Chuỗi giá trị ngành dầu khí

Chuỗi giá trị ngành dầu khí gồm 3 phân khúc: 1) thượng nguồn (thăm dò và khai thác), 2) trung nguồn (vận chuyển) và 3) hạ nguồn (chế biến và phân phối). Các doanh nghiệp vừa chuyên môn hóa hoạt động kinh doanh của mình vừa hỗ trợ các doanh nghiệp khác trong ngành tạo thành chuỗi giá trị hoàn chỉnh.

Phân khúc thượng nguồn (PVD, PVS):

Phân khúc thượng nguồn bao gồm 1) các nhà thầu dầu khí và 2) các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thăm dò, khai thác. Các doanh nghiệp ở nhóm 1 như Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (VSP), v.v. là chủ sở hữu các mỏ dầu, mỏ khí tại Việt Nam và đều chưa niêm yết trên TTCK Việt Nam. Nhóm 2 bao gồm 2 doanh nghiệp niêm yết tiêu biểu là Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HSX: PVD) và Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS). Các doanh nghiệp này cung cấp các dịch vụ phục vụ hoạt động thăm dò và khai thác mỏ dầu, mỏ khí cho các nhà thầu dầu khí.

PVD là công ty hàng đầu Việt Nam về cung cấp các dịch vụ khoan dầu khí. PVD có thị phần lớn trong tất cả các mảng kinh doanh chính như 50% trong mảng dịch vụ khoan và 55%-100% dịch vụ kỹ thuật dầu khí. PVD sở hữu 4 giàn khoan tự nâng (PVD I, PVD II, PVD III, PVD VI), 1 giàn tiếp trợ khoan (PVD V hoặc TAD) và 1 giàn khoan trên đất liền (PVD 11).

PVS là nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật ngoài khoan hàng đầu trong ngành dầu khí Việt Nam, bao gồm khảo sát địa chấn, cơ khí dầu khí (M&C), vận hành & bảo dưỡng (O&M) và tàu, cảng và kho chứa dầu nổi (FSO/FPSO).

Đặc trưng của các doanh nghiệp thuộc phân khúc thượng nguồn như PVD và PVS là:

  • Giá dầu thô cao là động lực thúc đẩy đầu tư vào hoạt động thăm dò và khai thác, từ đó gia tăng khối lượng công việc và đơn giá dịch vụ cho các doanh nghiệp này.
  • Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này có độ trễ so với giá dầu thô trong ngắn hạn. Do các doanh nghiệp thực hiện công việc theo hợp đồng đã kí kết nên biến động giá dầu thô sẽ được phản ánh khi bắt đầu hợp đồng mới.

Phân khúc trung nguồn (GAS, PVT):

Phân khúc trung nguồn bao gồm 2 doanh nghiệp vận chuyển dầu, khí từ mỏ dầu, mỏ khí vào đất liền là Tổng Công ty Khí Việt Nam (HSX: GAS) và Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (HSX: PVT).

GAS là công ty độc quyền ngành khí Việt Nam, cung cấp khí đầu vào cho 100% nhà máy điện khí, 70% nhà máy sản xuất urê và 100% khu công nghiệp trong nước. Công ty cũng có thị phần 70% trong lĩnh vực bán buôn LPG và có kế hoạch cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Lợi nhuận công ty đến từ phí vận chuyển khí và chênh lệch giá khí khô tiêu thụ và khí ẩm mua vào. GAS được hưởng lợi khi giá dầu tăng cao do giá bán khí được tính theo theo giá dầu nhiên liệu mà giá dầu nhiên liệu có mối tương quan cao với giá dầu Brent.

PVT là doanh nghiệp Việt Nam lớn nhất về mảng vận tải biển cho ngành dầu khí. PVT hiện sở hữu đội tàu chở dầu lớn nhất và nắm 100% thị phần cho mảng vận tải dầu thô cho nhà máy lọc dầu Dung Quất, 30% vận chuyển dầu thành phẩm, 90% LPG, 10% vận chuyển than và 10% FSO. Giá dầu tăng sẽ thúc đẩy nhu cầu khai thác dầu, từ đó thúc đẩy nhu cầu vận tải dầu. Lợi nhuận của PVT phụ thuộc vào giá cước vận chuyển, tuy nhiên giá cước của PVT có độ trễ so với giá cước vận chuyển quốc tế.

Phân khúc hạ nguồn (BSR, PLX):

Hoạt động chính ở phân khúc hạ nguồn là chế biến và phân phối xăng dầu thành phẩm. Việt Nam hiện có 2 nhà máy lọc dầu thô là Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Trong đó, doanh nghiệp vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất là Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (UpCOM: BSR) đã niêm yết trên TTCK Việt Nam. Sau khi các nhà máy lọc dầu này lọc dầu thô thành xăng dầu thành phẩm thì PVT vận chuyển xăng dầu thành phẩm tới các nhà phân phối xăng dầu như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (HSX: PLX) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP (UpCOM: OIL).

BSR là đơn vị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất với công suất vận hành thô là 148.000 thùng/ngày (6,5 triệu tấn/năm) và đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu trong nước. Với vai trò chế biến dầu thô thành xăng dầu thành phẩm, lợi nhuận của BSR phụ thuộc vào biên xăng dầu là chênh lệch giữa giá bán đầu ra của xăng dầu thành phẩm (RON 95, RON 92, v.v.) và giá đầu vào (dầu thô). Giá dầu trong xu hướng tăng sẽ có tác động tích cực tới BSR vì BSR được hưởng lợi từ hàng tồn kho giá rẻ và biên xăng dầu cao.

PLX là công ty hàng đầu trong mảng phân phối sản phẩm xăng dầu với 50% thị phần. PLX có 2.700 trạm COCO (do chính công ty sở hữu và vận hành, bán lẻ) và 2.800 trạm DODO (do đại lý sở hữu và vận hành, bán buôn). Các mảng kinh doanh khác bao gồm hóa dầu (dầu nhờn, nhựa đường), khí hóa lỏng (LPG), vận chuyển xăng dầu, bảo hiểm và ngân hàng. Hoạt động kinh doanh của PLX phụ thuộc nhiều vào quy định của Chính phủ và việc điều hành giá bán lẻ xăng, dầu của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, giá dầu biến động mạnh có thể ảnh hưởng tiêu cực tới việc quản trị hàng tồn kho của PLX, từ đó ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của công ty.

Doanh nghiệp đạm khí (DPM, DCM):

Ngoài các doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào chuỗi giá trị ngành dầu khí, các doanh nghiệp đạm khí cũng được phân loại vào ngành dầu khí do các doanh nghiệp này sử dụng nguồn khí đầu vào từ GAS. Trong đó, 2 doanh nghiệp niêm yết tiêu biểu là Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HSX: DPM) và CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HSX: DCM).

DPM là nhà sản xuất u-rê hàng đầu Việt Nam với thị phần khoảng 35%, đồng thời kinh doanh các mặt hàng phân bón khác (NPK, SA, DAP). Công ty sở hữu nhà máy u-rê Phú Mỹ (công suất 800.000 tấn/năm), nhà máy NPK-NH3 (công suất 250.000 tấn/năm) và mạng lưới phân phối gồm 3.000 điểm bán lẻ.

DCM là một trong hai nhà sản xuất u-rê hàng đầu Việt Nam với thị phần 32%. DCM sở hữu nhà máy u-rê hạt đục với công suất 800.000 tấn/năm và nhà máy NPK với công suất 300.000 tấn/năm.

Giá khí đầu vào của DPM và DCM mua từ GAS và biến động theo giá dầu. Do vậy, giá dầu tăng sẽ làm tăng giá khí đầu vào của 2 doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, giá bán u-rê đầu ra ảnh hưởng bởi giá u-rê thế giới. Giá u-rê thế giới tăng sẽ thúc đẩy lợi nhuận của công ty. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ u-rê tăng khá ổn định ở mức 1 chữ số qua từng năm.

Các doanh nghiệp khác:

Doanh nghiệp phân phối khí thấp áp: HNX: PGC, HSX: PGD, HNX: PGS, HNX: PVG, Công ty cổ phần CNG Việt Nam (HSX: CNG), v.v.

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phụ trợ: Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (HNX: PVC), Công ty cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam (HNX: PVB), HSX: PXS, HSX: PXT, v.v.

Doanh nghiệp khác: Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (UpCOM: PVX), Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí-CTCP (UpCOM: PVE), Công ty Cổ phần Dịch vụ Lắp đặt, Vận hành và Bảo dưỡng Công trình Dầu khí biển PTSC (UpCOM: POS), v.v.

Thuật ngữ thị trường chứng khoán

Tham khảo:

Chuỗi giá trị ngành thủy sản

Phân tích & Báo cáo ngành

Powered by Froala Editor