- Hoạt động sản xuất tiếp tục tăng trưởng mạnh. Trong tháng 7, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 11,2% YoY – tháng thứ ba liên tiếp ghi nhận mức tăng trưởng 2 chữ số (tháng 5/2024: +10% YoY; tháng 6/2024: +12,4% YoY), trong đó IIP ngành sản xuất tăng 13,3% YoY. Trong 7 tháng đầu năm 2024 (7T 2024), IIP toàn ngành công nghiệp và IIP ngành sản xuất lần lượt tăng 8,5% YoY và 9,5% YoY. Chúng tôi kỳ vọng ngành sản xuất có thể duy trì chu kỳ phục hồi trong bối cảnh lượng đơn hàng mới tăng trưởng mạnh trong báo cáo PMI gần đây.
- Doanh thu bán lẻ tiếp tục tăng. Trong tháng 7, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 9,4% YoY. Trong 7T 2024, tổng doanh thu bán lẻ tăng 8,7% YoY (doanh thu bán lẻ dịch vụ lưu trú và ăn uống: +15,2% YoY; doanh thu bán lẻ dịch vụ du lịch: +31,8% YoY). Một số yếu tố có thể tiếp tục hỗ trợ tiêu dùng trong nước phục hồi bao gồm: (1) Lượng khách quốc tế tiếp tục phục hồi, đặc biệt từ Trung Quốc; (2) Việc tiếp tục giảm 2% thuế GTGT đến cuối năm và tăng lương cơ sở khu vực công có hiệu lực từ tháng 7/2024; và (3) Theo báo cáo gần nhất của PMI và báo cáo từ một số tỉnh thành như Hà Nội và TP.HCM, nhu cầu tuyển dụng đang tăng cao do lượng đơn hàng mới tăng mạnh.
- Thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) tăng mạnh. Theo Bộ Tài chính, tổng thu & chi NSNN lần lượt đạt 1.181,1 nghìn tỷ đồng (+14,6% YoY) và 948,3 nghìn tỷ đồng (+0,6% YoY), hoàn thành 69,8% và 44,7% kế hoạch năm, dẫn đến thặng dư ngân sách 232,8 nghìn tỷ đồng trong 7T 2024 (cao hơn 3,9 lần so với mức thặng dư 59,1 nghìn tỷ đồng trong 7T 2023). Trong tổng chi NSNN, chi NSNN cho đầu tư phát triển giảm 8,4% YoY (do mức nền cao trong 7T 2023) đạt 232,1 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 34,3% kế hoạch năm. Chúng tôi kỳ vọng việc giải ngân cho đầu tư phát triển sẽ tăng tốc vào cuối năm. Nhờ tổng thu NSNN tăng mạnh trong 7T 2024, Chính phủ có thể linh hoạt hơn trong việc thực hiện các biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ kinh tế.
Powered by Froala Editor