Kinh tế thế giới suy giảm, điều này ảnh hưởng như thế nào tới dòng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam, thưa ông?
Thế giới đang trải qua thời kì suy giảm kinh tế, điển hình là hàng loạt ngân hàng trung ương lớn như BOJ, ECB đều giảm lãi suất xuống âm và đưa ra nhiều hình thức thúc đẩy kinh tế. Kinh tế Trung Quốc cũng đang gặp nhiều khó khăn đáng kể. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến dòng vốn ở các thị trường cận biên và mới nổi - vốn bị coi là nhiều rủi ro cho NĐT.
Trong 1 năm qua, NĐT rút ròng khỏi các thị trường cận biên và mới nổi khá nhiều. Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Và đáng tiếc, tôi cho rằng, trong năm nay, xu hướng này chưa thể dừng lại vì kinh tế thế giới chưa thể phục hồi hoàn toàn. Điều này dẫn đến việc sẽ có ít quỹ mới dành cho thị trường cận biên và mới nổi hơn.
Tuy vậy, tôi vẫn nhấn mạnh rằng, hội nghị đầu tư của Bản Việt vẫn thu hút nhiều NĐT hơn năm ngoái, do NĐTNN vẫn dành sự quan tâm đến thị trường Việt Nam. Thực ra, trong số các quốc gia ASEAN, Việt Nam vẫn là điểm sáng về kinh tế trong năm vừa qua. Tăng trưởng tốt, vĩ mô ổn định, tỷ giá ổn định (so với Malaysia, Indonesia bị phá giá mạnh đồng nội tệ), nên NĐTNN nói chung vẫn muốn tìm hiểu thêm về VN. Tôi tạm gọi đây là “chọn nơi đỡ bị ảnh hưởng nhất trong số những nơi bị ảnh hưởng”.
Các NĐT NN lo ngại những vấn đề gì khi đầu tư vào Việt Nam, thưa ông?
Họ thấy e ngại việc Chính phủ Việt Nam tuy đã ban hành nhiều chính sách mở cửa (như nới room) nhưng lại chưa rốt ráo thực hiện các chính sách này. Dù ban hành từ năm ngoái nhưng đến giờ việc thực hiện vẫn rất chậm chạp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa chú trọng hoặc còn rất kém trong công tác quan hệ NĐT (IR), mặt bằng chung về quản trị doanh nghiệp vẫn chưa cao và đặc biệt hiếm các DN công bố thông tin bằng tiếng Anh. Chính vì thế, nhiều NĐT NN cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam không hồ hởi với việc gọi vốn ngoại, việc mù mờ về thông tin cũng khiến các NĐT NN nản lòng.
Các bạn cần lưu ý, NĐTNN có nhiều lựa chọn để đầu tư, do vậy, nếu Việt Nam không quyết tâm thu hút dòng vốn ngoại thì NĐTNN cũng sẽ nhanh chóng chuyển đến một địa điểm đầu tư khác tiện lợi, dễ dàng hơn cho hoạt động đầu tư của họ.
Vậy còn vấn đề tỷ giá có là yếu tố “cản trở” các NĐT NN hay không, thưa ông?
Không nhiều vì khi đầu tư vào Việt Nam, các NĐT NN đã dự tính trước là VND sẽ mất giá rồi. Tôi cho rằng VND mất giá trong khoảng 1-2% thì không vấn đề gì, khi nào quá 10% thì NĐTNN mới cân nhắc.
Việt Nam cần làm gì để thu hút vốn ngoại nhiều hơn nữa?
Như đã nói ở trên, Việt Nam cần thể hiện thật mạnh mẽ quyết tâm gọi vốn ngoại, các chính sách cần thực thi triệ để hơn. Tương tự, việc CPH DNNN cũng phải thực chất hơn, công bố thông tin minh bạch, rõ ràng, có bản công bố bằng tiếng Anh, theo chuẩn quốc tế…DNNN đang CPH nên chào bán một lượng cổ phần lớn ra công chúng để thu hút NĐT NN.
Ngoài ra, việc giới thiệu một số sản phẩm mới cũng rất quan trọng Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) hay cổ phiếu không có quyền biểu quyết. Đây sẽ là công cụ hữu hiệu cho NĐTNN, đặc biệt các NĐT tài chính bởi họ không quan tâm tới quyền biểu quyết tại doanh nghiệp, họ chỉ muốn sở hữu những cổ phiếu tốt. Chẳng hạn, NĐT NN muốn sở hữu cổ phiếu FPT chẳng hạn trong khi DN này có nhiều ngành nghề bị hạn chế.
Việc triển khai giao dịch T+0 cũng rất tốt, giúp tăng thanh khoản TTCK VN. Nhưng T+0 chưa được áp dụng với NĐTNN nên họ cũng chưa phấn khởi với quyết định này cho lắm.
Các lĩnh vực được các NĐT NN quan tâm tại thị trường Việt Nam là gì, thưa ông?
Họ rất thích ngành tiêu dùng và các lĩnh vực liên quan (như logistics), vì ngành này ở Việt Nam được dự đoán sẽ phát triển mạnh (nhờ dân số trung lưu tăng, dân số trẻ, thu nhập tăng, nhu cầu cao hơn…). Việc Việt Nam gia nhập TPP và AEC càng khiến triển vọng của ngành tiêu dùng sáng sủa hơn, và qua đó thu hút NĐTNN hơn.
Ví dụ điển hình là Vinamilk. NĐTNN sẽ vô cùng hào hứng nếu Vinamilk dc nới room 100%, vì đây là DN có quản trị tốt, thông tin minh bạch, IR tốt và nhiều triển vọng phát triển. Thực tế là các NĐTNN đang khá sốt ruột trông ngóng tin này, Vinamilk nới room là họ sẽ lập tức “nhảy” vào ngay.
Ngược lại, NĐTNN thường không thích ngành bất đống sản, vì ngành này có tính chu kì cao khiến họ “hồi hộp” không biết bao giờ ngành này sẽ lại rơi vào khủng hoảng và làm họ mất vốn. Các cổ phiếu ngân hàng thì dạo này mắc quá, P/B và P/E đều cao, khiến NĐTNN chùn bước (cho dù họ đánh giá cao 1 số NH lớn như Vietcombank).
Phan Hằng