Thị trường chứng khoán đang là một trong những kênh đầu tư đầy tiềm năng nhất tại Việt Nam. Việc biết rõ các kiến thức cũng như lựa chọn cho riêng mình phương pháp đầu tư là điều hết sức cần thiết để đạt được hiệu quả đầu tư. Trong bài viết này, Vietcap sẽ hướng dẫn thực hành Canslim - đây được coi là phương pháp lọc cổ phiếu hiệu quả nhất hiện nay. Cùng tìm hiểu nhé!
Phương pháp đầu tư CANSLIM là gì?
Phương pháp đầu tư CANSLIM là hệ thống lọc giúp nhà đầu tư chọn ra những cổ phiếu tăng trưởng tốt được nhà môi giới chứng khoán William O’Neil phát minh ra.CANSLIM là tập hợp gồm 7 chữ cái, nó đại diện cho những yếu tố quan trọng để tạo nên siêu cổ phiếu tiềm năng:
Chữ C (Current Quarterly Earnings Per Share): là tăng trưởng thu nhập quý ở hiện tại.
Chữ A (Annual Earnings Growth): là sự tăng trưởng lợi nhuận vào hàng năm.
Chữ N (New Products or Management or Price High): là quản lý mới, sản phẩm mới, mức giá mới.
Chữ S (Share Outstanding): là tổng số lượng cổ phiếu lưu hành.
Chữ L (Leading Industry): là cổ phiếu đang dẫn đầu trong lĩnh vực.
Chữ I (Institutional Sponsorship): là sự ủng hộ từ các định chế trong tài chính.
Chữ M (Market Direction): là sự định hướng thị trường.
Hướng dẫn thực hành CANSLIM để lọc ra siêu cổ phiếu:
Mỗi ký tự nằm trong từ CANSLIM sẽ đại diện cho một trong 7 đặc điểm chính của siêu cổ phiếu đã thành công trong quá khứ.
Chữ C: Current Quarterly Earnings Per Share – Tăng trưởng thu nhập ở Quý hiện tại: Càng cao thì càng tốt
Tăng trưởng EPS ở quý gần nhất và quý gần liền kề phải đạt tỷ lệ tối thiểu là 20% – 25% so với các quý cùng kỳ. Ta phải so sánh chỉ số EPS với cùng kỳ những năm trước để tránh bị tác động bởi các yếu tố mang tính thời vụ.
Thu nhập chính phải đến từ kết quả của hoạt động kinh doanh, cốt lõi của doanh nghiệp, hãy loại bỏ những khoản lợi tức có dấu hiệu bất thường, và chỉ xảy ra 1 lần.
Cụ thể trên thực tế, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam thường dùng các thủ thuật che mắt để làm đẹp cho BCTC nhằm thao túng giá cổ phiếu hoặc phát hành thêm cổ phiếu mới hay cũng có thể phát hành thêm trái phiếu.
Điều lưu ý là bạn cần phải xem xét một cách cẩn thận các khoản thu nhập từ doanh thu tài chính cùng với chi phí tài chính và thu nhập khác…
Khi 1 doanh nghiệp có báo cáo kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt, thì hãy luôn kiểm tra các doanh nghiệp khác trong cùng ngành để đối chiếu và đánh giá xem mức tăng trưởng đó liệu có hợp lý hay không
Chú ý: Một doanh nghiệp tăng trưởng tốt thì cần có sự đồng thuận giữa mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Lợi nhuận hàng quý tăng cao phải luôn luôn được hỗ trợ bởi tỷ lệ tăng trưởng doanh thu của quý gần nhất. Và tối thiểu từ 20% – 25% so với cùng kỳ hoặc mức tăng trưởng đó cho thấy sự thay đổi tích cực theo đà đang tăng lên.
Nếu những doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận nhưng không đi kèm tăng trưởng doanh thu thì bạn nên cẩn trọng?
Chữ A: Annual Earnings Increases – Sự tăng trưởng lợi nhuận hàng năm: Tìm kiếm cổ phiếu gia tăng đột biến
Doanh nghiệp hoạt động tốt có lãi và liên tục trong 3 năm liền; tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận hàng năm ổn định và tăng đều trong suốt 3 năm.
EPS hàng năm tăng trưởng giao động bình quân 20 – 25% trở lên.
LNST trong quý gần nhất hay năm gần nhất đạt hoặc tiến gần đến 1 đỉnh cao mới.
Tỷ suất lợi nhuận ROE khoảng 17% trở lên.Sẽ rất tốt nếu chỉ số ROE có thể đạt từ 25% đến 50% (ở thị trường chứng khoán Việt Nam thì rất khó có doanh nghiệp đạt đến mức đó!)
Ở Việt Nam, đa phần các doanh nghiệp hoạt động đều có yếu tố chu kỳ nên khi chọn lọc chúng ta sẽ dựa vào EPS của 4 quý gần nhất so với EPS từ 4 quý trước đó có mức tăng trưởng từ 20% trở lên.
Đối với những doanh nghiệp mới niêm yết, thì mức tăng EPS mỗi quý trong 3 quý gần nhất cũng phải tăng liên tục trên 20% so với cùng kỳ.
Xem lại: Phương pháp định giá cổ phiếu nào chính xác nhất?
Chữ N: New Products or Management or Price High – Sản phẩm mới, Ban quản lý mới: Chọn đúng thời điểm mua
Tìm kiếm và lựa chọn những công ty vừa phát triển thành công các sản phẩm, hay dịch vụ mới, hoặc được hưởng lợi lớn từ bộ máy quản lý mới, những điều kiện, môi trường kinh doanh mới xuất hiện của ngành công nghiệp.
Chọn những cổ phiếu khi nó vừa đột phá, thoát ra từ những khuôn mẫu giá ổn định trong thời gian dài và sắp hoặc đang leo lên những đỉnh giá mới.
Chữ S: Share Outstanding: Tổng lượng cổ phiếu lưu hành: Cổ phiếu tiềm năng cộng với nhu cầu lớn
Bạn nên tìm kiếm những doanh nghiệp đang có hoạt động mua lại cổ phiếu của chính họ (cổ phiếu quỹ) trên thị trường: đây là dấu hiệu tích cực, hàm ý của doanh nghiệp là đang trông đợi sự tăng trưởng về doanh thu cũng như lợi nhuận trong tương lai.
Tỷ lệ nợ thấp cũng là một dấu hiệu đánh giá doanh nghiệp đó có tốt không.
Bạn cũng nên theo dõi Số lượng cổ phiếu giao dịch trên thị trường trong mỗi phiên. Tại TTCK Việt Nam, chúng ta nên lựa chọn những doanh nghiệp có khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên trên chục nghìn cổ phiếu.
Tại điểm tăng đột phá lên 1 mức giá trần mới, thì khối lượng giao dịch tại thời điểm đó phải tăng ít nhất 50% so với khối lượng giao dịch của trung bình 50 phiên trước đó.
Chữ L: Leading Industry – Cổ phiếu dẫn đầu
Bạn nên lựa chọn những doanh nghiệp thật sự tốt, đang dẫn đầu trong ngành và là số 1 trong lĩnh vực chuyên môn chủ chốt của chúng. Tránh chọn những cổ phiếu đội sổ.
Để tìm được những cổ phiếu dẫn đầu chúng ta dựa vào chỉ số sức mạnh giá tương đối (RS): đây là chỉ số tính toán thành tích về giá từ một cổ phiếu cho trước so với những cổ phiếu còn lại đang lưu hành trên thị trường trong 52 tuần gần nhất.
Mỗi cổ phiếu sẽ được gán 1 điểm số cụ thể (từ 1 đến 99). Nếu 1 cổ phiếu có RS = 99, tức là cổ phiếu đó đang ưu việt hơn 99% so với các cổ phiếu khác về thành tích giá.
Trong một đợt điều chỉnh giá của thị trường đang tăng trưởng, những cổ phiếu có tỷ lệ giảm giá ít nhất (%) cũng là một sự lựa chọn không tồi.
Chữ I: Institutional Sponsorship – Sự ủng hộ từ các định chế tài chính, quỹ đầu tư: Theo chân người khổng lồ
Tìm kiếm những doanh nghiệp có 1 lượng lớn cổ phiếu đang được nắm giữ bởi các tổ chức uy tín (quỹ đầu tư, các ngân hàng, các tập đoàn bảo hiểm hay khối tự doanh của CTCK…)
Nên lựa chọn những cổ phiếu có số lượng tổ chức bảo trợ tăng lên.
Bạn cũng cần tìm hiểu về mức độ uy tín, hiệu quả của các tổ chức đó, cũng như các tiêu chí hay quan điểm đầu tư của họ để có thể nhận định tình hình diễn biến chung.
Việc nội bộ doanh nghiệp hay các tổ chức liên tục thực hiện bán ra 1 cổ phiếu là tín hiệu xấu mà bạn cần đặc biệt theo dõi.
M: Market Direction – Định hướng thị trường chung
Cần quan sát, đánh giá thị trường một cách cẩn trọng và khôn ngoan.
Đây được coi là yếu tố quan trọng nhất trong phương pháp CANSLIM. Mặc dù bạn xác định đúng những yếu tố trên, nhưng lại chọn sai thời điểm thì đó chưa hẳn đã là cổ phiếu tốt!
Hướng dẫn thực hành CANSLIM trong thực tế tại thị trường chứng khoán Việt Nam
Bước 1: Lọc theo tiêu chí chữ “C”
Xét về tăng trưởng thu nhập ở quý hiện tại chúng ta nên quan tâm đến 2 tiêu chí quan trọng khi lọc:
Thứ nhất là tăng trưởng doanh thu quý gần nhất tối thiểu đạt 25%;
Thứ 2 là tăng trưởng EPS quý gần nhất và quý gần nhì cũng phải tăng tối thiểu 25%. Tùy vào mục đích cụ thể, bạn có thể đưa ra tỷ lệ tăng trưởng tối thiểu khác nhau (nhưng hãy thận trọng, bạn có thể đặt mức tối thiểu từ 18 – 30%).
Bước 2: Lọc theo tiêu chí chữ “A”
Về tăng trưởng lợi nhuận hàng năm chúng ta cũng quan tâm đến hai tiêu chí để chọn:
Thứ nhất dựa trên chỉ số EPS 5 năm và doanh thu 5 năm tăng trưởng tối thiểu đạt từ 15%/năm trở lên
Thứ hai là chỉ số ROE cũng phải đạt mức tối thiểu là 15%
Bước 3: Lọc theo tiêu chí chữ “N”
Tiếp theo là yếu tố sản phẩm mới, Ban quản lý mới. Ở đây, chúng ta sẽ chọn lọc ra những cổ phiếu có mức giá trần mới nằm trong khoảng biến động 10% so với giá cao nhất của 52 tuần trước đó.
Với tiêu chí lọc cổ phiếu theo chữ N này thì tùy thuộc vào đánh giá của mỗi nhà đầu tư sẽ có tỷ lệ khác nhau.
Bước 4: Lọc theo tiêu chí chữ “S”
Lựa chọn những cổ phiếu có khối lượng giao dịch, tính thanh khoản cao trung bình mỗi phiên từ 10,000 cổ phiếu trở.
Hạn chế giao dịch những cổ phiếu trên sàn UPCOM vì tiềm ẩn rất nhiều rủi ro mà bạn không biết trước được.
Bước 5: Lọc theo tiêu chí chữ “L”
Lựa chọn những cổ phiếu đứng đầu dựa vào chỉ số RS. Tuy nhiên có những cổ phiếu không phải là cổ phiếu dẫn đầu trong ngành về mặt chỉ số nhưng vẫn có vị thế thương hiệu riêng mà bạn nên cân nhắc. Đa phần các doanh nghiệp lớn ở VN sẽ là những doanh nghiệp đa ngành nên sẽ có tác động nhất định đối với lĩnh vực kinh doanh đó.
Bước 6: Lọc theo tiêu chí chữ “I”
Trong tiêu chí này, bạn sử dụng công cụ từ các trang web uy tín để tra cứu những thông tin về ban lãnh đạo. Nếu xét trong khoảng 1 năm trở lại đây, số lượng cổ phiếu được thành viên trong ban lãnh đạo và cổ đông lớn mua vào nhiều hơn bán ra. Đồng nghĩa, đây là doanh nghiệp tốt, có được sự gắn bó và cống hiến từ bộ máy điều hành.
Bước 7: Tiêu chí theo chữ “M”
Nhận định xu hướng thị trường tìm điểm mua bán thích hợp. Đa số mọi nhà đầu tư đều bỏ qua tiêu chí này mà không biết đây lại là tiêu chí quan trọng nhất trong phương pháp CANSLIM nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư của bạn.
Hãy học cách sử dụng các mẫu hình phân tích kỹ thuật giá phổ biến như: Cốc tay cầm, nền giá phẳng, hai đáy, lá cờ cao thắt chặt,… Khi bạn đã có kinh nghiệm và thành thạo về sử dụng các mẫu hình. Đây chính là lúc bạn hoàn thiện phương pháp CANSLIM và kiếm được lợi nhuận từ các khoản đầu tư của mình.
Trên thực tế, để lọc ra những cổ phiếu để hội tụ đầy đủ 7 yếu tố của CANSLIM là rất khó.
Tuy nhiên, những cổ phiếu hội tụ gần đủ các yếu tố trên là một kết quả không tồi ít ra nó cũng đã đảm bảo cho bạn thiết lập được 1 danh mục ít rủi ro hơn.
Xem thêm:
- Nhà đầu tư nên chọn mua cổ phiếu nào trong năm 2022?
- Các kênh đầu tư uy tín mà bạn nên biết
- Những cách đầu tư thông minh cho nhà đầu tư mới
- Những tư duy đầu tư tài chính cần có để giàu bền vững
Một điều chúng tôi muốn bạn nhớ là, không công cụ nào có thể giúp bạn thành công 100% cả. Mà Vietcap hi vọng qua những hướng dẫn thực hành CANSLIM cơ bản này các bạn có cơ sở để tự hoàn thiện bộ lọc cho riêng mình để chọn ra cổ phiếu tốt nhất. Chúc các bạn thành công!
Powered by Froala Editor