Lần lượt Credit Suisse, HSC, Vietcap đều đưa ra dự báo tích cực về kết quả kinh doanh của Masan và nâng giá mục tiêu cổ phiếu MSN. Vietcap đưa ra định giá mục tiêu của MSN ở mức 172.000 đồng/cp trong báo cáo gần nhất vào ngày 16/8.
Giá đóng cửa của MSN vào ngày 16/8 ở mức 133.500 đồng/cp. Trong một tháng gần nhất, khi thị trường rung lắc dữ dội, VN-Index mất 7%, MSN vẫn là một trong những cổ phiếu giữ được đà đi lên khi tăng giá 13%. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, MSN tăng giá gần 40%, vượt trội so với mức tăng 15% của VN-Index.
Với những nền tảng tích cực đã đạt được cùng triển vọng khả quan trong thời gian tới, Masan được kỳ vọng sẽ còn đem lại thêm quả ngọt cho nhà đầu tư. Mới đây, một loạt công ty chứng khoán, tổ chức uy tín đều nâng giá mục tiêu cổ phiếu MSN.
Giá mục tiêu MSN lên đến 172.000 đồng/cổ phiếu
Với mảng kinh doanh bán lẻ, Vietcap tỏ ra lạc quan với triển vọng của VinCommerce (công ty con của Masan và là đơn vị vận hành chuỗi VinMart, VinMart+). 2.504 cửa hàng VinMart+, tương đương 91% tổng số cửa hàng, đã ghi nhận biên EBITDA dương trong tháng 6 vừa qua. Cùng kỳ năm trước, mới chỉ có 827 cửa hàng đạt EBITDA dương. Song song đó, doanh thu bán hàng trên mỗi m2 của VCM cũng đang trên đà tăng trưởng.
Triển vọng lạc quan của cổ phiếu Masan trong mắt các tổ chức lớn - Ảnh 1.
Vietcap khẳng định quan điểm lạc quan về việc MSN tiếp tục nắm bắt mức tăng trưởng tiêu dùng dài hạn của Việt Nam bởi Tập đoàn đang sở hữu các doanh nghiệp tiêu dùng hàng đầu với quy mô lớn trong lĩnh vực FMCG, thịt có thương hiệu và bán lẻ nhu yếu phẩm. Do đó, trong báo cáo ngày 16/8, CTCK Vietcap đã tiếp tục khuyến nghị Mua cổ phiếu MSN. VCSC đã đưa ra giá mục tiêu MSN ở mức 172.000 đồng, cao hơn 28,8% so với giá thị trường (133.500 đồng/cp) và cao hơn 21% so với giá mục tiêu đã khuyến nghị ở báo cáo trước đó (142.500 đồng/cp).
Trước đó, trong báo cáo phát hành ngày 10/8, Credit Suisse kỳ vọng giá mục tiêu của cổ phiếu MSN ở mức162.000 đồng.
Theo phân tích của các chuyên gia từ Credit Suisse, các mảng kinh doanh chính của Masan đều đang trên đà tăng trưởng tốt, hứa hẹn gặt hái nhiều kết quả tích cực trong những tháng cuối năm, đặc biệt là hàng tiêu dùng, bán lẻ.
Với ngành hàng tiêu dùng nhanh, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm mì gói và gia vị tiếp tục tăng trong quý III. Đây là xu hướng tất yếu khi người tiêu dùng tiếp tục nấu ăn tại nhà trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều thành phố lớn duy trì giãn cách xã hội. Trong quý III, dự kiến doanh số của Masan Consumer Holdings (MCH) tăng 45% so với cùng kỳ 2020. Đà tăng trưởng doanh thu của MCH có thể đạt mốc 2 chữ số trong 6 tháng cuối năm.
Trong mảng bán lẻ, VinCommerce được dự báo tiếp tục gặt hái thành công nhờ xu hướng chuyển từ mua sắm tại chợ truyền thống sang kênh hiện đại và trực tuyến của người tiêu dùng.
Ngay trong tháng 7, các cửa hàng bán lẻ của VCM đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh số bán hàng (SSSG) 11% so với tháng trước do nhu cầu mua sắm nhu yếu phẩm tăng cao trong thời gian giãn cách xã hội. Ngoài ra, mảng bán hàng trực tuyến tiếp tục phát đi những tín hiệu tích cực. Ban điều hành Masan đang kỳ vọng sẽ tăng tốc mảng online trong thời gian ngắn thông qua mối hợp tác chiến lược với Lazada.
Gặt hái thành công nhờ chiến lược "Đặt người tiêu dùng làm trọng tâm"
Theo phân tích của công ty chứng khoán HSC, kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2021 của Masan vượt xa kỳ vọng và các con số của 6 tháng cuối năm dự kiến sẽ còn tích cực hơn nữa nhờ chiến lược đúng đắn, đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng.
Khi các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt kéo dài, nhu cầu sử dụng thực phẩm đóng gói trên thị trường tăng vọt. Theo Kantar Worldpanel, doanh số của thực phẩm đóng gói tăng 35% trong 2 tuần đầu của tháng 7 (so với cùng kỳ năm trước) do người dân có xu hướng dự trữ thực phẩm trong bối cảnh hàng quán đóng cửa. Ngoài ra, nhiều sản phẩm như thịt chế biến, mì gói cũng được người dân tích trữ nhiều hơn. Đây đều là những ngành hàng Masan đang nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường.
Để bảo vệ người tiêu dùng và chuỗi cung ứng, Masan đã gấp rút đề xuất Bộ Y Tế, Bộ Công Thương ưu tiên tiêm vaccine cho các nhân viên bán lẻ và công nhân tại nhà máy. Đã có hơn 10.000 nhân viên của Masan đã được tiêm vaccine phòng dịch COVID-19. Mặt khác, Tập đoàn này đãđề xuất Thủ tướng và lãnh đạo địa phương cho phép lập "vùng đệm" xung quanh nhà máy. Vùng đệm này có thể là các trường học, trường dạy nghề, kho, sân vận động, nhà thi đấu… ở gần nhà máy. Tại đây, lao động vừa có thể ăn nghỉ, giãn cách và thực hiện thực hiện tốt các quy định về phòng tránh dịch bệnh.
Các sáng kiến thu hút khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm và gia tăng lợi ích cho người tiêu dùng được Masan thực hiện đã giúp VCM nhanh chóng tăng tốc. Tại các cửa hàng VinMart+ theo mô hình mới, hơn 40% diện tích quầy kệ được dành cho hàng tươi sống. Từ ngày 26/7, VinCommerce tặng gói bảo hiểm "Khỏe mạnh trong mùa dịch" với tổng quyền lợi lên tới 40 triệu đồng cho tất cả các khách hàng của VinMart và VinMart+ khi mua sắm với hóa đơn từ 300.000 đồng.
Không chỉ có mặt ở 2 đô thị lớn Hà Nội và TPHCM, mô hình kiosk Phúc Long bên trong cửa hàng VinMart+ vừa xuất hiện ở Bắc Giang, thành phố cấp 2, và sớm thu về những tín hiệu tích cực. Đây là tiền đề để ban lãnh đạo Masan đẩy nhanh việc phát triển hệ thống kiosk Phúc Long.
Với Masan MEATLife (MML), BVSC nhìn nhận sản lượng thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là thức ăn cho lợn tăng đáng kể nhờ việc tái đàn trên cả nước trong khi thức ăn gia cầm và thủy sản cũng tăng lên. Song song đó, sản phẩm thịt mát của MML cũng tăng trưởng tốt khi người tiêu dùng chuyển đổi từ thịt tươi sang thịt đóng gói có thương hiệu cùng với quá trình dịch chuyển kênh mua sắm từ truyền thống sang hiện đại.
Còn về mảng kinh doanh vật liệu công nghiệp, sự phục hồi của hoạt động kinh tế toàn cầu đã khiến giá kim loại tăng mạnh, giúp Masan High-Tech Materials đạt mức hồi phục ấn tượng trong nửa đầu năm 2021.
Nhờ vào tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ ở tất cả các mảng kinh doanh, ban điều hành Masan Group chia sẻ với các nhà đầu tư trong cuộc họp ngày 2/8, doanh thu hợp nhất quý III có thể tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Powered by Froala Editor