Thị trường chứng khoán ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư từ khắp các ngành nghề, lĩnh vực trong xã hội. Thuật ngữ tự doanh từ đó cũng trở nên phổ biến trong các cuộc trò chuyện và trao đổi trên các diễn đàn và các buổi gặp mặt nhà đầu tư. Vậy Tự doanh chứng khoán là gì? Những đặc điểm và mục đích của hoạt động tự doanh tại các công ty chứng khoán sẽ được Vietcap làm rõ trong bài viết dưới đây.

1/ Tự doanh chứng khoán là gì?

Tự doanh chứng khoán là gì? Đặc điểm và mục đích của tự doanh chứng khoán

Theo khoản 30 Điều 4 Luật chứng khoán giải thích: Tự doanh chứng khoán là việc công ty chứng khoán (CTCK) mua, bán chứng khoán cho chính mình.

Như vậy, tự doanh chứng khoán được hiểu là một nghiệp vụ tại công ty chứng khoán. Trong đó, công ty chứng khoán đứng vai trò là nhà đầu tư, trực tiếp thực hiện mua, bán chứng khoán cho chính mình nhằm thu lại lợi nhuận từ hoạt động đầu tư và giao dịch chứng khoán. Có hai trường hợp mà công ty chứng khoán thực hiện giao dịch nhưng không được xem là hoạt động tự doanh:

  • Mua hoặc bán chứng khoán vì sửa lỗi sau khi giao dịch.
  • Mua hoặc bán cổ phiếu quỹ.

2/ Đặc điểm nghiệp vụ tự doanh

Thứ nhất, hoạt động tự doanh của công ty chứng khoán có tính chuyên nghiệp cao. Tính chuyên nghiệp được thể hiện trước hết ở bản thân cá nhân thực hiện các giao dịch tự doanh. Các hoạt động tự doanh của CTCK luôn mang tính chiến lược, có định hướng đồng thời dựa vào các phân tích thị trường và mục tiêu trong từng giai đoạn hoạt động mà CTCK có thể đưa ra các chiến lược đầu tư và chính sách quản trị danh mục đầu tư một cách phù hợp nhất.

Đặc điểm và mục đích của tự doanh chứng khoán

Thứ hai, công ty thực hiện mua bán chứng khoán dưới danh nghĩa là nhà đầu tư, thu lợi trực tiếp từ chênh lệch giá cổ phiếu và lợi tức từ các khoản đầu tư mang lại. Đồng thời, do là hoạt động trực tiếp đầu tư nên luôn chứa đựng nhiều rủi ro đi kèm.

Thứ ba, quy mô đầu tư của nghiệp vụ tự doanh chứng khoán của các công ty thường rất lớn và đa dạng, hướng tới nhiều thị trường, ngành nghề khác nhau. Dựa vào những lợi thế có được của một tổ chức tài chính trung gian các CTCK có khả năng tìm ra những cơ hội đầu tư với chi phí thấp nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư để giảm thiểu rủi ro.

3/ Hình thức thực hiện tự doanh chứng khoán

Để thực hiện tự doanh chứng khoán, các công ty chứng khoán có thể lựa chọn 1 trong 2 hình thức giao dịch chính bao gồm:

  • Giao dịch trực tiếp: Là hình thức giao dịch tay đôi giữa 2 công ty chứng khoán hoặc giữa công ty chứng khoán với khách hàng hay nhà đầu tư thông qua thương lượng. Đối tượng áp dụng hình thức này là chứng khoán đăng ký giao dịch trên thị trường OTC. Một số ví dụ về thực hiện tự doanh trực tiếp như: đấu giá cổ phiếu, mua cổ phiếu OTC, thực hiện thỏa thuận cổ phiếu niêm yết, mua cổ phiếu IPO.
  • Giao dịch gián tiếp: Công ty chứng khoán ở vị trí khách hàng, nhà đầu tư tự đặt lệnh giao dịch mua bán chứng khoán trên Sở Giao dịch. Lệnh của các công ty chứng khoán này có thể được thực hiện với bất kỳ khách hàng không được xác định trước.

Xem thêm:

tự doanh chứng khoán
4/ Mục đích của hoạt động tự doanh chứng khoán

Đối với công ty chứng khoán, mục đích của hoạt động tự doanh là thu về lợi nhuận thông qua các hoạt động đầu tư và giao dịch chứng khoán. Bên cạnh đó, hoạt động tự doanh còn thực hiện thêm các chứng năng khác có thể kể ra như:

Kinh doanh góp vốn: Bằng việc mua cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi hay kèm quyền chuyển đổi, các CTCK đầu tư vào các CTCP và trở thành cổ đông. Vì vậy, các CTCK phải tuân thủ các quy định pháp lý đối với các cổ đông lớn và hạn mức được phép đầu tư hùn vốn vào một CTCP.

Can thiệp bảo vệ giá: Khi giá chứng khoán bị biến động bất lợi do tình hình hoạt động chung của thị trường, các công ty chứng khoán thực hiện các giao dịch mua bán nhằm ổn định lại thị trường theo yêu cầu can thiệp của cơ quan quản lý và tự bảo vệ mình hay khách hàng của mình khi thực hiện các đợt phát hành hay bảo lãnh phát hành.

5/ Các yêu cầu và quy định trong hoạt động tự doanh chứng khoán

Hoạt động tự doanh chứng khoán đóng góp một phần đáng kể vào lợi nhuận của công ty chứng khoán, vì vậy luôn được các công ty chú trọng. Tuy nhiên, không phải công ty chứng khoán nào cũng đủ điều kiện thực hiện các hoạt động tự doanh, pháp luật cũng quy định rất rõ các nội dung cần đáp ứng khi thực hiện các hoạt động tự doanh này.

  • Phải tách biệt quản lý: Khi thực hiện đồng thời 2 nghiệp vụ môi giới chứng khoán và tự doanh chứng khoán, các công ty chứng khoán cần phải tách biệt 2 hoạt động này. Việc tách biệt này bao gồm vốn, tài sản, con người, quy trình nghiệp vụ.
  • Phải ưu tiên khách hàng: Cần tuân thủ nguyên tắc ưu tiên quyền lợi khách hàng để đảm bảo sự công bằng khi giao dịch chứng khoán. Các lệnh giao dịch chứng khoán của khách hàng cần xử lý trước lệnh công ty.
  • Bình ổn giá thị trường: Theo như quy định của pháp luật, các công ty chứng khoán hoạt động tự doanh nhằm thực hiện bình ổn giá trên thị trường chứng khoán.
  • Hoạt động tạo tính thanh khoản trên thị trường: Khi các chứng khoán mới được phát hành và chưa có thị trường giao dịch. Các công ty cần hoạt động tự doanh thông qua mua bán chứng khoán để tạo tính thanh khoản ở thị trường cấp 2.

Thuật ngữ thị trường chứng khoán cần nắm bắt trước khi tham gia thị trường

Như vậy, chúng ta đã tìm hiểu qua các khái niệm cũng như các đặc tính của hoạt động tự doanh chứng khoán. Nhà đầu tư có thể tham khảo các thông tin tự doanh này để hỗ trợ việc đưa ra quyết định đầu tư của bản thân, từ đó nâng cao hiệu suất đầu tư và thu được nhiều lợi nhuận hơn trong tương lai.

Powered by Froala Editor