Biểu đồ giá chứng khoán về cơ bản chỉ chứa 2 thông tin cốt lõi nhất là sự biến động của giá và khối lượng cổ phiếu được khớp lệnh trong phiên. Chỉ từ hai dữ kiện cơ bản ấy mà hàng trăm công cụ phân tích kỹ thuật đã ra đời. Với ưu thế về tính đơn giản và sự phổ biến, hầu hết các công cụ được các trader sử dụng nhiều nhất hiện nay đều là các chỉ báo thuấn về phân tích diễn biến giá như các loại đường MA, Bollinger bands, RSI, MACD… Tuy nhiên, khối lượng giao dịch cũng có thể kể cho chúng ta rất nhiều câu chuyện nếu biết cách quan sát và thấu hiểu chúng. Chỉ báo OBV - On Balance Volume là một chỉ báo nghiêng về phân tích khối lượng giao dịch khi chỉ quan tâm đến giá trong phiên có tăng hay giảm so với ngày hôm qua chứ không chú trọng đến mức độ tăng hay giảm giá. Với cách sử dụng đơn giản và quen thuộc khi khá tương đồng với cách dùng RSI, chỉ báo OBV còn được nhiều trader yêu thích và đánh giá rằng chỉ báo này cho tín hiệu sớm hơn các chỉ báo khác cùng loại. Cùng xem qua bài viết để hiểu thêm về cách tính và cách thức sử dụng chỉ báo trên để đạt hiệu quả tốt nhất khi giao dịch.
Chỉ báo OBV
Các chỉ báo khối lượng và ứng dụng ở bài trước có nhứac đến OBV nhưng bài viết hôm nay sẽ đi sâu hơn. Chỉ báo khối lượng cân bằng (OBV - On Balance Volume) là chỉ báo khối lượng có chức năng đo lường khối lượng giao dịch tích lũy qua các phiên, từ đó cho thấy cổ phiếu đang có xu hướng được MUA hay BÁN. Tính tích lũy của chỉ báo được thể hiện qua cách mà đường OBV được hình thành, nếu phiên hôm nay là một phiên tăng giá thì khối lượng sẽ được cộng thêm vào chỉ số OBV. Ngược lại, khối lượng sẽ được trừ ra khi hôm nay là một phiên giao dịch giảm điểm.
- Khi giá đóng cửa của phiên giao dịch hiện tại > giá đóng cửa của phiên giao dịch trước đó thì giá trị OBV được tính theo công thức.
OBV hiện tại = OBV phiên trước + Khối lượng giao dịch hiện tại
- Khi giá đóng cửa của phiên giao dịch hiện tại < giá đóng cửa của phiên giao dịch trước đó thì giá trị OBV là
OBV hiện tại = OBV phiên trước – Khối lượng giao dịch hiện tại
- Nếu giá đóng cửa phiên hôm trước bằng giá đóng cửa phiên hôm nay thì:
Giá trị OBV trước = Giá trị OBV hiện tại
Ý nghĩa của chỉ báo OBV:
Chỉ báo OBV kể cho chúng ta câu chuyện về khối lượng giao dịch của mã cổ phiếu hay chỉ số chứng khoán ấy trong một thời kỳ.
- Chỉ số OBV có xu hướng tăng khi khối lượng giao dịch của các phiên giảm giá nhỏ hơn khối lượng giao dịch của các phiên tăng giá. Chỉ số OBV tăng biểu hiện lực mua đang lớn hơn lực bán, từ đó giá sẽ có tiềm năng tăng.
- Ngược lại khi chỉ số OBV có xu hướng giảm khi khối lượng giao dịch của các phiên giảm giá lớn hơn khối lượng giao dịch của các phiên tăng giá. Chỉ số OBV giảm xuống biểu hiện lực mua đang yếu hơn lực bán, từ đó giá sẽ có tiềm năng giảm.
- Nếu OBV tăng nhưng giá vẫn giữ nguyên, thậm chí mức giá còn đi xuống. Điều này có nghĩa lực bán đã dần yếu đi, giá sẽ có khả năng tăng trở lại.
- Nếu OBV giảm nhưng giá vẫn giữ nguyên, thậm chí mức giá còn đi lên. Điều này có nghĩa lực mua đã dần yếu đi, giá sẽ có tiềm năng giảm trở lại.
Cách cài đặt OBV trên Master Trade
Bước 1: Đăng nhập tài khoản trên Master Trade thông qua tài khoản Vietcap tại website: https://mt.vcsc.com.vn/board
Bước 2: Chọn hoặc tìm kiếm mã cổ phiếu bạn muốn quan tâm để hiển thị biểu đồ
Bước 3: Chọn vào mục Các chỉ báo => Tìm kiếm => Nhập “OBV” => Chọn Cân bằng khối lượng
Sử dụng chỉ báo OBV - On Balance Volume:
Củng cố xu hướng hiện tại:
Do là một chỉ báo thiên về khối lượng, OBV vẫn sẽ tuân theo nguyên tắc phân tích khối lượng thông thường rằng:
- Nếu giá tăng và khối lượng tiếp tục tăng khiến OBV tăng, điều này cho thấy bên mua vẫn tiếp tục mua vào và xu hướng vẫn sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, điều này càng được củng cố khi độ dốc lên của đường OBV vẫn duy trì hoặc thậm chí tăng thêm.
- Nếu giá tăng nhưng khối lượng không tăng hoặc thậm chí giảm sẽ khiến cho độ dốc của đường OBV giảm dần. Điều này có nghĩa lực mua đang giảm dần.
- Ngược lại nếu giá giảm và độ dốc xuống của đường OBV tiếp tục lớn dần thể hiện cho xu hướng tiếp tục giảm của cổ phiếu hay chỉ số đó.
- Nếu giá giảm nhưng độ dốc của đường OBV thoải dần thể hiện cho lực bán đang yếu dần.
Tín hiệu phân kỳ và hội tụ:
- Tín hiệu phân kỳ xuất hiện khi giá và chỉ số OBV đi theo 2 hướng ngược nhau:
Khi giá đang trong chiều hướng đi lên, mà chỉ số OBV lại giảm, có nghĩa lực bán đang lớn hơn lực mua, lực tăng của giá đang yếu đi, khả năng cao giá sẽ đi ngược xu hướng và đảo chiều giảm.
Chỉ số OBV tăng nghĩa là lực mua đang lớn hơn lực bán mà giá lại trong xu hướng giảm. Điều này cho thấy xu hướng giảm đang yếu đi và có khả năng cao đảo chiều tăng.
- Tín hiệu hội tụ xuất hiện khi giá và chỉ số OBV cùng tăng hoặc cùng giảm:
Khi giá cổ phiếu tăng và đồng thời chỉ số OBV cũng tăng tương ứng, điều này thể hiện khối lượng trong những phiên tăng giá áp đảo so với những phiên giảm giá, thể hiện sự đồng thuận tăng và quán tính tăng sẽ tiếp tục được duy trì. Tương tự, khi giá cổ phiếu giảm và chỉ số OBV giảm, thể hiện sự đồng thuận giảm và quán tiếp giảm sẽ tiếp tục được duy trì. Xem lại: Làm thế nào để áp dụng phân kỳ hiệu quả
Lưu ý khi sử dụng chỉ báo OBV:
- Tương tự như các chỉ báo khác, chỉ báo OBV cần sử dụng chung với các chỉ báo khác để cho ra hiệu quả tối ưu hơn khi sử dụng.
- Do việc biến động của giá chỉ ảnh hưởng đến dấu + hoặc - trong công thức tính mà không xét đến mức độ tăng giảm điểm nên chỉ số OBV không phản ánh được rõ ràng mức độ ảnh hưởng của các đợt tăng giảm điểm mạnh mà cổ phiếu có khối lượng giao dịch ít.
- Việc tính toàn bộ khối lượng của phiên giao dịch vào công thức thay vì tính chi tiết bằng hiệu số lệnh mua bán chủ động khiến cho chỉ số cũng không thể hiện chính xác áp lực mà bên mua và bên bán tạo ra trong phiên giằng co.
Hy vọng với bài viết trên các bạn đã hiểu OBV là gì và cách sử dụng chỉ báo OBV như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất. Từ đó có thể áp dụng thành công chỉ báo này và những kiến thức khác do Vietcap cung cấp vào giao dịch để tìm kiếm lợi nhuận và quản lý rủi ro cho bản thân.
Powered by Froala Editor