toggle icon
logo text
logo symbol
toggle icon
Quay lại

SCS - Phục hồi mạnh mẽ từ mức cơ sở thấp - Báo cáo KQKD

Phân tích doanh nghiệp

09/08/2021

  • CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) công bố KQKD quý 2/2021 với doanh thu tăng 47% YoY đạt 212 tỷ đồng và LNST sau lợi ích CĐTS tăng 51% YoY đạt 150 tỷ đồng. Chúng tôi lưu ý rằng quý 2/2020 là mức cơ sở thấp bất thường do các gián đoạn bất ngờ từ dịch COVID-19. 
  • Trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của SCS tăng 24% YoY đạt 408 tỷ đồng trong khi LNST sau lợi ích CĐTS tăng 30% đạt 288 tỷ đồng. 
  • Tăng trưởng doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 chủ yếu nhờ sản lượng hàng hóa tăng 22% YoY và giá dịch vụ bình quân (ASP) tăng 3,4% YoY. Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận còn được thúc đẩy bởi mức tăng biên lợi nhuận ròng 3,1% YoY trong 6 tháng đầu năm 2021. 
  • Trong 6 tháng đầu năm 2021, lượng hàng hóa quốc tế tăng 17% YoY trong khi lượng hàng hóa trong nước tăng 35% YoY. Mặc dù các lệnh hạn chế hành khách quốc tế đến Việt Nam vẫn đang tiếp tục, sản lượng hàng hóa quốc tế đạt trên mức trước dịch COVID-19, mà chúng tôi cho rằng nhờ nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không cao và mạng lưới vận tải hàng hóa hàng không đã được thiết lập lại trên toàn cầu. 
  • Doanh thu và LNST sau lợi ích CĐTS 6 tháng đầu năm 2021 của SCS nhìn chung phù hợp với kỳ vọng hiện tại của chúng tôi - cả 2 khoản mục này đều hoàn thành 50% dự báo cả năm của chúng tôi. Do đó, chúng tôi cho rằng sẽ không có thay đổi đáng kể đến dự báo của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

Khối lượng hàng hóa quốc tế của SCS đã vượt qua mức trước dịch COVID-19. Chúng tôi tin rằng mạng lưới vận tải hàng không đã được thiết lập tốt và việc vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không đã quay trở lại bình thường mặc dù Việt Nam tiếp tục đóng cửa đối với các hành khách quốc tế. Trong nửa đầu năm 2021, sản lượng hàng hóa quốc tế của SCS tăng 17% YoY lên khoảng 84.500 tấn, cao hơn 4% so với sản lượng trong nửa đầu năm 2019. Trong khi sự xuất hiện trở lại dịch COVID-19 thời gian qua có thể làm gián đoạn hoạt động sản xuất tại Việt Nam, chúng tôi tin rằng các nhà xuất khẩu/nhập khẩu có xu hướng ưu tiên vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không trong thời gian gián đoạn tạm thời nhờ lợi thế về thời gian.

Dịch COVID-19 tại Việt Nam có thể làm chậm đà tăng trưởng mạnh của sản lượng hàng hóa trong nước của SCS. Theo SCS, tăng trưởng sản lượng hàng hóa nội địa tốt trong 6 tháng đầu năm 2021 chủ yếu được thúc đẩy bởi (1) số lượng chuyến bay nội địa ngày càng tăng từ các khách hàng hãng hàng không trong nước của SCS (bao gồm VietJet Air và Bamboo Airways) và (2) tăng trưởng vận chuyển hàng hóa tuyến Bắc-Nam của Việt Nam khi hoạt động thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam được cải thiện. Tuy nhiên, số lượng chuyến bay trong nước giảm xuống mức thấp kỷ lục vào cuối quý 2/2021 do làn sóng COVID-19 hiện tại và các biện pháp giãn cách xã hội ở các tỉnh/thành phố bị ảnh hưởng (bao gồm cả TP. HCM và Hà Nội). Lượng hàng hóa trong nước của SCS do đó sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng sẽ không có rủi ro đáng kể nào đối với dự báo lợi nhuận của chúng tôi đối với SCS do hàng hóa nội địa chiếm 6%-8% tổng doanh thu của SCS trong giai đoạn 2018-2020.

Dư nợ cho vay các bên liên quan tăng nhẹ trong quý 2/2021. Tính đến cuối quý 2/2021, số dư nợ phải thu của SCS là 120 tỷ đồng so với số dư cuối quý 1/2021 là 95 tỷ đồng và số dư cuối năm 2020 là 165 tỷ đồng. Các khoản phải thu này là khoản vay của SCS cho các bên liên quan. Theo SCS, các khoản vay này có lãi suất tốt hơn so với tiền gửi có kỳ hạn. 

Tư vấn nhanh và chính xác nhất, gọi ngay: (+84) 2 8888 2 6868

/en/research-center