toggle icon
logo text
logo symbol
toggle icon
Quay lại

OIL - Thêm những tiến triển tích cực trong việc sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu - Báo cáo Gặp gỡ NĐT

Phân tích doanh nghiệp

21/04/2025

Chúng tôi đã tham dự cuộc họp gặp gỡ NĐT của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (OIL) vào ngày 18/04/2025. Những điểm chính trong buổi họp bao gồm:

1. Những diễn biến về đề xuất nghị định mới: Chuyển hướng sang định giá theo thị trường

  • Theo các quy định hiện hành, giá cơ sở được xác định theo công thức bao gồm: (1) trung bình chi phí tạo nguồn xăng dầu theo ước tính của Chính phủ, (2) chi phí hoạt động định mức theo ước tính của Chính phủ và (3) lợi nhuận hoạt động định mức là 300 đồng/lít. Trong dự thảo tháng 8/2024, đề xuất cho phép các thương nhân phân phối tự áp dụng giá bán, miễn giá bán vẫn dưới mức giá trần do Chính phủ quy định.
  • Tuy nhiên, theo OIL, dự thảo nghị định mới nhất về kinh doanh xăng dầu (dựa trên ý kiến của Thường trực Chính phủ ngày 13/4 và đang được Bộ Công Thương xem xét lần cuối) đã có những thay đổi quan trọng, đáng chú ý nhất là sự chuyển dịch sang cơ chế định giá theo thị trường. Bản thảo sửa đổi đề xuất loại bỏ lợi nhuận định mức và mức giá trần. Nhà nước giờ đây sẽ chỉ công bố công thức giá, giá tham chiếu quốc tế, premium và chi phí hoạt động định mức. Các thương nhân phân phối sẽ tự tính toán và công bố giá bán lẻ dựa trên chi phí tạo nguồn thực tế và các yếu tố khác.
  • Theo OIL, đây là một sự thay đổi tích cực và mang tính thị trường hơn. Do mỗi thương nhân phân phối xăng dầu có chi phí tạo nguồn khác nhau, sự thay đổi này sẽ có lợi cho các công ty có mạng lưới bán lẻ lớn hơn và uy tín như PLX và OIL.
  • Quan điểm của chúng tôi: Phiên bản nghị định này thuận lợi hơn so với các giả định trước đây của chúng tôi dựa theo dự thảo tháng 8/2024, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

2. Kế hoạch năm 2025

  • Sản lượng bán xăng dầu: 5,4 triệu tấn (-4% YoY so với thực tế năm 2024; +8% so với kế hoạch 2024). Đóng góp từ doanh số bán lẻ dự kiến tăng lên 27% (2024: 25,8%).
  • Doanh thu: 97,5 nghìn tỷ đồng (-22% YoY so với thực tế năm 2024; +17% so với kế hoạch năm 2024).
  • LNST báo cáo: 624 tỷ đồng (+32% so với thực tế năm 2024; +30% so với kế hoạch năm 2024).
  • Mở rộng trạm xăng dầu: Mục tiêu mở mới hoặc cải tạo 69-72 trạm xăng dầu trong năm 2025 (+8,5% YoY). Năm 2024, OIL đã mở thêm 95 trạm, nâng tổng số lên 838 trạm (+12,7% YoY).

3. KQKD sơ bộ quý 1/2025

  • Sản lượng bán xăng dầu: 1,3 triệu tấn (-4% YoY; 24% kế hoạch năm 2025)
  • Doanh thu: 32,6 nghìn tỷ đồng (+9% YoY; 33% kế hoạch năm 2025)
  • LNTT: Ghi nhận lỗ 6 tỷ đồng (so với lãi 299 tỷ đồng trong quý 1/2024) do giá dầu giảm trong thời gian gần đây
  • Mở rộng trạm xăng dầu: Thêm 29 trạm xăng dầu mới trong quý 1 (42% kế hoạch năm 2025), nâng tổng số lên 866 trạm (+3,3% so với cuối năm 2024; +9,8% YoY).

4. Chia cổ tức

  • Cổ tức năm 2024: 250 đồng/cổ phiếu.
  • Cổ tức năm 2025: 250/cổ phiếu.

5. Giám sát chặt chẽ hơn đối với các thương nhân phân phối xăng dầu

  • Theo OIL, năm 2024 có 5 thương nhân phân phối xăng dầu bị thu hồi giấy phép, giảm tổng số nhà phân phối được cấp phép xuống còn 27 đơn vị (không bao gồm các nhà cung cấp nhiên liệu hàng không). OIL hiện nắm giữ 23% thị phần trong nước.
  • Chính phủ đang thắt chặt giám sát việc phân phối xăng dầu. Nếu xu hướng này tiếp tục, diễn biến này có thể tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho các công ty uy tín như PLX và OIL. Chính phủ trước đây đã thảo luận về việc có khả năng số lượng thương nhân đầu mối xuống sẽ giảm còn khoảng 10 nhà phân phối. Để tham khảo, Thái Lan chỉ có 7 và Nhật Bản chỉ có 5 thương nhân phân phối lớn, các thương nhân phân phối tại cả 2 đều hoạt động hiệu quả.

6. Tác động của thuế đối ứng của Mỹ và giá dầu

  • OIL tin rằng tác động của thuế đối ứng của Mỹ đối với lĩnh vực dầu khí là gián tiếp - chủ yếu thông qua tăng trưởng kinh tế chậm hơn, điều này có thể làm giảm nhu cầu xăng dầu. Ngoài ra, giá dầu giảm có thể làm tăng rủi ro hàng tồn kho.

7. Triển vọng nhiên liệu Jet A1

  • OIL đã nhận được giấy phép vào ngày 10/01/2025 để trở thành thương nhân phân phối nhiên liệu Jet A1. Công ty đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết và dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào quý 4/2025, với doanh thu thương mại bắt đầu từ quý 1–quý 2/2026.
  • OIL đặt mục tiêu tổng sản lượng nhiên liệu Jet A1 là 2 triệu tấn trong năm năm đầu tiên (400.000 tấn/năm) và đặt mục tiêu ban đầu nắm giữ 10% thị phần.

8. Kế hoạch niêm yết trên HOSE

  • OIL đang tiến hành thủ tục phá sản cho Nhà máy Nhiên liệu Sinh học Phú Thọ để loại bỏ ý kiến kiểm toán ngoại trừ (một bước quan trọng để niêm yết HOSE). Công ty hiện đang phát hành thông báo lần thứ ba cho các nhà đầu tư. Nếu không có giải pháp nào tiếp theo, công ty sẽ tiến hành quy trình phá sản theo luật định. Ban lãnh đạo dự kiến việc này sẽ hoàn thành vào năm 2026.
  • Trong tài liệu ĐHCĐ năm 2025, OIL cho biết rằng khoản đầu tư vào CTCP Nhiên liệu Sinh học Phú Thọ khó có khả năng thu hồi. Do đó, công ty có kế hoạch trích lập dự phòng 247 tỷ đồng (tương đương 40% kế hoạch LNST năm 2025).

Powered by Froala Editor

Tư vấn nhanh và chính xác nhất, gọi ngay: (+84) 2 8888 2 6868

/en/research-center/oil-further-positive-development-for-petroleum-sector-regulations-analyst-meeting-note