RSI là chỉ báo gì trong phân tích chứng khoán?

Chỉ báo RSI (Relative Strength Index) là chỉ báo động lượng dùng để xác định xu hướng tiếp diễn của cổ phiếu. Đây là một chỉ báo thông dụng được biểu hiện dưới dạng dao động (một đường dao động giữa 2 biên) từ 0 đến 100 mà ở đó dao động dưới 30 điểm được gọi là quá bán và dao động trên 70 điểm là quá mua. Ở vùng quá bán 30 điểm, cổ phiếu được cho là đã bị bán quá nhiều và sẽ có xu hướng đảo chiều tăng. Ở vùng 70 điểm, cổ phiếu được cho là được mua quá nhiều và sẽ có xu hướng đảo chiều giảm. Đó là những gì chỉ báo thể hiện, nhưng để có thể sử dụng tốt được chỉ báo RSI thì hãy đi vào tìm hiểu thêm về công cụ này qua bài viết.

Công thức chỉ báo

Chỉ báo RSI được tính qua 2 bước:

Đầu tiên tính chỉ số sức mạnh tương đối, chỉ số này được tính bằng cách chia trung bình ngày tăng cho trung bình các ngày giảm trong 1 chu kỳ 

RS (Relative Strength) =  (average gain)/(average loss)

Sau khi đã tính được chỉ số sức mạnh tương đối, sử dụng công thức sau là đã tính giá trị RSI hiện tại

RSI = 100  -  100/(1+RS)

Chỉ báo RSI thường sẽ có chu kỳ là 14 ngày, tức là sẽ dùng dữ liệu của 14 ngày trước để tính ra giá trị RSI, tùy theo mức độ am hiểu và độ rộng của phân tích mà nhà đầu tư có để điều chỉnh chu kỳ của RSI.

Hàm ý của chỉ báo RSI trong phân tích chứng khoán

Như đã đề cập ở phần giới thiệu chỉ báo, chỉ báo RSI thường được diễn giải dưới dạng đường xu hướng trong biên độ từ 0  – 100 điểm. Ở vùng dưới 30 điểm, giá cổ phiếu được xem là quá bán và có khả năng sẽ đảo chiều tăng, và ở vùng trên 70 điểm, giá cổ phiếu được xem là quá mua và có khả năng đảo chiều tăng.  

Ở vùng trung bình, tức 50 điểm, nhà đầu tư có thể xem đó là vùng hỗ trợ/kháng cự mà ở đó khi chỉ báo RSI giảm từ vùng quá mua xuống vùng 50 điểm được xem là hỗ trợ, nhà đầu tư có thể cân nhắc vị thế mua vào. Và khi chỉ báo RSI tăng từ vùng quá bán lên vùng 50 điểm, nhà đầu tư có thể cân nhắc vị thế bán ra.

Tuy nhiên, việc hiểu và sử dụng RSI theo các vùng 30, 50 và 70 điểm có thể gây ra những quyết định sai lầm đòi hỏi người phân tích phải có góc nhìn khác về chỉ báo RSI.

Cách dùng chỉ báo RSI hiệu quả trong đầu tư chứng khoán

Sử dụng theo xu hướng

Như cách ta phân loại chỉ báo RSI là một chỉ báo động lượng, nhằm xác định xu hướng tiếp diễn của giá, thì tùy theo xu hướng của giá mà ta sẽ có cách sử dụng khác nhau. Như ví dụ bên dưới về cổ phiếu HPG, trong xu hướng tăng giá, chỉ báo RSI thường sẽ không chạm vùng 30 điểm trở xuống, nên ở những vùng RSI dưới 40 nhà đầu tư có thể lựa chọn vị thế mua vào.

Ngược lại, trong xu hướng giảm của cổ phiếu, RSI ở trên vùng 60 hoặc 70 điểm (tùy theo khẩu vị rủi ro) mà nhà đầu tư có thể lựa chọn việc bán ra/chốt lời. Việc cân nhắc những vị thế mua vào ở vùng RSI dưới 30 điểm cũng có thể là một chiến thuật tốt, nhưng đòi hỏi sự nghiên cứu tỉ mỉ.

Vẽ xu hướng cho đường RSI

Ta có thể vẽ các đường xu hướng cho chỉ báo RSI để xác định điểm mua và bán.

Trong xu hướng giảm của RSI, thì đường xu hướng sẽ là kháng cự mà ở đó khi đường RSI phá vỡ đường kháng cự sẽ cho điểm mua.

Ngược lại, trong xu hướng tăng của RSI, đường xu hướng sẽ là hỗ trợ, khi đường RSI phá đường hỗ trợ báo hiệu điểm bán.

Sử dụng chỉ báo RSI phân kỳ

Chỉ báo RSI phân kỳ giúp nhà đầu tư xác định những điểm mà ở đó xu hướng đảo chiều sẽ diễn ra.

Khi xu hướng của chỉ báo RSI giảm, nhưng giá cổ phiếu tăng => RSI phân kỳ âm, cổ phiếu có khả năng sẽ đảo chiều giảm.

Khi xu hướng của chỉ báo RSI tăng, nhưng giá cổ phiếu giảm => RSI phân kỳ dương, cổ phiếu có khả năng sẽ đảo chiều tăng.

 

Xem thêm:

- Bollinger bands là gì? Cách sử dụng Bollinger bands

- Đường MA200 và ý nghĩa khi giao dịch cổ phiếu

Hạn chế của RSI trong phân tích chứng khoán

RSI là một công cụ hữu ích, cách dùng đơn giản và rất phổ biến. Tuy nhiên, như các chỉ báo khác, RSI cũng có những hạn chế nhất định.

Như việc sử dụng các vùng quá bán (dưới 30 điểm) và vùng quá mua (trên 70 điểm) để xác định điểm mua và bán có thể gây ra những quyết định sai lầm cho nhà đầu tư, vì trong các ví dụ trên ta có thể thấy trong xu hướng tăng khi RSI vượt qua vùng 70 sau đó giảm thì giá cổ phiếu vẫn tiếp tục tăng chạm các đỉnh mới, RSI cũng ở mức trên 70. 

Ngược lại, ở xu thế giảm, RSI dưới 30 điểm, tạo đáy và bật tăng, nhưng sau đó giá vẫn tiếp tục giảm tạo đáy mới và RSI tiếp tục dưới 30 điểm. 

Những kỹ thuật tương tự cũng chỉ có thể chính xác ở trong ngắn hạn, nên nhà đầu tư phải kết hợp chỉ báo RSI với các chỉ báo khác để có thể cho ra kết quả tốt hơn.

Chứng khoán Vietcap là một trong số những đơn vị tài chính tiên phong trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào hệ sinh thái sản phẩm số. Chỉ với vài thao tác đăng ký mở tài khoản chứng khoán online, nhà đầu tư đã sở hữu một tài khoản chứng khoán hoàn toàn miễn phí và được nhân viên môi giới liên hệ hỗ trợ tận tình trong vòng 24h sau khi mở tài khoản.

Powered by Froala Editor