toggle icon
logo text
logo symbol
toggle icon
Quay lại

DPM – LNTT quý 1 vượt dự báo – Báo cáo ĐHCĐ

Phân tích doanh nghiệp

29/03/2024

  • Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ thường niên của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào ngày 29/03/2024. Nhìn chung, ban lãnh đạo DPM nhấn mạnh triển vọng giá urê không chắc chắn do xung đột toàn cầu đang diễn ra và cạnh tranh gay gắt trong nước. Tuy nhiên, với việc các thành viên HĐQT và Tổng Giám đốc mới được bổ nhiệm, ban lãnh đạo hứa hẹn sẽ nỗ lực duy trì vị thế dẫn đầu thị trường của DPM.
  • KQKD quý 1 sơ bộ cao hơn nhẹ so với dự báo của chúng tôi với doanh thu và LNTT ước tính lần lượt đạt 3,2 nghìn tỷ đồng (23% dự báo cả năm của chúng tôi) và 311 tỷ đồng (38% dự báo cả năm của chúng tôi). Chúng tôi cho rằng LNTT cao hơn dự kiến đến từ 1) tỷ trọng cao hơn của nguồn khí chi phí thấp từ bể Cửu Long và 2) sản lượng bán urê cao hơn dự kiến với sản lượng bán quý 1 hoàn thành 27% dự báo cả năm của chúng tôi. Do đó, chúng tôi nhận thấy khả năng tăng nhẹ dự báo lợi nhuận của chúng tôi cho DPM, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
  • Các cổ đông đã thông qua cổ tức tiền mặt năm 2023 ở mức 2.000 đồng/cổ phiếu trên tổng vốn điều lệ là 3,9 nghìn tỷ đồng, phù hợp với dự báo của chúng tôi.
  • Các cổ đông cũng thông qua cổ tức tiền mặt năm 2024 ở mức 1.500 đồng/cổ phiếu trên vốn điều lệ dự kiến cuối năm là 5,5 nghìn tỷ đồng. Điều này tương ứng ~2.000 đồng/cổ phiếu trên vốn điều lệ là 3,9 nghìn tỷ đồng và thấp hơn dự báo của chúng tôi là 3.000 đồng/cổ phiếu, dẫn đến lợi suất cổ tức đạt 5,6% (so với dự báo của chúng tôi là 8,4%). Chúng tôi lưu ý rằng công ty thường tăng cổ tức tiền mặt so với kế hoạch đã đề ra dựa trên lợi nhuận thực tế vào cuối năm.
  • Cổ đông thông qua hợp đồng khí đầu vào có thời hạn 1 năm giữa DPM và PV GAS. Chi phí khí đầu đạt khoảng 9,79 USD/triệu BTU. Chúng tôi nhận thấy không có thay đổi đáng kể đối với dự báo của chúng tôi là 10,5 USD/triệu BTU vì chúng tôi giả định giá dầu Brent trung bình đạt 83 USD/thùng trong năm 2024.
  • Cổ đông thông qua việc bổ nhiệm tân Chủ tịch HĐQT Nguyễn Xuân Hòa và Tổng Giám đốc kiêm thành viên HĐQT Phan Công Thành.

KQKD quý 1 sơ bộ cao hơn nhẹ so với dự báo của chúng tôi. Theo ban lãnh đạo DPM, doanh thu và LNTT ước tính đạt 3,2 nghìn tỷ đồng (25% kế hoạch cả năm) và 311 tỷ đồng (47% kế hoạch cả năm) trong quý 1. Những kết quả này lần lượt hoàn thành 23% và 38% dự báo cả năm tương ứng của chúng tôi. Ngoài ra, sản lượng bán urê và NPK ước tính lần lượt đạt 239.000 tấn (27,5% dự báo cả năm) và 24.000 tấn (16,8% dự báo cả năm) trong quý 1, tương đương 27,5% và 14,8% dự báo cả năm của chúng tôi. Chúng tôi cho rằng LNTT cao hơn đến từ 1) tỷ trọng cao hơn của nguồn khí đầu vào chi phí thấp từ bể Cửu Long và 2) sản lượng bán urê cao hơn dự kiến. Do đó, chúng tôi nhận thấy khả năng điều chỉnh tăng đối với định giá của chúng tôi cho DPM, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

Kế hoạch kinh doanh năm 2024 nhìn chung phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi. DPM đặt mục tiêu doanh thu và LNST lần lượt đạt 12,8 nghìn tỷ đồng (-6% YoY) và 542 tỷ đồng (+2,3% YoY) trong năm 2024. Kế hoạch doanh thu và LNST này lần lượt là 92,2% và 81,8% dự báo cả năm của chúng tôi. Chúng tôi lưu ý rằng DPM thường đặt kế hoạch thận trọng và ghi nhận KQKD cao hơn trung bình 2 lần so với kế hoạch đã đề ra trong 10 năm qua. Cụ thể, công ty kỳ vọng sản lượng bán urê và NPK lần lượt đạt 870.000 tấn/năm (-1% YoY) và 143.100 tấn/năm (+3,9% YoY). Những mục tiêu này lần lượt tương đương 100% và 88% dự báo của chúng tôi. Chúng tôi cho rằng sản lượng bán NPK thấp do ban lãnh đạo thận trọng rằng mảng NPK sẽ không phục hồi mạnh trong năm 2024 so với mức lợi nhuận âm vào năm 2023, nguyên nhân đến từ (1) giá bán NPK đối mặt với cạnh tranh gay gắt và (2) chi phí đầu vào cao đáng kể (chiếm 96,4% doanh thu từ mảng NPK vào năm 2023). Tuy nhiên, công ty cho rằng mảng kinh doanh này đã cải thiện về chất lượng và sẽ sớm đem lại lợi nhuận dương.

Phê duyệt phân bổ lợi nhuận giữ lại cho năm 2023. Các cổ đông đã thông qua việc phân bổ lợi nhuận giữ lại năm 2023 như sau: 1) 20% mệnh giá trên tổng vốn điều lệ là 3,9 nghìn tỷ đồng cho cổ tức tiền mặt năm 2023, tổng 783 tỷ đồng (cụ thể, 2.000 đồng/cổ phiếu), 2) 115 tỷ đồng dành cho quỹ khen thưởng (tương đương 3 tháng lương), 3) 2,3 tỷ đồng vào quỹ thưởng người quản lý (tương đương 1,5 tháng lương) và 4) không phân bổ lợi nhuận cho quỹ phát triển. Do LNST năm 2023 thấp hơn dự kiến và việc tăng vốn điều lệ vẫn chưa hoàn tất, DPM đề xuất thay đổi mức cổ tức tiền mặt đã được phê duyệt trước đó (trong ĐHCĐ tháng 6/2023) từ 40% mệnh giá trên 5,1 nghìn tỷ đồng vốn tăng mới xuống 20% mệnh giá trên vốn điều lệ hiện tại là 3,9 nghìn tỷ đồng. Con số này tương đương với dự báo cổ tức tiền mặt của chúng tôi là 2.000 đồng/cổ phiếu.

Phê duyệt phân bổ LNST cho năm 2024. Các cổ đông thông qua việc phân bổ LNST năm 2024 như sau: 1) 15% mệnh giá trên tổng vốn điều lệ dự kiến là 5,5 nghìn tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt, trị giá 822 tỷ đồng (cụ thể, 1.500 đồng/cổ phiếu), 2) tương đương 3 tháng lương cho quỹ khen thưởng và thêm 20% mức LNST vượt kế hoạch trong năm 2024 nếu DPM vượt kế hoạch, 3) tương đương 1,5 tháng lương cho quỹ lương thưởng và 4) 20% cho quỹ phát triển. Ban lãnh đạo DPM thông báo rằng công ty có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3,9 nghìn tỷ đồng lên 5,5 nghìn tỷ đồng từ lợi nhuận giữ lại và quỹ phát triển, vốn đã được phê duyệt tại ĐHCĐ thường niên năm 2023, đây là phương án trình UBCKNN và đang chờ phê duyệt.

Hợp đồng khí đầu vào năm 2024 với PV GAS được phê duyệt. Hợp đồng mua bán khí giữa DPM và PV GAS với giá khí đầu vào ước tính đạt 9,79 USD/triệu BTU (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) trên tổng sản lượng khí thương phẩm là 22 triệu triệu BTU. Chúng tôi nhận thấy điều này dựa trên giả định giá dầu Brent là 70 USD/thùng, do đó, chúng tôi nhận thấy không có thay đổi đáng kể đối với dự báo của chúng tôi là 10,5 USD/triệu BTU vì chúng tôi giả định giá dầu Brent trung bình đạt 83 USD/thùng trong năm 2024. Hợp đồng này trị giá 5,1 nghìn tỷ đồng (giả định tỷ giá USD/VND là 23.500) và có hiệu lực đến cuối năm 2024. Khí được xác định chủ yếu từ mỏ Bạch Hổ, mỏ Rồng Đồi Mồi và các mỏ khí khác thuộc bể Cửu Long. Ban lãnh đạo DPM cũng giải thích rằng việc không thể ký các hợp đồng dài hạn hơn do 1) nguồn khí hiện đang cạn kiệt và giá khí đầu vào không ổn định, và 2) nhu cầu cao hơn và việc ưu tiên cung cấp cho các nhà máy điện.

Các cổ đông đã bầu Chủ tịch HĐQT và Thành viên HĐQT mới. Các cổ đông đã thông qua việc miễn nhiệm các nhân sự chủ chốt trước đây và bầu ông Nguyễn Xuân Hòa vào vị trí Chủ tịch HĐQT mới và ông Phan Công Thanh vào vị trí Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc mới của DPM. Sau 1 năm đầy thử thách với khó khăn tài chính cùng một số vị trí chủ chốt bị bỏ trống, ban lãnh đạo DPM và một số cổ đông lớn bày tỏ hy vọng vào ban lãnh đạo mới và sự phục hồi tài chính trong những năm tới. 

Powered by Froala Editor

Tư vấn nhanh và chính xác nhất, gọi ngay: (+84) 2 8888 2 6868

/en/research-center/dpm-q1-pbt-ahead-of-forecast-agm-note