Nếu bạn quan tâm và đầu tư trên thị trường chứng khoán và là một người khao khát học hỏi từ những bậc thầy đầu tư, chắc hẳn bạn sẽ nghe nhắc tới tên nhà đầu tư huyền thoại Jesse Livermore.
Vậy Jesse Livermore là ai? Và trong cuốn sách ”Jesse Livermore Nhà đầu tư chứng khoán vĩ đại” chứa đựng những nội dung cũng như bài học sâu sắc nào cho các nhà đầu tư? Hãy cùng tôi tìm hiểu trong bài viết bên dưới nhé.
Jesse Livermore là con gấu vĩ đại của phố Wall, một huyền thoại đầu tư chứng khoán. Từ những thương vụ thành công gây chấn động đến những quyết định liều lĩnh dẫn đến phá sản, cuộc đời đầy thăng trầm của ông chỉ xoay quanh thị trường. Đầu tư chứng khoán là công việc và niềm đam mê duy nhất suốt hơn 60 năm của ông.
Sau gần 100 năm kể từ lần xuất bản đầu tiên, Jesse Livermore Nhà đầu tư chứng khoán vĩ đại vẫn là tác phẩm được khuyến nghị đọc nhiều nhất trong giới đầu tư. Nhiều thế hệ độc giả nhận thấy rằng, cuốn sách dạy cho họ nhiều điều về thị trường và con người hơn cả kinh nghiệm giao dịch nhiều năm của chính họ. Đây là một câu chuyện vượt thời gian, giúp làm phong phú thêm cuộc sống và cả danh mục đầu tư của bạn.
Thông qua cuốn sách và cuộc đời của Jesse Livermore bạn có thể thấy rõ được hành trình đầu tư, những sai lầm cũng như bài học để đời và dẫn dắt ông tới thành công vượt bật. Bạn sẽ bắt gặp chính bản thân mình và chính những sai lầm mình cũng đã mắc phải, đó cũng là bài học vô giá mà bạn cần vượt qua để vươn tới thành công.
“Một tác phẩm kinh điển mà mọi nhà đầu tư phải đọc, dù là người mới tham gia thị trường hay dày dạn kinh nghiệm.” William O’Neil, nhà sáng lập kiêm chủ tịch của Investor’s Business Daily.
Trong bài tóm tắt này tôi sẽ đề cập đến những nội dung chính:
- Giá luôn luôn thay đổi và những quy luật của giá
- Bài học về mua cổ phiếu và nắm giữ thật chặt trong thị trường giá tăng.
- Thành công chỉ thực sự đến khi bạn mua cổ phiếu với chính những phân tích của mình chứ không phải của một ai khác.
- Hoàn tất chiến lược giao dịch và vụ giao dịch đem lại hơn 1 triệu đô.
- Xu hướng giá ít trở ngại nhất – đường kháng cự yếu nhất.
- Tâm lý trong giao dịch: hi vọng và lo sợ
- Bài học về giao dịch với số lượng lớn.
- Điểm yếu tâm lý và thương vụ bông mất hàng triệu đô la với Percy Thomas.
- Bị Dan Williamson lợi dụng và bỏ lỡ cơ hội khi thị trường có biến động lớn.
- Giao dịch đầu cơ giá tăng 1915 – 1916 trả toàn bộ số nợ hơn một triệu đô la.
- Thao túng phân phối cổ phiếu ra công chúng với giá cao
1/. Giá luôn luôn thay đổi và những quy luật của giá.
Giá luôn luôn thay đổi. Jesse có thể nhớ chi tiết giá đã biến động như thế nào vào ngày hôm trước, ngay trước khi chúng tăng hoặc giảm. Giá cổ phiếu có thể tuân theo những quy luật nhất định. Và bằng việc quan sát giá cổ phiếu hàng trăm lần ông đã có thể dự đoán được những động thái về giá.
Chẳng bao lâu sau ông nổi tiếng là cậu bé đầu cơ và các công ty chứng khoán chui thời điểm đó đã cấm cửa và không giao dịch với ông.
Khi 15 tuổi lần đầu tiên ông kiếm được khoản lợi nhuận 1.000 đô la. Và kiếm được 10.000 đô la ở độ tuổi 20.
Theo tính toán chính xác thì số lần Jesse đúng là bảy trên 10. Điều đánh bại ông chính là sự thiếu sáng suốt và kỷ luật để tuân thủ đúng nguyên tắc của mình – tức là, chỉ sẵn sàng tham gia thị trường khi đủ hài lòng với các điều kiện cho thấy sự thuận lợi với quyết định của mình.
21 tuổi Jesse đến New York, đem theo toàn bộ gia tài của mình và thua lỗ hết tất cả vì khi giao dịch trên Sàn chứng khoán lớn. Ông không quen với việc giá khớp lệnh của mình luôn đến sau và giá bị trượt khỏi giá ông muốn đặt, luôn lớn hơn khi mua và luôn nhỏ hơn khi bán. Bảng tin báo giá chậm hơn so với diễn biến thị trường. Nó không còn giống như việc giao dịch ở các sàn chứng khoán chui mà ông đã từng tham gia trước đây, giá luôn luôn khớp đúng với giá mà ông muốn đặt.
Ông phá sản lần thứ nhất. Ông đã quay trở về quê nhà, bắt đầu giao dịch lại với các văn phòng công ty chứng khoán chui, nhưng những điều đó sẽ không giúp ông kiểm được 1 gia tài lớn. Và niềm khao khát thành công lại thôi thúc ông quay trở lại New York.
2/. Bài học về mua cổ phiếu và nắm giữ thật chặt trong thị trường giá tăng.
Bài học rút ra từ việc chốt lời và mua vào khi giá điều chỉnh. Ai cũng làm vậy, và đó chính xác là những gì mà Jesse đã làm, hay ít nhất là cố gắng để làm được. Nhờ vậy, ông chốt lời và chờ đợi một đợt điều chỉnh không bao giờ xảy ra. Ông chứng kiến cổ phiếu của mình tăng thêm 10 điểm và ông vẫn án binh bất động với khoản lợi nhuận chắc chắn 4 điểm trong túi. Người ta nói rằng chốt lời không bao giờ sai. Không, bạn không sai. Nhưng bạn không bao giờ giàu lên với bốn điểm lợi nhuận trong một thị trường tăng giá. Lẽ ra ông đã kiếm được 20.000 đô la nhưng ông chỉ kiếm được hai ngàn đô la. Đó chính là kết quả của sự bảo thủ.
Một bài học đáng giá và kinh nghiệm đúc kết cả đời của một nhà giao dịch lão luyện là hãy giữ vững vị thế của mình trong một thị trường giá tăng. Việc đánh mất vị thế là một việc không ai có thể chấp nhận được.
Không ai có thể nắm được tất cả những biến động lên xuống của thị trường. Trong khi thị trường tăng giá thì việc của bạn chính là mua vào và sau đó giữ lại cho đến khi bạn tin rằng thị trường tăng giá đã gần đến hồi kết thúc. Để làm được việc này bạn cần nghiên cứu những điều kiện chung của thị trường thay vì nghe theo các nguồn tin nội bộ hay những yếu tố đặc biệt ảnh hưởng đến các cổ phiếu riêng lẻ. Sau đó bán ra toàn bộ số cổ phiếu của bạn, bán cho tất cả những ai muốn nắm giữ! Đợi cho đến khi bạn nhận ra – hoặc cho đến khi bạn nghĩ mình thấy được thị trường đảo chiều. Nghĩa là bắt đầu xuất hiện sự đảo chiều của các điều kiện chung. Để làm được điều này bạn cần sử dụng trí não và tầm nhìn của mình.
Hãy bỏ ngoài tai những lời khuyên của mọi người và nó cũng sẽ giúp bạn tránh được cả sự thiếu kiên nhẫn. Đặt niềm tin vào những phán đoán của bản thân, nếu không có lòng tin vào chính mình thì bạn sẽ khó tiến xa được trong lĩnh vực này. Nghiên cứu các điều kiện chung, chọn một vị thế và kiên định với nó.
Mỗi khi tìm ra nguyên nhân thua lỗ hay tìm ra nguyên nhân của 1 sai lầm, hãy thêm vào danh sách của mình một từ “Không lặp lại”.
Nguyên tắc khi mua cổ phiếu là mua khi thị trường tăng là phương thức mua cổ phiếu đơn giản nhất, mỗi đợt mua mới giá phải cao hơn đợt mua cũ.
3/. Thành công chỉ thực sự đến khi bạn mua cổ phiếu với chính những phân tích của mình chứ không phải của một ai khác.
Bạn cần tự mình rút ra ý nghĩa từ các việc mà mình quan sát được. Những lời mách nước, ý kiến, ước đoán, nghi ngờ của người khác dù họ có là những người thân thiện hay có khả năng đến mức nào thì cũng sẽ không giúp ích gì cho bạn và không bao giờ tranh luận với bảng giá.
Jesse đã nhìn thấy hành động thu mua tích lũy của cổ phiếu Union Pacific và ông bắt đầu mua vào mỗi lần 500 cổ phiếu sau đó Ed Harding đã khuyên Jesse nên bán ra toàn bộ số cổ phiếu đó trước khi quá muộn. Cuối cùng ông nghe theo lời khuyên của bạn nên đã bán ra toàn bộ số cổ phiếu đó và bán khống thêm 4.000 cp với mức giá 162 đô. Sau đó giá cổ phiếu bật tăng mạnh khi ban giám đốc công bố tỷ lệ chia cổ tức 10%. Kết thúc giao dịch ông đã mất 40.000 đô la. Nhận ra được sai lầm của bản thân. Ông mua bù lại 4.000 cổ phiếu đã bán khống và mua thêm 4.000 cp. Ông không chỉ kiếm đủ để bù lại 40.000 đô la đã mất mà còn kiếm thêm được 15.000 đô la. Ông đã hoàn tất bài học không nên nghe theo những thông tin nội bộ hoặc mách nước mà chỉ đi theo niềm tin của bản thân.
Để có thể xác định hành động của thị trường chung cần phải tập trung và nghiên cứu các điều kiện cơ bản.
Bài học đắt giá về việc chọn thời điểm để hành động. Nếu chọn đúng thời điểm giao dịch, vị thế sinh lợi của bạn sẽ không bị đe dọa nghiêm trọng, và bạn có thể an tâm ngồi yên. Hãy thận trọng chờ đợi. Jesse đã bán quá sớm khi thấy những điều kiện cơ bản của thị trường cho dấu hiệu của một cơn khủng hoảng sắp xảy ra. Và rồi những đợt nỗ lực phục hồi của thị trường đã cuốn bay sạch tài khoản của ông.
4/. Hoàn tất chiến lược giao dịch và vụ giao dịch đem lại hơn 1 triệu đô.
Đánh dấu cho bước ngoặt thành công của mình Jesse đã nhận ra mình cần phải làm gì. Không còn lúng túng, cũng không còn những phương pháp nửa đúng nửa sai. Kỹ năng đọc bảng giá đã trở thành một phần quan trọng và cả khả năng giữ vị thế. Ông khám phá ra việc phải biết phân tích các điều kiện chung, sắp xếp chúng lại để có thể tính toán trước những khả năng có thể xảy ra.
Ngay khi tất cả các điều kiện cơ bản đã hội tụ đủ để một cuộc khủng hoảng xảy ra Jesse đã hành động nhanh chóng. Ông bắt đầu và liên tục bán khống các cổ phiếu. Nhiều người tin rằng ông chính là người khởi đầu cho những đợt giảm giá ở nhiều cổ phiếu, nhưng thực sự là ông đã hành động đúng. Thắng lợi lớn nhất của ông không phải ở số tiền kiếm được mà nằm ở những giá trị vô hình: ông đã đúng, ông nhìn về tương lai và tuân theo một kế hoạch được chuẩn bị kỹ càng.
Ngày huy hoàng nhất của Jesse Livermore: ngày 24 tháng 10 năm 1907. Lượng tiền trên thị trường đã cạn kiệt. Người đi vay sẵn sàng trả bất kỳ mức lãi suất nào mà người cho vay yêu cầu. Không có đủ tiền cho tất cả mọi người. Chủ tịch Sở giao dịch New York, ngài R. H. Thomas, sau khi nhận thấy tất cả những văn phòng môi giới tại phố Wall sắp phải đương đầu với một thảm họa đã tìm kiếm trợ giúp từ các ông chủ Ngân hàng National City Bank và J.P. Morgan & Co. Ngày hôm đó lợi nhuận của Jesse đã vượt một triệu đô la. Jesse đã trở thành vua trong một ngày. Thị trường không còn tiền và không còn lực mua ở bất kỳ giá nào. Chỉ cần một lực bán nhỏ cũng đủ để đẩy thị trường vào khủng hoảng sâu hơn và buộc chính phủ nghĩ tới việc đóng cửa sàn giao dịch. Thị trường không thể chịu thêm bất kỳ áp lực nào nữa.
Các ông chủ ngân hàng đã mời nhà môi giới của Jesse đến và gửi thông điệp “Tôi mời anh tới đây vì tôi muốn anh đến gặp anh bạn Livingston của anh ngay lập tức và nói với anh ta rằng chúng tôi hi vọng anh ta sẽ không bán bất kỳ cổ phiếu nào nữa trong ngày hôm nay. Thị trường không thể chịu thêm bất kỳ áp lực nào nữa. Ở tình cảnh hiện tại thôi, để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nặng nề đã là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn rồi. Hãy kêu gọi tinh thần yêu nước của anh ta. Đây là trường hợp một người cần hành động vì lợi ích của tất cả. Báo ngay cho tôi biết anh ta nói gì.”
Jesse đã trả lời: “Anh hãy quay lại nói với ngài Blank rằng tôi đồng ý với họ và tôi hoàn toàn nhận thức được mức độ nghiêm trọng của tình hình hiện tại, thậm chí trước cả khi ông ta gọi anh tới. Hôm nay tôi sẽ không bán thêm bất kỳ cổ phiếu nào, thay vì thế tôi vào lại và mua hết mức tôi có thể.” Và ông đã giữ lời. Ngày hôm đó ông mở vị thế mua 100.000 cổ phiếu. Và ông không bán khống thêm bất kỳ cổ phiếu nào trong suốt chín tháng sau đó. Đó cũng là đáy của thị trường.
5/. Xu hướng giá ít trở ngại nhất – đường kháng cự yếu nhất.
Bất kỳ thông tin quan trọng nào được đưa ra trong khoảng thời gian giữa phiên giao dịch trước cho đến khi bắt đầu phiên giao dịch mới đều phù hợp với xu hướng giá ít trở ngại nhất. Xu hướng biến động đã được xác lập trước khi tin tức được công bố, và trong thị trường đầu cơ giá lên, các yếu tố giá giảm sẽ không được chú ý, các thông tin đẩy giá tăng lại được thổi phồng và ngược lại.
Khi thị trường dao động trong biên độ hẹp, mọi nỗ lực dự đoán về xu hướng của đợt biến động tiếp theo là lên hay xuống đều vô nghĩa. Điều duy nhất phải làm là theo dõi thị trường, đọc bảng giá để xác định giới hạn của biến động giá chưa rõ xu hướng hiện tại, và chấp nhận rằng bạn sẽ không thể kiếm lời cho đến khi giá tự phá vỡ các giới hạn theo bất kỳ xu hướng nào.
Jesse cũng rất thành công với thị trường bông trong 1 thời gian dài. Nếu trong khả năng ông có thể mua 40.000 đến 50.000 kiện bông. Ông sẽ chờ đợi cơ hội bán hoặc mua. Nếu bảng giá biểu thị đợt tăng sắp tới. Ông sẽ mua 10.000 kiện. Sau khi mua nếu giá tăng thêm mười điểm so với giá ban đầu ông đã mua, ông sẽ mua thêm 10.000 kiện nữa, mọi việc diễn ra như vậy. Nếu ông có 20 điểm lợi nhuận hay một đô lãi cho một kiện, ông sẽ mua thêm 20.000 kiện nữa. Nhưng nếu sau khi mua mười hoặc hai mươi nghìn kiện hàng đầu, ông nhận ra mình đang lỗ, ông sẽ thoát ra ngay. Rõ ràng là ông đã sai.
6/. Tâm lý trong giao dịch: hi vọng và lo sợ
Kẻ thù chính của một nhà đầu cơ đều xuất phát từ bản thân người đó. Hi vọng và sợ hãi là những bản chất không thể tách rời của con người. Trong đầu cơ, khi thị trường phản ứng chống lại bạn, bạn thường hi vọng, dù ít hay nhiều và bạn sẽ gặp thua lỗ nhiều hơn mức đáng ra phải chịu nếu không cố bám vào những hi vọng đó. Và khi thị trường biến động theo hướng có lợi cho bạn, bạn lại sợ rằng ngày mai, lợi nhuận của bạn sẽ biến mất và bạn thoát ra – quá sớm. Sự sợ hãi đã khiến bạn không thể kiếm được nhiều tiền như khả năng bạn có thể làm được. Một nhà giao dịch phải chế ngự được hai bản năng sâu kín đó. Thay vì hi vọng, anh ta phải lo sợ và thay vì lo sợ anh ta phải hi vọng. Anh ta phải lo sợ khoản lỗ ngày càng gia tăng hơn và hi vọng khoản lãi ngày càng lớn hơn.
7/. Bài học về giao dịch với số lượng lớn.
Trong thương vụ bông tháng 7 khi Jesse gom mua một số lượng lớn 140.000 kiện bông khi nhận thấy tất cả mọi người đều đang bán khống bông tháng 7. Dựa vào phân tích tình hình Jesse nhận ra những người bán khống sẽ không còn nhiều thời gian để mua bù. Ông đang cần tìm đầu ra cho 140.000 kiện bông của mình.
Một sự tình cờ có một bài báo trên tờ World nói về việc ông đang nắm giữ toàn bộ bông tháng 7. Đó là một cơ hội được thượng đế ban tặng để ông bán ra toàn bộ số bông mình đang nắm giữ mà không là cho giá bị sụt giảm mạnh trong 10 phút đầu sau khi thị trường mở cửa.
Trong vấn đề giao dịch với khối lượng lớn. Bạn không phải lúc nào cũng có thể bán ra khi bạn muốn hoặc khi bạn cho rằng đã đến thời điểm thích hợp. Bạn phải thoát ra được khi bạn có thể, khi bạn tìm được thị trường có khả năng tiêu thụ toàn bộ số hàng của bạn. Bỏ lỡ cơ hội sẽ khiến bạn mất đi hàng triệu đô la. Bạn không thể chần chừ. Nếu không bạn sẽ thua cuộc.
8/. Điểm yếu tâm lý và thương vụ bông mất hàng triệu đô la với Percy Thomas.
Jesse đã mất hàng triệu đô la để học được rằng kẻ thù lớn nhất của một nhà giao dịch chính là bản tính dễ xúc động của anh ta trước những lời dụ dỗ của một nhân vật có sức thuyết phục, được diễn đạt khéo léo thông qua một bộ óc thông minh. Ông đã để cho những thông tin của Percy thuyết phục mình và mua vào 450.000 kiện bông, ông đã làm trái với những nguyên tắc giao dịch và kinh nghiệm bản thân khi bán ra vị thế đang có lãi tốt và tiếp tục nắm giữ, mua vào vị thế lỗ ngày một lớn hơn.
Ông phá sản lần thứ hai.
9/. Bị Dan Williamson lợi dụng và bỏ lỡ cơ hội khi thị trường có biến động lớn.
Trong hoàn cảnh khó khăn khi mất hết tài sản và lâm vào nợ nần. Jesse đã được Dan Williamson cấp vốn và giao dịch tại văn phòng môi giới của họ. Nhưng trong quá trình giao dịch Jesse đã không dứt khoát trả lại số tiền mà Dan cho mượn. Và chính lòng tốt và đặt ân của Dan mà Jesse đã bỏ lỡ cơ hội có được gia tài còn lớn hơn số đã mất. Những điểm yếu mà một nhà đầu cơ dễ mắc phải gần như là vô tận. Dan can thiệp vào tất cả giao dịch của Jesse và đến lúc Jesse thực sự nhận ra mình đã bị lợi dụng thì ông từ bỏ mọi giao dịch với văn phòng của Williamson & Brown nhưng lúc đó thị trường đã lắng xuống và những năm tiếp theo 1911, 1912, 1913 và 1914 dài lê thê khi thị trường trầm lắng.
10/. Giao dịch đầu cơ giá tăng 1915 – 1916 trả toàn bộ số nợ hơn một triệu đô la.
H.H. Rogers, chủ tịch của Standard Oil đã từng nói có những thời điểm một người có thể kiếm ra tiền dễ dàng như việc anh ta sẽ bị ướt nếu ra ngoài trời mưa bão mà không có ô. Và Jesse đã điên cuồng đầu cơ giá tăng trong một thị trường cũng tăng điên cuồng. Vàng của cả thế giới đang chảy thành dòng vào đất Mỹ khi chiến tranh nổ ra và quân Đồng Minh thu mua tất cả các nguồn cung từ nước Mỹ khiến cho nó trở thành quốc gia thịnh vượng nhất trên thế giới.
Thị trường phát ra tín hiệu khi giá một số cổ phiếu dẫn dắt thị trường lần lượt giảm vài điểm – lần đầu tiên trong nhiều tháng – và không phục hồi. Cùng lúc đó một số cổ phiếu còn lại vẫn tăng dưới những rào cản mới. Làn sóng đầu cơ giá tăng vẫn còn đang rất mạnh. Jesse không vội vàng chuyển sang đầu cơ giá giảm ngay, ông vẫn tiếp tục mua vào ở những cổ phiếu còn tiềm năng tăng và đặt lệnh bán khống ở những cổ phiếu dẫn dắt đã ngừng tăng. Đến một ngày toàn bộ thị trường suy yếu và giá của tất cả các cổ phiếu đồng loạt giảm xuống. Lợi nhuận từ các cổ phiếu bán khống tăng lên thì ông biết rằng mình đã đúng. Đã đến thời điểm an toàn để chuyển sang đầu cơ giá giảm, ngay lập tức ông tăng gấp đôi khối lượng bán. Đầu năm 1917 ông đã hoàn trả toàn bộ những khoản nợ, hơn 1 triệu đô la.
11/. Thao túng phân phối cổ phiếu ra công chúng với giá cao
Một nhóm đầu cơ nội bộ cần phân phối một số lượng lớn cổ phiếu ra công chúng với giá cao thì điều họ cần là một thị trường tăng giá mạnh mẽ và một tổ hợp đầu cơ với người đứng đầu có đủ kinh nghiệm và năng lực để làm điều đó.
Đến giai đoạn cuối cùng của quá trình đẩy giá, nếu việc mua vào của tổ hợp đầu cơ không đẩy giá tăng cao hơn nữa họ sẽ bắt đầu bán ra khi giá giảm.
Trong một thị trường giá tăng và đặc biệt trong những giai đoạn phát triển nóng, ban đầu công chúng thường thu được lợi nhuận và sau đó lại thua lỗ do giữ số cổ phiếu quá lâu. Công chúng cần cảnh giác trước những lời giải thích của giới nội bộ yêu cầu giấu tên đưa ra nhằm thuyết phục công chúng tin theo những gì mà họ muốn công chúng tin theo.
Hãy luôn tỉnh táo, khôn ngoan và không bao giờ lờ đi các tín hiệu cảnh báo của bảng giá. Hãy chuyển lợi nhuận trên giấy thành lợi nhuận thực.
Đến đây tôi xin kết thúc bài tóm tắt của mình. Hi vọng thông qua những bài học trong giao dịch ở trên sẽ giúp bạn nhìn nhận ra những sai lầm của bản thân một cách khách quan hơn và rút ra những bài học thực tế trong giao dịch trên thị trường để đạt được thành công. Đó không chỉ là những bài học về kỹ thuật giao dịch, về kỹ năng quan sát, tự ra quyết định mà đó còn là bài học về làm chủ tâm lý trong giao dịch. Thành công luôn là phần thưởng xứng đáng cho những ai kiên trì đi đến cuối con đường.
Chúc bạn thành công!
Xem thêm:
- Tóm tắt sách: Hướng dẫn thực hành CANSLIM – William O’Neil
- Tóm tắt sách “Cách Tư Duy Và Giao Dịch Như Một Nhà Vô Địch Đầu Tư Chứng Khoán – Mark Minervini”
- Tóm tắt sách: Những Bậc Thầy Đầu Tư Theo Đà Tăng Trưởng – Mark Minervini
- Tóm tắt sách: Phương Pháp Wyckoff Hiện Đại – Kỹ Thuật Nhận Diện Xu Hướng Thị Trường Tiềm Năng
Vietcap là một trong những công ty dịch vụ tài chính hàng đầu Việt Nam, giúp khách hàng đầu tư và phát triển thịnh vượng. Chúng tôi chuyên tư vấn, cung cấp các giải pháp tài chính cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức. Những đặc quyền vô cùng hấp dẫn và thú vị chỉ dành riêng cho khách hàng khách cá nhân khi mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại Vietcap:
- Miễn phí tư vấn từ các tư vấn viên chuyên nghiệp và tận tâm
- Miễn phí trải nghiệm trên những nền tảng ổn định của Vietcap
- Nhận các báo cáo phân tích chuyên sâu theo danh mục đầu tư
MỞ TÀI KHOẢN NGAY hôm nay và bắt đầu hành trình đầu tư của bạn.
Powered by Froala Editor