Trái phiếu doanh nghiệp là gì ? Khác gì với trái phiếu chính phủ?
Trái phiếu là một kênh đầu tư phổ biến nhờ tính ổn định và lợi suất hấp dẫn. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ sự khác biệt giữa trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ. Việc phân biệt hai loại trái phiếu này không chỉ giúp nhà đầu tư lựa chọn phù hợp với mục tiêu tài chính của mình mà còn giảm thiểu rủi ro khi tham gia thị trường.
Vậy trái phiếu doanh nghiệp là gì? Và nó khác gì so với trái phiếu chính phủ? Hãy cùng Vietcap tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
Trái phiếu doanh nghiệp là gì?
Trái phiếu doanh nghiệp là một hình thức đầu tư ngày càng được nhiều người quan tâm, đặc biệt là những ai tìm kiếm sự ổn định và an toàn hơn so với cổ phiếu. Trước khi hiểu rõ về trái phiếu doanh nghiệp, hãy cùng nhắc lại khái niệm cơ bản về trái phiếu.
Khái niệm trái phiếu và trái phiếu doanh nghiệp
Trái phiếu là một loại chứng khoán nợ do các tổ chức như chính phủ hoặc doanh nghiệp phát hành để vay vốn từ nhà đầu tư. Khi bạn mua trái phiếu, bạn đang cho tổ chức đó vay tiền. Đổi lại, tổ chức phát hành cam kết sẽ trả lãi suất định kỳ và hoàn lại tiền gốc cho bạn khi trái phiếu đáo hạn.
Từ khái niệm chung đó, có thể hiểu rằng:
Trái phiếu doanh nghiệp là loại trái phiếu có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành nhằm huy động vốn cho hoạt động kinh doanh. Khi mua loại trái phiếu này, bạn chính là chủ nợ của doanh nghiệp – và họ có nghĩa vụ trả lãi theo định kỳ cũng như hoàn vốn khi đến hạn.
Phân loại trái phiếu doanh nghiệp
Trái phiếu doanh nghiệp hiện nay được chia làm hai loại chính:
Trái phiếu niêm yết: Được đăng ký và lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, giao dịch công khai trên các sàn như HNX hoặc HOSE. Các giao dịch phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Sở Giao dịch Chứng khoán.
Trái phiếu OTC (phi tập trung): Được mua bán tự do ngoài sàn giao dịch, thông qua thỏa thuận giữa các bên. Loại này linh hoạt hơn nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro cao hơn nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ.
Các loại trái phiếu doanh nghiệp hiện có
Trái phiếu chuyển đổi: Loại trái phiếu do CTCP phát hành, có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của chính TCPH theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.
Trái phiếu có bảo đảm: Loại trái phiếu được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc khi đến hạn bằng tài sản của TCPH hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm; hoặc được bảo lãnh thanh toán theo quy định của pháp luật.
Trái phiếu kèm chứng quyền: Là loại trái phiếu được CTCP phát hành kèm theo chứng quyền, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông của TCPH theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.
Trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền hoặc không có tài sản đảm bảo: Là trái phiếu được phát hành không thuộc các trường hợp nêu trên.
Trái phiếu doanh nghiệp xanh: Trái phiếu doanh nghiệp được phát hành để đầu tư cho dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án mang lại lợi ích về môi trường theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.
=>> Hình thức phát hành: Phát hành ra công chúng và Phát hành riêng lẻ.
Những điều cần biết khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp
PHÁT HÀNH RA CÔNG CHÚNG | PHÁT HÀNH RIÊNG LẺ |
Định nghĩa: Là việc chào bán theo một trong các phương thức sau: | |
§ Chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng; § Chào bán cho từ 100 nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; § Chào bán cho các nhà đầu tư không xác định. | § Chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; § Chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. |
Điều kiện phát hành | |
1. Có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán; 2. Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm; 3. Có phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán được ĐHĐCĐ hoặc HĐQT hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua; 4. Có cam kết thực hiện nghĩa vụ của TCPH đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác; 5. Có CTCK tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng, trừ trường hợp TCPH là CTCK; 6. TCPH không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích; 7. Có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với TCPH trái phiếu theo quy định của Chính phủ về các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và thời điểm áp dụng; 8. Phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua trái phiếu của đợt chào bán; 9. TCPH có cam kết và phải thực hiện niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán. | 1. Đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền:
a) Là CTCP hoặc công ty TNHH được thành lập và hoạt động theo pháp luật VN.
b) Thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có); trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn. c) Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành. d) Có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận. đ) Có BCTC năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện. e) Đối tượng tham gia đợt chào bán theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 153/2020/NĐ-CP. 2. Đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền của CTCK, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng: doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a, điểm c, điểm d, điểm đ và điểm e tại mục 1 nêu trên. 3. Đối với chào bán trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền: a) Doanh nghiệp phát hành là CTCP. b) Đối tượng tham gia đợt chào bán theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 153/2020/NĐ-CP. c) Đáp ứng các điều kiện chào bán quy định tại điểm b, điểm c, điểm d và điểm đ mục 1. d) Các đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 06 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán gần nhất. đ) Việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.
|
Lợi ích khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Trái phiếu doanh nghiệp mang đến nhiều ưu điểm nổi bật, giúp nhà đầu tư cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận. Những lợi thế lớn nhất chính là:
Lãi suất hấp dẫn: Một trong những lợi thế lớn nhất chính là mức lãi suất hấp dẫn, thường cao hơn so với lãi tiết kiệm ngân hàng, giúp tối ưu hóa nguồn thu nhập.
Mức độ rủi ro thấp: Trái phiếu còn được đánh giá là kênh đầu tư ổn định hơn so với cổ phiếu, đặc biệt khi nhà đầu tư được ưu tiên thanh toán trước cổ đông trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn.
Thu nhập định kỳ: Việc trả lãi định kỳ tạo ra nguồn thu nhập thụ động đều đặn, trong khi tính thanh khoản cao giúp nhà đầu tư dễ dàng mua bán trên thị trường thứ cấp khi cần.
Đa dạng hóa danh mục đầu tư: Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng là cách thông minh để đa dạng hóa danh mục, giảm thiểu rủi ro nhờ sự kết hợp giữa các loại tài sản khác nhau.
Lợi nhuận từ chênh lệch giá: Ngoài thu nhập từ lãi suất, nhà đầu tư còn có cơ hội thu lợi từ chênh lệch giá khi thị trường biến động.
Đối với doanh nghiệp, phát hành trái phiếu không chỉ giúp huy động vốn hiệu quả mà còn nâng cao uy tín trên thị trường.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý một số rủi ro như khả năng vỡ nợ của doanh nghiệp (rủi ro tín dụng), biến động lãi suất thị trường, hoặc khó khăn khi muốn bán lại trái phiếu (rủi ro thanh khoản). Để đầu tư an toàn, việc tìm hiểu kỹ thông tin doanh nghiệp và tham vấn chuyên gia tài chính là vô cùng quan trọng.
=>> Xem thêm:
Đầu Tư Trái Phiếu Doanh Nghiệp An Toàn
Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nên hay không nên?
So sánh trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ
Trái phiếu là một hình thức vay nợ, trong đó nhà đầu tư cho bên phát hành vay tiền và nhận lại khoản lãi định kỳ, cùng với tiền gốc khi đến hạn. Hai loại phổ biến nhất là trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ.
Tuy cùng là trái phiếu nhưng hai loại này có nhiều điểm khác biệt quan trọng.
Điểm giống nhau giữa trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ:
Đều là giấy chứng nhận nợ: Người mua trái phiếu là chủ nợ, còn bên phát hành là bên đi vay có trách nhiệm thanh toán đầy đủ cả gốc lẫn lãi.
Nhà đầu tư nhận lãi định kỳ và được hoàn trả vốn gốc khi trái phiếu đến hạn.
Có thể mua bán, chuyển nhượng trên thị trường thứ cấp.
Mức lãi suất thường cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Kỳ hạn tối thiểu thường là từ 1 năm trở lên, phù hợp với đầu tư trung và dài hạn.
Sự khác biệt giữa trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ:
Tiêu chí | Trái phiếu doanh nghiệp | Trái phiếu chính phủ |
Chủ thể phát hành | Các công ty, tập đoàn tư nhân | Nhà nước (Bộ Tài chính đại diện phát hành) |
Mục đích phát hành | Gọi vốn để mở rộng kinh doanh, cải thiện dòng tiền, tái cấu trúc nợ | Huy động vốn cho ngân sách nhà nước, đầu tư cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội |
Lãi suất | Cố định, thả nổi hoặc kết hợp cả hai | Lãi suất cố định, thường thấp hơn trái phiếu doanh nghiệp |
Kỳ hạn phổ biến | Ngắn hạn đến trung hạn (1 – 5 năm) | Trung hạn đến dài hạn (5 – 30 năm) |
Mức độ rủi ro | Trung bình đến cao, phụ thuộc vào năng lực tài chính doanh nghiệp | Rất thấp, do được Nhà nước bảo đảm |
Khả năng bảo toàn vốn | Không tuyệt đối, có thể mất vốn nếu doanh nghiệp phá sản | Gần như tuyệt đối, bảo đảm bởi uy tín quốc gia |
Khả năng chuyển đổi sang cổ phiếu | Có thể có (nếu là trái phiếu chuyển đổi) | Không có |
Một số lưu ý khi đầu tư vào hai loại trái phiếu này:
Trái phiếu chính phủ:
Phù hợp với nhà đầu tư ưu tiên an toàn và ổn định.
Ít rủi ro nhưng lợi nhuận thấp hơn so với các kênh đầu tư khác.
Nên mua khi thị trường tài chính (bất động sản, chứng khoán) đang “sốt” – lúc đó trái phiếu thường rẻ hơn.
Cần theo dõi tình hình chính trị, lạm phát và tỷ giá tiền tệ, vì những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến giá trị trái phiếu trên thị trường thứ cấp.
Trái phiếu doanh nghiệp:
Mức sinh lời cao hơn nhưng rủi ro cũng lớn hơn.
Trước khi mua, nên kiểm tra kỹ:
Tình hình tài chính và uy tín của doanh nghiệp phát hành.
Điều khoản phát hành: lãi suất, tài sản đảm bảo, cam kết mua lại.
Tránh đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ, thiếu minh bạch hoặc không có tài sản đảm bảo.
Tóm lại:
Trái phiếu chính phủ: Lựa chọn an toàn, dành cho người đầu tư thận trọng.
Trái phiếu doanh nghiệp: Phù hợp với nhà đầu tư chấp nhận rủi ro để có cơ hội lợi nhuận cao hơn.
Nguồn tham khảo bài viết:
www.investopedia.com. 2025. Corporate Bonds: Definition and How They're Bought and Sold. [ONLINE] Available at: https://www.investopedia.com/terms/c/corporatebond.asp.
www.sec.gov. 2025. [ONLINE] Available at: https://www.sec.gov/files/ib_corporatebonds.pdf.
Vietcap là một trong những công ty dịch vụ tài chính hàng đầu Việt Nam, giúp khách hàng đầu tư và phát triển thịnh vượng. Chúng tôi chuyên tư vấn, cung cấp các giải pháp tài chính cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức.
Những đặc quyền vô cùng hấp dẫn và thú vị chỉ dành riêng cho khách hàng khách cá nhân khi mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại Vietcap:
- Miễn phí tư vấn từ các tư vấn viên chuyên nghiệp và tận tâm
- Miễn phí trải nghiệm trên những nền tảng ổn định của Vietcap
- Nhận các báo cáo phân tích chuyên sâu theo danh mục đầu tư
MỞ TÀI KHOẢN NGAY hôm nay và bắt đầu hành trình đầu tư của bạn.
Powered by Froala Editor