Khi tham gia thị trường chứng khoán, nhà đầu tư sẽ phải chi trả những khoản chi phí khi thực hiện các giao dịch mua bán trên thị trường. Việc hiểu rõ được các phí giao dịch mà nhà đầu tư phải chi ra là vô cùng cần thiết, khi các chi phí này sẽ ảnh hưởng đến kết quả đầu tư. Các loại phí giao dịch mà nhà đầu tư phải chi trả sẽ được giải đáp qua bài viết sau.
Phí giao dịch chứng khoán cơ sở
Chứng khoán cơ sở bao gồm cổ phiếu, chứng quyền và chứng chỉ quỹ đầu tư.
Phí giao dịch
Nhà đầu tư phải chi trả phí giao dịch cho công ty chứng khoán mỗi khi phát sinh giao dịch ở cả hai chiều mua hoặc bán. Phí giao dịch được tính theo tỷ lệ phần trăm trên tổng giá trị giao dịch khớp lệnh.
Theo thông tư 128 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ tháng 2/2019, các công ty chứng khoán không được thu phí giao dịch quá 0.5% trên giá trị giao dịch và không có quy định thấp nhất về mức phí. Mức phí giao dịch của các công ty chứng khoán thường dao động ở mức 0.1%-0.35% tùy theo chiến lược của mỗi công ty chứng khoán.
Ví dụ: nhà đầu tư A thực hiện việc mua 1.000 cổ phiếu X ở mức giá 100.000 đồng trên một cổ phiếu, mức phí giao dịch của nhà đầu tư A là 0.15%, với tổng giá trị giao dịch là 100 triệu đồng thì phí giao dịch của nhà đầu tư A là 150.000 đồng cho giao dịch khớp lệnh mua.
Phí giao dịch cho khách hàng chủ động giao dịch 0.1% trọn đời tại Vietcap
Phí lưu ký chứng khoán
Lưu ký có nghĩa là lưu giữ và ký gửi cổ phiếu. Khi bạn mua và sở hữu cổ phiếu thì Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) sẽ đứng ra đảm bảo lưu giữ và ký gửi sổ cổ phiếu đó.
Công ty chứng khoán sẽ đứng ra thu hộ phí lưu ký chứng khoán cho VSD. Theo quy định hiện tại, phí lưu ký chứng khoán là 0.27 đồng/cổ phiếu/tháng.
Ví dụ: Nhà đầu tư A thực hiện việc mua và giữ 1.000 cổ phiếu X từ ngày 01/4/2022 đến ngày 30/4/2022, nhà đầu tư đó phải trả 1000x0.27=270 đồng phí lưu ký chứng khoán.
Thuế thu nhập
Theo quy định, khi nhà đầu tư thực hiện việc bán/chuyển nhượng cổ phiếu thì nhà đầu tư phải chịu phần thuế thu nhập, mức thuế là 0.1% trên giá trị bán. Thuế này chỉ áp dụng cho người bán, không áp dụng cho người mua
Ví dụ: nhà đầu tư A thực hiện việc bán 1.000 cổ phiếu X với mức giá 110.000 đồng trên một cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch là 110 triệu đồng, vậy mức thuế nhà đầu tư A phải chi trả là 110.000 đồng.
Lưu ý: thuế thu nhập chứng khoán là mặc định, dù nhà đầu tư có lãi hoặc lỗ thì đều sẽ bị thu khi thực hiện giao dịch bán/chuyển nhượng.
Thuế thu nhập từ cổ tức
Nhà đầu tư sẽ chịu thuế thu nhập cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu. Cụ thể như sau:
Thuế thu nhập cổ tức bằng tiền mặt
Theo quy định, Thuế thu nhập cổ tức bằng tiền mặt được tính 5% trên tổng giá trị cổ tức nhận được.
Ví dụ: Nhà đầu tư A sở hữu 1.000 cổ phiếu X, nhận được cổ tức 10% tiền mặt tức 1.000 đồng/cổ phiếu, tổng số tiền cổ tức nhận được là 1 triệu đồng, với mức thuế thu nhập cổ tức là 5%, nhà đầu tư đó phải chi trả 50.000 đồng tiền thuế thu nhập và thực nhận là 950.000 đồng tiền cổ tức.
Thuế thu nhập cổ tức bằng cổ phiếu
Theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2020, nhà đầu tư bán chứng khoán được chia thưởng, được trả cổ tức sẽ bị khấu trừ 5% thuế thu nhập cá nhân.
Đây là thuế thu nhập đầu tư vốn, phát sinh khi có giao dịch bán/chuyển nhượng phần cổ tức được nhận thêm. Sẽ có hai trường hợp khi tính thuế này:
Giá bán lớn hơn mệnh giá (10.000đ)
Thuế = số lượng cổ phiếu bán (tương ứng với cổ tức nhận được) x mệnh giá x 5%
Giá bán nhỏ hơn mệnh giá
Thuế = sổ lượng cổ phiếu bán (tương ứng với cổ tức nhận được) x giá bán x 5%
*Lưu ý: với trường hợp tính thuế thu nhập đầu tư vốn, nhà đầu tư phải chịu thêm mức thuế thu nhập 0.1% khi bán/ chuyển nhượng cổ phiếu.
Các loại phí khác
Bên cạnh các loại phí trên, nhà đầu tư còn phải chi trả thêm một số loại phí khác như phí nộp/rút tiền, phí tin nhắn sms, phí xác nhận số dư tài khoản, phí chuyển nhượng cho tặng cổ phiếu, phí phong tỏa tài khoản, phí đóng tài khoản… tùy theo công ty chứng khoán sẽ có biểu phí dịch vụ khác nhau, nhà đầu tư nên tìm hiểu biểu phí dịch vụ tại công ty chứng khoán mình mở tài khoản.
Nếu bạn là một nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán, thì bạn có thể tìm hiểu các loại phí giao dịch qua sự tư vấn của môi giới chứng khoán của công ty đó. Việc hiểu rõ được các loại phí giao dịch sẽ giúp bạn tính toán được hiệu quả của việc đầu tư, tránh được những chi phí không cần thiết. Chúc bạn thành công!
Tham khảo:
- Dịch vụ ứng trước tiền bán là gì? Phí và thực hiện như thế nào?
- Những cổ phiếu nào bạn nên đầu tư dài hạn
- Khẩu vị rủi ro là gì? Cách xác định khi đầu tư tài chính
Powered by Froala Editor