- Chúng tôi tham dự ĐHCĐ của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) vào ngày 18/04. Nội dung chính của ĐHCĐ bao gồm (1) kế hoạch kinh doanh năm 2024, (2) kế hoạch chia cổ tức & ESOP, và (3) kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế. Các vấn đề khác bao gồm phê duyệt (1) hạn mức giao dịch liên công ty với FEC ở mức 35% vốn điều lệ (27,8 nghìn tỷ đồng), (2) kế hoạch chung hỗ trợ 1 tổ chức tín dụng yếu, (3) thành lập 1 chi nhánh/văn phòng đại diện hoặc các hình thức hiện diện thương mại khác tại Nhật Bản, và (4) bầu 1 thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) mới từ Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui.
- Kế hoạch kinh doanh năm 2024 bao gồm tăng trưởng tín dụng đạt 25% YoY (con số tăng trưởng cuối cùng phụ thuộc vào quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc phân bổ hạn mức bổ sung), tăng trưởng huy động vốn (bao gồm tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá) ở mức 22% YoY, nợ xấu trên vay nợ tín dụng (các khoản vay gộp cộng với trái phiếu doanh nghiệp) được giữ ở mức dưới 3%, và LNTT là 23,2 nghìn tỷ đồng (+114% YoY) so với dự báo của chúng tôi là 16,8 nghìn tỷ đồng (+53% YoY). Hạn mức tín dụng hiện tại của VPB là hơn 15%.
- VPB đề xuất (1) chia cổ tức tiền mặt ở mức 1.000 đồng/CP (tương đương lợi suất cổ tức ở mức 5%) vào quý 2-quý 3/2024 và (2) phát hành 30 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/CP (0,4% cổ phiếu đang lưu hành). Ban lãnh đạo dự báo chia cổ tức tiền mặt ổn định trong giai đoạn 2022-2027 với tỷ lệ chi trả tối thiểu là 30%.
- VPB đề xuất phát hành 400 triệu USD trái phiếu quốc tế kỳ hạn 5 năm trong giai đoạn 2024 – quý 1/2025 (trái phiếu liên kết không chuyển đổi, không đảm bảo và không liên kết chứng quyền). Số tiền thu được sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án xanh/ESG.
- Mặc dù FEC ghi nhận lỗ gần 1 nghìn tỷ trong quý 1/2024, VPB vẫn tự tin vào việc xoay chuyển tình hình của FEC trong nửa cuối năm 2024 nhằm đạt được LNTT kế hoạch cho năm 2024 là 1,2 nghìn tỷ đồng nhờ việc cải thiện NIM và nhu cầu tín dụng. Ngân hàng cho rằng chi phí huy động vốn của FEC đã giảm xuống 6%-7% so với 9%-11% trước năm 2022. Ban lãnh đạo dự báo LNTT của FEC có thể đạt khoảng 3 nghìn tỷ - 4 nghìn tỷ đồng từ năm 2025 trở đi.
- Với quy định bancassurance thắt chặt hiện tại và nhu cầu mua bảo hiểm cải thiện chậm, VPB không kỳ vọng ghi nhận tăng trưởng đối với doanh thu mảng bancassurance cho bảo hiểm nhân thọ.
- 2 thành viên HĐQT mới là ông Takeshi Kimoto (từ Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC)) và bà Phạm Thị Nhung (Phó Tổng Giám Đốc đại diện cho nhóm cổ đông sở hữu 19,72% cổ phần của VPB).
- Chúng tôi hiện có khuyến nghị MUA đối với VPB với giá mục tiêu là 24.000 đồng/CP.
VPB kỳ vọng chỉ số nợ xấu sẽ cải thiện tốt hơn trong nửa cuối năm 2024. Ngân hàng cho biết các động lực chính dẫn đến việc hình thành nợ xấu kể từ năm trước là do các HĐKD BĐS, cho vay thế chấp (đặc biệt là các dự án chưa hoàn thành), cho vay bán lẻ phân khúc khách hàng thu nhập thấp, và cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Tỷ trọng tín dụng hiện tại đối với các HĐKD BĐS và cho vay thế chấp của VPB lần lượt là 19% và 16%. Ban lãnh đạo kỳ vọng thị trường BĐS sẽ phục hồi mạnh trong nửa cuối năm 2024 và 2025 nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ và sự cải thiện về cả cung và cầu. Ngoài ra, ngành BĐS vẫn sẽ là một trong những mảng tín dụng chính của VPB.
Danh mục cho vay sẽ đa dạng hơn thay vì chỉ tập trung vào bán lẻ & SME. Ban lãnh đạo cho rằng SMBC đã giúp cả ngân hàng mẹ và FEC trong việc tăng cường quản trị và quản lý rủi ro, năng lực tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, và đa dạng hóa nguồn vốn. Ngoài ra, với sự hỗ trợ chiến lược của SMBC, VPB sẽ biến các khách hàng FDI trở thành một trong những mảng kinh doanh chính của ngân hàng trong vài năm tới.
Hỗ trợ ngân hàng yếu kém sẽ giúp VPB đạt được các cơ hội tăng trưởng. Vốn điều lệ của ngân hàng được hỗ trợ sẽ không vượt quá 5% vốn điều lệ của VPB và dưới 5 nghìn tỷ đồng. VPB cho rằng ngân hàng có năng lực tốt để hỗ trợ ngân hàng yếu kém với quy mô này. Ngoài ra, ngân hàng kỳ vọng lợi ích từ dự án này sẽ giúp VPB mở rộng mạng lưới của ngân hàng nhanh hơn, thúc đẩy tăng trưởng của ngân hàng (như hạn mức tín dụng ưu đãi, tăng FOL lên hơn 30%, v.v.)
Powered by Froala Editor