Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB) đã công bố KQKD 6 tháng đầu năm 2021 với tổng thu nhập từ HĐKD (TOI) đạt 4,8 nghìn tỷ đồng (+48,6% YoY) và LNST đạt 1,6 nghìn tỷ đồng (+101% YoY), lần lượt hoàn thành 47,4% và 60,9% so với dự báo 2021 của chúng tôi . LNST tăng ấn tượng chủ yếu là do (1) thu nhập từ lãi (NII) tăng 45,8% YoY, (2) thu nhập phí thuần (NFI) tăng 86,4% YoY, (3) Lãi từ HĐKD ngoại hối tăng 2,2 lần YoY (từ mức cơ sở thấp), ( 4) Lãi 2 tỷ đồng từ chứng khoán đầu tư so với khoản lỗ 63 tỷ đồng trong cùng kỳ 2020 và (5) chi phí HĐKD (OPEX) tăng 6,5% YoY, thấp hơn nhiều so với mức tăng TOI, bị ảnh hưởng một phần bởi chi phí dự phòng tăng 185% YoY. Chúng tôi cho rằng có khả năng điều chỉnh tăng dự báo hiện tại cho LPB, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Tăng trưởng NII vẫn ở mức cao trong 6 tháng đầu năm 2021 nhờ NIM tiếp tục tăng trong quý 2/2021. LPB báo cáo NIM 6 tháng đầu năm 2021 đạt 3,56% (+63 điểm cơ bản YoY), chủ yếu là do (1) chi phí huy động (COF) giảm 78 điểm cơ bản YoY, cao hơn mức giảm 10 điểm cơ bản YoY trong lợi suất IEA và (2) tốc độ tăng trưởng cho vay 6 tháng đầu năm 2021 cao hơn so với tăng trưởng huy động (tỷ lệ tương ứng là 8,27% và 6,67%). COF giảm mạnh YoY chủ yếu do một loạt các đợt cắt giảm lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ tháng 11/2019 đến tháng 10/2020. Theo quan điểm của chúng tôi, COF có thể giảm sâu hơn mức này nếu CASA không chứng kiến mức giảm YoY từ 12,3% trong nửa đầu năm 2020 xuống 10,7% trong nửa đầu năm 2021. Trong khi đó, chúng tôi tin rằng sự chuyển dịch sang khách hàng bán lẻ đã giúp hạn chế mức giảm trong lợi suất IEA trong nửa đầu năm 2021. Tính theo cơ sở QoQ - mặc dù COF tăng 4 điểm cơ bản QoQ - LPB báo cáo NIM tăng 11 điểm cơ bản QoQ do lợi suất IEA tăng 13 điểm cơ bản QoQ.
NOII đạt mức tăng trưởng 75,2% YoY chủ yếu nhờ NFI tăng 105,4% YoY (bao gồm cả từ giao dịch ngoại hối). LPB báo cáo NOII 6 tháng đầu năm 2021 là 544 tỷ đồng (+75,2% YoY), hoàn thành 47,9% dự báo cả năm của chúng tôi. Mức tăng mạnh của NOII 6 tháng đầu năm 2021 chủ yếu do (1) NFI thuần tăng 86,4% YoY đạt 391 tỷ đồng (đóng góp 78% cho NOII), (2) Giao dịch ngoại hối tăng 2,2 lần YoY từ 36 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020 lên 113 tỷ đồng (đóng góp 22% vào NOII), và (3) lãi 2 tỷ đồng từ chứng khoán đầu tư so với khoản lỗ 63 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020, bị ảnh hưởng một phần bởi thu nhập ròng khác giảm từ 128 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020 xuống 38 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021 mà chúng tôi cho rằng chủ yếu là do thu nhập từ thu hồi các khoản nợ đã xử lý bằng dự phòng thấp.
Tỷ lệ CIR 6 tháng đầu năm 2021 thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi do OPEX được kiểm soát tốt. OPEX 6 tháng đầu năm 2021 tăng 6,5% YoY trong bối cảnh TOI tăng 48,6% YoY, dẫn đến tỷ lệ CIR giảm 18 điểm % YoY xuống 44,4% trong nửa đầu năm 2021. Mức tăng khiêm tốn của OPEX chủ yếu do mức tăng 17,6% YoY trong chi phí lương và mức tăng 12,3% YoY trong chi phí tài sản, được bù đắp một phần nhờ chi phí quản lý công vụ (bao gồm cả chi phí hoạt động xã hội) giảm 16,2% YoY. Chúng tôi cho rằng một phần chi phí hoạt động xã hội trong quá khứ đã được khấu hao hết vào quý 1/2021.
Chất lượng tài sản được cải thiện trong quý 2/2021 - ngoại trừ lãi dự thu tăng nhẹ. Tỷ lệ nợ xấu quý 2/2021 giảm xuống còn 1,34% (-10 điểm cơ bản QoQ và -31 điểm cơ bản YoY) với tỷ lệ xử lý nợ gộp là 0,22% trong nửa đầu năm 2021 (so với 0% trong nửa đầu năm 2020). Tỷ lệ LLR quý 2/2021 tăng lên 96,5% (+2 điểm % QoQ và +24 điểm % YoY). Nợ nhóm 2 trên khoản vay gộp giảm 2 điểm cơ bản YoY xuống 0,81%. Chi phí dự phòng 6 tháng đầu năm 2021 tăng 185% YoY lên 616 tỷ đồng (hoàn thành 55,0% dự báo cả năm), chúng tôi cho rằng chủ yếu là do chi phí dự phòng bổ sung cho các khoản vay tái cơ cấu. Ở chiều ngược lại, chúng tôi nhận thấy lãi dự thu trên IEA tăng nhẹ lên 2,69% trong quý 2/2021 (+3 điểm cơ bản QoQ và +7 điểm cơ bản YoY).