- Chúng tôi đã tham gia ĐHCĐ của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) tại văn phòng TP.HCM của công ty vào ngày 11/06/2024, cùng với khoảng 143 cổ đông (đại diện 83,88% tổng số quyền biểu quyết). Nhìn chung, ban lãnh đạo lạc quan rằng mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% đối với phân bón sẽ được phê duyệt vào cuối năm 2024, sản lượng bán NPK tăng mạnh trong nửa cuối năm, và hiệu suất hoạt động cao ở mức 115% của công ty sẽ được duy trì trong các năm tới.
- Cổ đông đã thông qua mức cổ tức tiền mặt ở mức 2.000 đồng/cổ phiếu cho năm 2023, cao hơn mức được thông qua tại ĐHCĐ năm 2023 là 1.600 đồng/cổ phiếu, và nhìn chung phù hợp với dự báo của chúng tôi là 2.000 đồng/cổ phiếu.
- Cổ đông thông qua mức cổ tức tiền mặt thận trọng là 1.000 đồng/cổ phiếu cho năm 2024 so với dự báo của chúng tôi là 3.000 đồng/cổ phiếu.
- Kế hoạch năm 2024 của DCM khá thận trọng với doanh thu ở mức 11,9 nghìn tỷ đồng và LNST ở mức 795 tỷ đồng. Những con số này lần lượt tương đương với 86% và 55% dự báo cả năm của chúng tôi. Chúng tôi cho rằng điều này do triển vọng thận trọng của công ty đối với giá bán so với việc chúng tôi giả định giá bán trung bình (ASP) của DCM sẽ đi ngang so với cùng kỳ năm trước. Giá urê ổn định trong quý 1, giảm trong tháng 4 và tháng 5, và tăng nhẹ trong tháng 6.
- Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy không có thay đổi đáng kể đối với dự báo lợi nhuận của chúng tôi cho DCM trong khi việc phê duyệt mức thuế GTGT 5% cho phân bón là một yếu tố hỗ trợ cho dự báo LNST giai đoạn 2025-2028 của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Ban lãnh đạo của DCM có quan điểm lạc quan đối với việc thông qua luật thuế GTGT đối với phân bón. Hiện tại, phân bón thuộc danh mục được miễn thuế GTGT và các công ty cùng ngành đang đề xuất cho những mặt hàng này phải chịu thuế GTGT, với mức thuế GTGT đề xuất ở mức 5%. DCM lạc quan rằng luật thuế GTGT sẽ được thảo luận và phê duyệt vào kỳ họp Quốc hội tháng 11, và có thể sẽ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2025. Nếu luật thuế GTGT được phê duyệt, DCM sẽ tiết kiệm 250-270 tỷ đồng giá vốn hàng bán mỗi năm, nên lợi nhuận sẽ tăng khoảng 10%. Chúng tôi nhận thấy khả năng điều chỉnh tăng đối với dự báo lợi nhuận của chúng tôi bắt đầu từ năm 2025 trở đi, dù cần thêm phê duyệt chính thức từ Quốc hội.
Trong tháng 4, DCM đã hoàn toàn nắm giữ 100% cổ phần của Công ty TNHH Phân bón Hàn-Việt (KVF), giúp tăng gấp đôi công suất NPK của DCM lên 660.000 tấn/năm. Theo ban lãnh đạo của DCM, mặc dù đã phát sinh lỗ ròng kể từ khi hoạt động (trừ 1 năm có lãi), sau khi tiếp quản và dưới sự quản lý của công ty, KVF đã ghi nhận lãi sơ bộ trong tháng 5/2024. Đây là tín hiệu tích cực cho DCM trong dài hạn đối với mảng NPK và lợi nhuận chung của công ty. DCM lưu ý rằng công ty đã đầu tư khoảng 23,6 triệu USD (70% vốn chủ sở hữu, 30% nợ vay) để mua lại KVF (bao gồm trong vốn đầu tư XDCB đã được phê duyệt) và kỳ vọng KVF sẽ đóng góp 100.000 tấn trong năm 2024 (phù hợp với dự báo của chúng tôi). Chúng tôi hiện dự báo KVF sẽ đem lại 15 tỷ đồng trong năm 2024, đóng góp 1% vào LNST của DCM.
Kế hoạch năm 2024 của DCM khá thận trọng với doanh thu ở mức 11,9 nghìn tỷ đồng và LNST ở mức 795 tỷ đồng. Những con số này lần lượt tương đương 86% và 55% dự báo cả năm của chúng tôi. Doanh thu đến từ 858.500 tấn sản lượng bán urê (99% dự báo năm 2024 của chúng tôi) và 180.000 tấn sản lượng bán NPK (không bao gồm KVF, 122% dự báo của chúng tôi). Chúng tôi cho rằng kế hoạch doanh thu và LNST thận trọng do 1) DCM là doanh nghiệp nhà nước và 2) quan điểm thận trọng của công ty đối với giá bán (triển vọng giá bán urê toàn cầu trong năm 2024 sẽ ở mức thấp do nguồn cung tăng từ các nhà máy urê mới ở Trung Quốc và Ấn Độ) và nhu cầu trong nước giảm do đất canh tác giảm và bị nhiễm mặn. Mặt khác, kế hoạch sản lượng bán NPK tích cực vì ban lãnh đạo của DCM có quan điểm lạc quan về khả năng phục hồi của mảng này trong nửa cuối năm 2024. Nhìn chung, chúng tôi hiện nhận thấy không có thay đổi đáng kể đối với dự báo lợi nhuận của chúng tôi cho DCM, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Giá khí đầu vào dự kiến tăng so với mức thực tế năm 2023, nhưng vẫn phụ thuộc vào biến động giá dầu. Giá khí đầu vào trung bình năm 2023 là 9,46 USD/triệu BTU (+9% so với kế hoạch năm 2023 là 8,7 USD/triệu BTU), với cơ cấu khí ở mức 60% từ PVN và 40% từ Petronas. Tính đến ĐHCĐ năm nay, giá khí đầu vào trung bình trong quý 1/2024 là 10,01 USD/triệu BTU (+6% so với mức thực tế năm 2023). Ban lãnh đạo của DCM cho biết nguyên nhân do giá dầu biến động mạnh kể từ đầu năm 2024, dao động từ 76-91 USD/thùng. Giá khí đầu vào năm 2024 dự kiến sẽ không biến động đáng kể, do ban lãnh đạo của DCM kỳ vọng giá dầu năm 2024 sẽ duy trì trong khoảng 75-80 USD/thùng và nguồn khí đầu vào sẽ duy trì ổn định.
Cổ đông thông qua mức cổ tức tiền mặt ở mức 2.000 đồng/cổ phiếu cho năm 2023. Chúng tôi lưu ý rằng mức cổ tức 20% mệnh giá cho năm 2023 này cao hơn so với mức cổ tức được thông qua tại ĐHCĐ năm 2023 là 1.600 đồng/cổ phiếu. Mức cổ tức tiền mặt năm 2023 phù hợp với dự báo của chúng tôi, cũng ở mức 2.000 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, ban lãnh đạo của DCM khẳng định rằng công ty sẽ cố gắng trả cổ tức trong vòng 30 ngày kể từ ngày phê duyệt, giảm so với thời hạn trước đây là trong vòng 3 tháng (so với mức bắt buộc 6 tháng của SEC). Cổ đông cũng thông qua việc trích 30% LNST năm 2023 cho quỹ nghiên cứu và phát triển (333 tỷ đồng) và 14% LNST năm 2023 cho quỹ khen thưởng và phúc lợi (157 tỷ đồng), dựa trên LNST thực tế năm 2023.
Cổ đông đã thông qua mức cổ tức tiền mặt là 1.000 đồng/cổ phiếu cho năm 2024. Cổ tức năm 2024 thấp hơn so với dự báo hiện tại của chúng tôi là 3.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý rằng DCM thường tăng cổ tức, tùy theo KQKD thực tế trong năm của công ty. Ví dụ, công ty hiện đang chi trả mức cổ tức 2.000 đồng/cổ phiếu cho năm 2023 so với mức được thông qua trước đây là 1.600 đồng/cổ phiếu. Cổ đông cũng đã thông qua kế hoạch phân bổ LNST năm 2024 là 30% cho quỹ phát nghiên cứu và phát triển (khoảng 238 tỷ đồng) và khoảng 14% (109 tỷ đồng) cho quỹ khen thưởng và phúc lợi, dựa trên LNST dự kiến năm 2024 là 794 tỷ đồng.
Cổ đông đã thông qua vốn đầu tư XDCB năm 2024 ở mức 1,6 nghìn tỷ đồng, phù hợp với dự báo của chúng tôi. Khoản chi này dành cho 14 dự án, đã vượt qua các nghiên cứu khả thi, bao gồm KVF (khoảng 656 tỷ đồng), mở văn phòng mới tại TP.HCM (500 tỷ đồng), nhà máy khí công nghiệp (300 tỷ đồng), hệ thống điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu 5MWp (66 tỷ đồng), nhà máy phân bón Bình Định (120 tỷ đồng), và các dự án khác ( trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, nâng cấp mái che mưa cho nhà máy urê, xây dựng nhà kho với công suất 12.000 tấn, nhà ở nhân viên, nhà máy khí CO2, v.v.). Trong dài hạn, DCM sẽ chi tổng cộng 2.887 tỷ đồng cho các dự án kể trên. DCM cũng đang nghiên cứu khả thi cho nhiều dự án khác để triển khai trong tương lai.
Cổ đông đã thông qua việc sửa đổi điều lệ công ty của DCM. Nhằm phản ánh đầy đủ hoạt động kinh doanh thực tế của công ty và tạo điều kiện cho FOL đạt mức 49%, DCM đã đề xuất bổ sung thêm chi tiết vào đăng ký kinh doanh và điều lệ công ty. Cụ thể, mã số doanh nghiệp sửa đổi là 7120 sẽ chi tiết hóa và loại trừ các hoạt động kinh doanh bị hạn chế đối với các nhà đầu tư nước ngoài, giúp cho DCM dễ tiếp cận các nhà đầu tư nước ngoài hơn.
Powered by Froala Editor