Triển vọng kinh tế vĩ mô
- Việt Nam chứng kiến quá trình phục hồi theo chu kỳ trong nửa đầu năm 2024, nhìn chung phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi được nêu trong báo cáo chiến lược đầu tư tháng 1/2024. Xuất khẩu tiếp tục phục hồi. Vốn FDI giải ngân tăng. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục phục hồi. Thị trường bất động sản có những dấu hiệu phục hồi ban đầu và các chính sách nhìn chung vẫn mang tính hỗ trợ. GDP của Việt Nam tăng 6,9% YoY trong quý 2/2024 (tăng từ mức 5,7% YoY trong quý 1/2024) và tăng 6,4% YoY trong nửa đầu năm 2024. CPI bình quân tăng 4,08% YoY trong nửa đầu năm 2024.
- Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng GDP các năm 2024/25/26 lần lượt ở mức 6,5%/6,8%/7,0%. Xuất khẩu và sản xuất công nghiệp phục hồi bền vững sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường lao động và cải thiện niềm tin của người tiêu dùng, củng cố giả định của chúng tôi về tiêu dùng trong nước cải thiện trong nửa cuối năm 2024 và 2025. Mặc dù chúng tôi không kỳ vọng vốn đầu tư XDCB của khu vực tư nhân trong nước sẽ tăng mạnh trong năm 2024, tổng mức đầu tư dự kiến vẫn được hỗ trợ bởi đầu tư khu vực công mạnh hơn theo mùa trong nửa cuối năm 2024 và vốn FDI giải ngân tăng.
- Chúng tôi giữ nguyên dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất điều hành một lần vào cuối năm 2024 và một lần vào năm 2025 khi chu kỳ phục hồi tiếp tục. Với việc bắt đầu chu kỳ nới lỏng từ Fed và nguồn cung ngoại tệ dồi dào từ thặng dư cán cân vãng lai, dòng vốn FDI và kiều hối, chúng tôi cho rằng tỷ giá USD/VND sẽ hạ nhiệt vào cuối năm 2024. Chúng tôi duy trì dự báo tỷ giá USD/VND tăng 3,0% vào năm 2024 và duy trì ổn định vào các năm 2025 & 2026.
Triển vọng thị trường
- Chỉ số VN-Index tăng 10% theo đồng VND và tăng 5% theo đồng USD trong 6 tháng đầu năm 2024 khi nền kinh tế tiếp tục cải thiện, hỗ trợ kỳ vọng về đà phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp trong các năm 2024/25 và lãi suất tiền gửi ngân hàng vẫn ở gần mức thấp lịch sử. Chúng tôi duy trì quan điểm tích cực về thị trường và giữ nguyên mục tiêu VN-Index các năm 2024/25 lần lượt là 1.350/1.550.
- Rủi ro đối với quan điểm tích cực của chúng tôi gồm: 1) Kết quả xuất khẩu yếu hơn dự kiến nếu đà phục hồi xuất khẩu hiện tại yếu dần; 2) Lập trường chính sách thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam bị chệch hướng, ví dụ nếu lạm phát gia tăng hoặc tỷ giá USD/VND tăng quá mức buộc NHNN phải thắt chặt chính sách, hoặc các nút thắt trong thủ tục hành chính cản trở sự phục hồi của bất động sản nhà ở hoặc tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng; 3) Diễn biến địa chính trị dẫn đến giá cả hàng hóa hoặc thuế quan thương mại tăng bất lợi ảnh hưởng đến Việt Nam.
Các ngành & cổ phiếu
- Trong số các ngành vốn hóa lớn, chúng tôi tiếp tục gia tăng tỷ trọng cổ phiếu ngành ngân hàng và tiêu dùng. Tăng trưởng GDP nhanh hơn sẽ thúc đẩy nhu cầu tín dụng mạnh hơn và cải thiện chất lượng tài sản cho các ngân hàng. Trong khi đó, định giá vẫn hấp dẫn với P/B tổng hợp trong danh mục theo dõi của chúng tôi ở mức 1,5 lần, từ 0,5 đến 1 độ lêch chuẩn (SD) dưới mức trung bình 7 năm. Cổ phiếu tiêu dùng nhìn chung vượt trội trong nửa đầu năm 2024 khi các chỉ số hoạt động bắt đầu được cải thiện và kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục phục hồi. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng triển vọng tăng trưởng cấu trúc dài hạn vẫn hấp dẫn và chúng tôi vẫn nhìn thấy giá trị trong ngành này.
- Các cổ phiếu lựa chọn hàng đầu của các nhà phân tích của chúng tôi bao gồm: MBB, STB, VPB, ACB (ngân hàng); FRT, MSN, PNJ, SAB (tiêu dùng); FPT (công nghệ); KDH, NLG (bất động sản); IDC, KBC (bất động sản khu công nghiệp); HPG (vật liệu xây dựng); STK (công nghiệp); SCS (vận tải); PVS, BSR (dầu khí); QTP, TDM (điện &nước).
Powered by Froala Editor