Thuật ngữ bong bóng kinh tế được nhắc đến như một lời cảnh báo về sự tăng giá quá mức của một loại tài sản vượt xa giá trị thực của nó. Trong lịch sử kinh tế thế giới, hệ quả của những bong bóng kinh tế để lại là vô cùng lớn, mang lại sự sợ hãi cho các nhà đầu tư. Vậy bong bóng tài chính, bong bóng kinh tế là gì? Cách hình thành bong bóng kinh tế sẽ được giải đáp trong bài viết sau.
Bóng bóng kinh tế là gì?
Bóng bóng là một chu kỳ kinh tế được hình thành bởi sự leo thang nhanh chóng giá trị thị trường của một hoặc một loại tài sản. Giá thị trường của tài sản trong chu kỳ bong bóng được đưa lên mức cao hoặc rất cao so với giá trị thực của nó. Hoạt động đầu cơ trong thời điểm này là vô cùng lớn, nhà đầu tư thực hiện việc mua với kì vọng sẽ bán với mức giá cao hơn nữa. Đến một mức giá mà ở đó, không còn khả năng đưa mức giá lên cao hơn nữa, một sự suy giảm lớn xảy ra đẩy giá thị trường của tài sản rơi chóng vánh, đây là giai đoạn sụp đổ hoặc được gọi là vỡ bong bóng.
Thông thường, một bong bóng kinh tế thường được hình thành bởi hoạt động hành vi thị trường quá mức vượt xa các quy chuẩn về đầu tư. Nguyên nhân hình thành của bong bóng vẫn luôn là chủ đề được tranh cãi bởi các nhà kinh tế học, một số nhà kinh tế còn phủ định nguyên lý về bong bóng kinh tế. Tuy nhiên, bong bóng kinh tế thường chỉ có thể xác định được khi nhìn lại, sau khi giá đã giảm mạnh.
Cách một bong bóng kinh tế được hình thành
Bong bóng kinh tế xảy ra bất cứ khi nào giá của một loại hàng hóa, tài sản tăng cao hơn nhiều so với giá trị thực của nó. Sự thay đổi trong hành vi của nhà đầu tư được xem là nguyên nhân chính của việc hình thành bong bóng kinh tế, mặc dù nguyên nhân này vẫn còn đang được tranh cãi vì đặc tính khó dự đoán trước của bong bóng kinh tế.
Khi bong bóng trong nền kinh tế và thị trường chứng khoán được hình thành, mọi nguồn lực như tiền, tín dụng, con người,… trong nền kinh tế sẽ được chuyển sang các ngành có sự tăng trưởng nhanh. Khi bóng bóng kết thúc, các nguồn lực lại dịch chuyển đi sang nơi hiệu quả hơn, khiến giá thị trường của tài sản hậu bong bóng bị suy giảm trầm trọng.
Một nghiên cứu của nhà kinh tế học người Mỹ Hyman P. Minsky giúp giải thích sự phát triển của bất ổn tài chính và đưa ra lời giải thích về đặc điểm của các khủng hoảng tài chính. Thông qua nghiên cứu, Minsky đã xác định năm giai đoạn của bong bóng kinh tế
1/. Chuyển đổi
Giai đoạn này diễn ra khi các nhà đầu tư chú ý đến một mô hình mới, chẳng hạn như một sản phẩm hoặc công nghệ mới hoặc đơn giản chỉ là một mức lãi suất thấp lịch sử. Về cơ bản, đây có thể là bất cứ thứ gì có thể thu hút được sự chú ý của họ.
2/. Bùng nổ
Giá bắt đầu tăng, thêm vào đó nhiều nhà đầu tư mới bắt đầu tham gia vào thị trường. Điều này tạo tiền đề cho sự bùng nổ. Nhìn chung, sẽ có hiệu ứng cảm giác thất bại nếu không tham gia thị trường (FOMO), buộc nhiều nhà đầu tư phải bắt đầu tham gia và mua nhiều hơn.
3/. Hưng phấn
Khi tài sản gia tăng không ngừng, sự hưng phấn bắt đầu tăng vọt. Nhà đầu tư bắt đầu bỏ ngoài tai mọi sự cảnh báo, bỏ qua sự thận trọng và tiếp tục giao dịch nhiều hơn với mọi nguồn lực sẵn có.
4/. Chốt lời
Tìm ra thời điểm bong bóng vỡ không dễ dàng, nhưng khi bong bóng đã vỡ thì nó sẽ không phồng lên nữa. Những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm sẽ có thể ước tính được khi nào bong bóng được bơm phồng và bán ra sớm.
5/. Hoảng loạn
Đây là giai đoạn sụp đổ hoặc vỡ bong bóng, giá trị tài sản bắt đầu đảo chiều và giảm (đôi khi nhanh như khi cách chúng tăng). Các nhà đầu tư muốn thanh lý tài sản bằng mọi giá để thu tiền về nhanh chóng, cung sẽ lớn hơn cầu làm giá thị trường của tài sản giảm mạnh.
Xem thêm:
- Suy thoái kinh tế là gì? Biểu hiện và hậu quả
- Nhóm ngành nào hưởng lợi từ lạm phát tăng cao?
Lời kết
Một đợt gia tăng nhanh chóng giá trị tài sản là điều mà nhà đầu tư mong muốn, tuy nhiên việc gia tăng quá nóng có thể dẫn đến một bong bóng kinh tế mà hậu quả của nó có thể kéo dài đến nhiều năm sau này. Nhà đầu tư không thể nhận biết được khi nào một quả bong bóng kinh tế sẽ được hình thành và vỡ tung, mọi thứ bạn có thể làm là chuẩn bị và hành động cho những gì có thể xảy ra tiếp theo bằng việc nâng cao kiến thức thị trường của mình.
Việc nhận biết và tận dụng được những đợt tăng giá mạnh trong bong bóng kinh tế sẽ giúp bạn gia tăng tài sản đáng kể, nhưng cũng cần phải kiểm soát những gì bạn làm thật chặt chẽ. Bạn có thể tham khảo thêm một số bong bóng đã vỡ trong lịch sử để rút ra bài học như: bong bóng hoa Tulip, bong bóng kinh tế Nhật Bản (thập niên 1980), bong bóng dot-com (thập niên 1990), bong bóng nhà đất Mỹ (2008)…. Mong rằng những kiến thức này sẽ giúp bạn hiểu thêm về bong bóng kinh tế, chúc bạn thành công
Powered by Froala Editor