Trong trường phái phân tích cơ bản, các nhà đầu tư thường nhắc đến các chỉ số cơ bản của chứng khoán như một cơ sở để chọn lọc cổ phiếu tiềm năng. Theo đó, nhà đầu tư dựa trên báo cáo tài chính, xu hướng ngành cùng với các vấn đề kinh tế xã hội trong nước và thế giới để phân tích, nhận định, đánh giá và dự đoán tình hình tài chính của doanh nghiệp cũng như các nguy cơ và triển vọng của cổ phiếu doanh nghiệp đó trong tương lai.
Tìm hiểu kỹ về các chỉ số cơ bản trong chứng khoán là điều hết sức quan trọng
Nếu như phân tích kỹ thuật dựa vào các chỉ báo phân tích kỹ thuật trong chứng khoán thì đối với phân tích cơ bản, nhà đầu tư sẽ xác định được giá trị tương đối của cổ phiếu trên thị trường, từ đó đưa ra định giá phù hợp đối với doanh nghiệp và tận dụng tối ưu cơ hội đầu tư và sinh lời từ cổ phiếu của doanh nghiệp. Các chỉ số phân tích cơ bản được tóm gọn theo bài viết dưới đây.
Những chỉ số cơ bản của chứng khoán mà nhà đầu tư mới cần lưu ý khi tham gia thị trường
Chỉ số EPS (Earning Per Share)
EPS là chỉ số đại diện cho khoản lợi nhuận mà nhà đầu tư thu được từ một cổ phiếu. Chỉ số này được nhà đầu tư dùng để đánh giá khả năng sinh lời của một cổ phiếu. Cụ thể, EPS càng cao đồng nghĩa với việc nhà đầu tư có khả năng thu được càng nhiều lợi nhuận. Bên cạnh đó, chỉ số này cũng có thể được sử dụng để so sánh kết quả hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp với nhau để nhà đầu tư ra quyết định phù hợp.
Tuy nhiên, một điểm hạn chế của EPS là chỉ số này thường chỉ phản ánh được kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong vòng 4 quý gần nhất. Do đó trong một số trường hợp các doanh nghiệp có thể lợi dụng các thủ thuật làm tăng chỉ số EPS để hấp dẫn những nhà đầu tư mới chưa có nhiều kinh nghiệm, gây ra định hướng lệch lạc trong việc ra quyết định đầu tư.
Chỉ số EPS gồm 2 loại:
EPS cơ bản: mức lợi nhuận cơ bản từ một cổ phiếu trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường
EPS pha loãng: gồm cả cổ phiếu mà công ty đang nắm giữ và cả cổ phiếu ưu đãi hoặc cổ phiếu phát hành thêm và cả trái phiếu chuyển đổi
Chỉ số P/E (Price to Earning ratio)
Chỉ số P/E (Price to Earning ratio) cho thấy mức chi phí mà nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra cho một đồng lợi nhuận thu về từ cổ phiếu. P/E ở mức thấp có thể đến từ nhiều nguyên nhân, do doanh nghiệp đang gặp vấn đề hoặc do định giá thấp, hoặc đang ở vùng đỉnh của chu kì kinh doanh; ngược lại P/E ở mức cao cho thấy triển vọng tốt của doanh nghiệp hoặc do cổ phiếu doanh nghiệp được định giá cao. P/E cũng là một trong các tiêu chí chọn cổ phiếu phổ biến từ nhiều nhà đầu tư.
Chỉ số P/E khá đơn giản và dễ tính toán, giúp nhà đầu tư đánh giá hiệu quả một doanh nghiệp và định giá chính xác cổ phiếu của doanh nghiệp đó. Mặc dù vậy, nhà đầu tư vẫn cần lưu ý rằng chỉ số này rất dễ chịu ảnh hưởng từ các yếu tố khách quan. Do đó, nhà đầu tư cũng cần phải lưu ý xem xét kĩ lưỡng các yếu tố liên quan như khả năng phát triển của doanh nghiệp, P/E chung của ngành, mức độ lạm phát của thị trường…
EPS và P/E nằm trong bài học chứng khoán cơ bản #2 nhà đầu tư có thể xem lại
Chỉ số ROE (Return On Equity)
Chỉ số ROE là tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu, cho thấy lợi nhuận mà doanh nghiệp sẽ thu được từ một đồng vốn chủ sở hữu. Các nhà đầu tư theo trường phái cơ bản thường quan tâm đến chỉ số này bởi đây là chỉ số phản ánh hiệu quả sử dụng đồng vốn của doanh nghiệp.
ROE cao cho thấy doanh nghiệp sử dụng vốn hiệu quả và ngược lại. Tuy nhiên, không chỉ dựa trên mỗi chỉ số này để xem xét việc có nên đầu tư vào doanh nghiệp hay không mà nhà đầu tư cần phải chú ý cân nhắc cả ROE trung bình của doanh nghiệp, thời gian kinh doanh, thời vụ…
Chỉ số ROE quá cao cũng là biểu hiện tiềm ẩn những nguy cơ và rủi ro nhất định do vốn chủ sở hữu quá nhỏ so với mức thu nhập ròng. Do đó nhà đầu tư cần tỉnh táo phân tích và tìm hiểu kĩ càng để tránh những quyết định sai lầm.
Chỉ số ROA (Return On Assets)
Chỉ số ROA thể hiện tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản. Chỉ số này cho thấy khả năng sinh lời trên một đồng tài sản của doanh nghiệp thông qua việc đo lường hiệu quả quản lý tài sản mà không cần quan tâm tới cấu trúc tài chính của doanh nghiệp đó.
Chỉ số ROA cao cho thấy doanh nghiệp sử dụng tài sản hiệu quả nhờ tối ưu được các nguồn lực vốn có. Nhà đầu tư thường dành nhiều sự quan tâm hơn cho những doanh nghiệp có ROA cao. Tuy nhiên nhà đầu tư cũng cần có cái nhìn khách quan về lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp đó, so sánh và cân nhắc với ROA trong những khoảng thời gian khác nhau cũng như giữa các đối thủ cùng trong ngành để có quyết định đầu tư phù hợp nhất. Chỉ số ROE và ROA được Vietcap hay nhắc đến trong Báo cáo phân tích doanh nghiệp.
Các chỉ số chứng khoán phân tích cơ bản quan trọng khác
Ngoài các chỉ số phân tích cơ bản của chứng khoán nêu trên, nhà đầu tư cũng cần chú trọng đến một số chỉ số chứng khoán quan trọng khác bao gồm:
Hệ số thanh khoản: khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp
Chỉ số nợ D/E: cho biết tài sản doanh nghiệp được hình thành dựa trên vốn chủ sở hữu hay các khoản nợ
Cổ tức: phần được trích ra từ lợi nhuận ròng mà doanh nghiệp sử dụng để chi trả định kỳ cho các cổ đông, bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt
Trên đây là một số các chỉ số chứng khoán cơ bản và quan trọng mà nhà đầu tư cần phải xem xét kỹ càng trước khi ra quyết định để bảo toàn nguồn vốn và tối ưu hóa lợi nhuận. Nhà đầu tư mới chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng phân tích chuyên nghiệp có thể tìm tới các chuyên gia tài chính hoặc công ty chứng khoán uy tín để được hỗ trợ tư vấn kiến thức chuyên sâu cũng như tham gia các khóa học chứng khoán bài bản.
Powered by Froala Editor