Ngân hàng có phá sản được không?
Ngân hàng nói riêng và tổ chức tín dụng (“TCTD”) nói chung đều có thể phá sản theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng[1] và Luật Phá sản[2]. Cụ thể:
- Sau khi Ngân hàng Nhà nước (“NHNN”) có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD vẫn lâm vào tình trạng phá sản thì TCTD đó phải làm đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.
- Khi nhận được yêu cầu mở thủ tục phá sản TCTD, Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của TCTD theo quy định của pháp luật về phá sản.
- Sau khi Thẩm phán chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, NHNN thu hồi Giấy phép của TCTD
Tuy nhiên từ trước đến nay chưa có ngân hàng nào thực hiện thủ tục phá sản, kể cả một số ngân hàng hoạt động yếu kém thì NHNN sẽ thực hiện cơ cấu lại, mua lại với giá 0 đồng. Vì việc ngân hàng phá sản sẽ tạo hiệu ứng domino, làm mất niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng và khiến cho toàn bộ nền kinh tế bị ảnh hưởng.
Hệ quả pháp lý khi ngân hàng phá sản: Khi bị tuyên bố phá sản, việc thanh lý tài sản của TCTD được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.
1/. Hoàn trả khoản vay đặc biệt: TCTD được vay đặc biệt của NHNN, TCTD khác thì phải hoàn trả khoản vay đặc biệt này trước khi thực hiện việc phân chia tài sản.
2/. Phân chia tài sản: thực hiện theo thứ tự như sau:
- i) Chi phí phá sản;
- ii) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, BHYT đối với người lao động, quyền lợi khác theo HĐLĐ và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
- iii) Khoản tiền gửi; khoản tiền tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải trả cho người gửi tiền tại TCTD phá sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và hướng dẫn của NHNN;
- iv) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
Những vấn đề cần lưu ý của luật bảo hiểm tiền gửi
Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.
Tiền gửi được bảo hiểm: là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, trừ các loại tiền gửi sau:
- Tiền gửi tại TCTD của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính TCTD đó.
- Tiền gửi tại TCTD của cá nhân là thành viên HĐTV, thành viên HĐQT, thành viên BKS, TGĐ (Giám đốc), Phó TGĐ (Phó Giám đốc) của chính TCTD đó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là TGĐ (Giám đốc), Phó TGĐ (Phó Giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.
- Tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành.
Trả tiền bảo hiểm tiền gửi
Thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm: Kể từ thời điểm NHNN có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vẫn lâm vào tình trạng phá sản hoặc NHNN có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền.
Thời hạn trả tiền bảo hiểm: Trong thời hạn 60 ngày, kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.
Hạn mức trả tiền bảo hiểm: Số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125.000.000 đồng (Quyết định 32/2021/QĐ-TTg).
Xử lý số tiền gửi vượt hạn mức trả tiền bảo hiểm: Số tiền gửi của người được bảo hiểm tiền gửi (gồm gốc và lãi) vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm sẽ được giải quyết trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (mục I.2.b).
[1]Điều 155 Luật các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi, bổ sung 2017).
[2] Chương VIII Luật Phá sản 2014.
Powered by Froala Editor