Đó là nhận định của nhiều chuyên gia trong khuôn khổ hội thảo “Vietnam Access day 2017” do Công ty chứng khoán Vietcap tổ chức ngày 28-2 đến 2-3 tại TPHCM.
Các khách mời đang trao đổi bên lề hội thảo Vietnam Access Day 2017. Ảnh: Mai Lương
Theo ông Ngô Vinh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng đầu tư, Vietcap , thị trường M&A năm 2016 đã khá sôi động khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài mua lại hoàn toàn hoặc sở hữu cổ phần chi phối tại nhiều doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam. Trong đó, các thương vụ lớn chủ yếu đến từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan. Cụ thể như Big C được mua bởi Central Group, Lafargeholcim Việt Nam được mua bởi xi măng Siam City (Thái Lan), Nhựa Tân Tiến được mua bởi Dongwon (Hàn Quốc). Ngoài ra, phần vồn của SCIC tại Vinamilk cũng được chuyển nhượng cho F&N (Singapore).
Vietnam Access Day – Hội nghị kết nối đầu tư là sự kiện được tổ chức thường niên của Công ty Chứng khoán Vietcap, với trên 200 nhà đầu tư cá nhân, tổ chức nước ngoài đến tham dự, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam. Tại sự kiện này nhiều doanh nghiệp Việt đã thông tin đến nhà đầu tư nước ngoài tình hình hoạt động cũng như tiềm năng phát triển của công ty mình. |
Hoạt động M&A đã trở nên nóng hơn trong năm 2016 nhờ vào hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được đẩy nhanh. Xu hướng này sẽ tiếp diễn trong năm 2017 khi nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn thuộc các ngành như năng lượng, cơ sở hạ tầng và viễn thông sẽ được cổ phần hóa. Đây là những doanh nghiệp đầu ngành nên nhiều nhà đầu tư mong muốn được sở hữu cổ phần.
Thêm vào đó, ông Tuấn cho biết hiện tại cũng đã có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, các công ty cỡ nhỏ liên hệ với bộ phận ngân hàng đầu tư của Vietcap để tìm các quỹ nước ngoài nhằm gọi thêm vốn. Ông Tuấn cho rằng những công ty khởi nghiệp bước đầu thành công có thể sẽ là tâm điểm của các thương vụ M&A trong các năm tới.
Trao đổi với TBKTSG Online bên lề hội thảo, ông Louis Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM), cho rằng trong các năm trở lại đây Việt Nam có nhiều công ty khởi nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và có nhiều doanh nghiệp đã thành công. Vì vậy, ông Louis Nguyễn cho rằng nhiều nhà đầu tư hiện tại đang có nhu cầu đầu tư trực tiếp vào những doanh nghiệp dạng này, thay vì thông qua các quỹ đầu tư như trước.
Ông Tuấn cho rằng hiện tại nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Thái Lan đang rất quan tâm đến Việt Nam. Đặc biệt trong năm 2017 với hàng loạt doanh nghiệp bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) như Mobifone, PV Oil, Satra, Becamex IDC… thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ có thêm hàng hóa để chọn lựa.
Theo ông Tuấn năm nay những ngành như bán lẻ, tiêu dùng, bất động sản, hạ tầng, năng lượng, viễn thông…sẽ là những ngành hút vốn mạnh. Riêng ngành ngân hàng, ông Tuấn cho rằng vẫn quá sớm để dự báo xu hướng M&A.
Một trong những rào cản khiến nhà đầu tư nước ngoài ngần ngại, theo ông Ông Louis Nguyễn chính là sự thiếu minh bạch trong hoạt động kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp với nhà đầu tư. Điều này khiến nhà đầu tư hào hứng ban đầu và ngày càng chán nản về sau. Vì vậy, doanh nghiệp muốn thu hút vốn qua M&A nên chú trọng sự minh bạch trong hoạt động.
Ngoài ra, để tăng sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường M&A của Việt Nam, ông Tuấn cho rằng nhiều công ty cần được phép nâng sở hữu nước ngoài lên 100%, đồng thời thị trường chứng khoán phải trở thành thị trường mới nổi (EM), thay vì là thị trường cận biên như hiện nay. Điểm mấu chốt cuối cùng và quan trọng, theo ông Tuấn chính là sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đi kèm với sự ổn định của các chỉ số vĩ mô như lạm phát, tỷ giá…