khi đánh giá các quyết định hiện tại hoặc tương lai. Lý do là việc tiếp tục đầu tư vào một dự án không khả thi chỉ vì đã đầu tư nhiều tiền vào nó có thể dẫn đến lãng phí tài nguyên thêm nữa.
Ví dụ, nếu một công ty đã đầu tư rất nhiều vào phát triển một sản phẩm mới nhưng sản phẩm đó không nhận được sự chấp nhận từ thị trường, quyết định tốt nhất có thể là ngừng dự án để tránh lỗ thêm thay vì tiếp tục chi tiêu vào dự án thất bại.
Phân biệt giữa Chi phí chìm và Chi phí cố định
Mặc dù tất cả chi phí chìm đều là chi phí cố định, không phải tất cả chi phí cố định đều là chi phí chìm. Chi phí cố định là những chi phí không thay đổi với mức độ sản xuất hoặc doanh số, như tiền thuê mặt bằng hoặc lương nhân viên quản lý. Tuy nhiên, không phải mọi chi phí cố định đều là chi phí chìm vì một số có thể thu hồi được.
Ví dụ, thiết bị mua có thể bán lại hoặc trả lại, do đó không phải là chi phí chìm.
Làm thế nào để tránh ngụy biện chi phí chìm
Khi đưa ra quyết định đầu tư, chúng ta nên tránh để chi phí chìm ảnh hưởng đến phán đoán của mình. Điều quan trọng là phải tập trung vào các chi phí và lợi ích tương lai, chứ không phải những gì đã chi trả trong quá khứ. Hiểu rõ và tránh ngụy biện chi phí chìm giúp các nhà quản lý và nhà đầu tư đưa ra các quyết định kinh doanh hợp lý và hiệu quả hơn.
Một số chiến lược cụ thể tránh ngụy biện chi phí chìm
- Lập chiến lược đầu tư & Phân tích các yếu tố hiện tại và tiềm năng tương lai: Tập trung vào việc liệu dự án hiện tại có thể mang lại lợi nhuận trong tương lai hay không để xác định mục tiêu tỷ suất sinh lời; đồng thời xác định mức độ lỗ tối đa có thể chấp nhận. Điều giúp bạn có kế hoạch tuân thủ nguyên tắc đầu tư, tránh rơi vào tình trạng chìm sâu vào chi phí chìm mà không thể hồi phục
- Tính toán chi phí và lợi ích trong tương lai: So sánh chi phí cần thiết để tiếp tục dự án với lợi ích tiềm năng mà dự án có thể mang lại
- Đánh giá hiệu suất đầu tư định kỳ: Thường xuyên kiểm tra và đánh giá hiệu suất của các khoản đầu tư để xác định liệu chúng có còn phù hợp với mục tiêu đầu tư ban đầu hay không. Đồng thời thay vì chỉ tập trung vào một lựa chọn duy nhất, nhà đầu tư nên tạo ra nhiều kế hoạch khác nhau. Điều này giúp phân bổ rủi ro và tránh thiên vị lệch hẳn về một phía
- Nhờ sự tư vấn từ các chuyên gia: Đôi khi, việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia tài chính có thể giúp bạn có cái nhìn khách quan hơn về tình hình đầu tư của mình.
Tham khảo:
- Chi phí biên (Marginal Cost) - Những lưu ý khi sử dụng trong kinh doanh và đầu tư
- Công thức và cách phân tích điểm hoà vốn
Chi phí chìm là những chi phí đã mất và không thể thu hồi, do đó không nên ảnh hưởng đến quyết định kinh tế hiện tại hay tương lai. Nhận thức rõ về chi phí chìm và tránh ngụy biện liên quan giúp các cá nhân và tổ chức đưa ra quyết định sáng suốt hơn, tránh lãng phí tài nguyên vào các dự án không khả thi.
Powered by Froala Editor