Tâm lý học đám đông là một nhánh của Tâm lý học xã hội nghiên cứu về tâm lý và hành xử của một người bình thường trong những hoạt động mang tính chất tập thể.
Theo Gustave Le Bon, những đám đông luôn chịu tác động trong vô thức, họ xử sự như người nguyên thuỷ, hành động theo bản năng, thiếu đi khả năng suy nghĩ, suy luận mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng, họ không kiên định, thất thường, và đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất. Vả lại, do thể trạng của mình, những đám đông ấy cần có một thủ lĩnh, một người cầm đầu, kẻ có thể dẫn dắt họ và cho bản năng của họ một ý nghĩa.
Nguồn : wikipedia.org
Trong lĩnh vực chứng khoán, tâm lý bầy đàn (herd mentality) là chất kích thích "doping" khiến thị trường rơi xuống một đáy mới hay xác lập một đỉnh cao hơn.
Một đợt sụp đổ của thị trường chứng khoán được xác lập mỗi khi thị trường mất hơn 10% trong một hoặc hai phiên giao dịch. Điều này khác biệt với một đợt điều chỉnh khi thị trường mất 10% hoặc ít hơn trong giai đoạn nhiều ngày.
Đợt điều chỉnh của thị trường có thể bắt nguồn từ một số sự kiện tạo ra sự sợ hãi và nhà đầu tư bán ra liên tục bằng mọi giá. Sự sụp đổ giá chứng khoán này có thể lây lan sang các loại tài sản khác và cuối cùng là toàn bộ nền kinh tế.
May mắn thay, nhà đầu tư không cần phải là một nhà kinh tế hoặc nhà phân tích thị trường chứng khoán để có thể cảm nhận được những gì đang xảy ra do tâm lý bầy đàn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư phải hiểu rằng, nền kinh tế và thị trường chứng khoán là hai lực lượng khác nhau trong ngắn hạn. Thị trường chứng khoán vẫn có thể tăng điểm mạnh mẽ bất chấp tin tức nền kinh tế bất ổn, vì các nhà đầu tư lớn thường đặt cược vào tương lai. Vì tin rằng đó chỉ là tâm lý bầy đàn nên họ sẽ mua vào làm tăng giá cổ phiếu, khiến nhiều người lỡ bán lại tiếc rẻ.
Thị trường chứng khoán có thể di chuyển nhanh chóng theo hai hướng tăng giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, điển hình như cung và cầu của người mua và người bán. Không giống như các nhà đầu tư dài hạn, nhà đầu tư ngắn hạn thường đặt cược vào sự thay đổi giá bằng cách dựa vào biểu đồ phân tích kỹ thuật biến động giá hàng ngày (daily price swings). Có lẽ đây là sở trường khai thác đã được học tắt đón đầu của nhà đầu tư Việt Nam.
Tuy nhiên, phương pháp phân tích kỹ thuật thường không mấy tác dụng khi thị trường chứng khoán gặp phải tâm lý bầy đàn. Phân tích cơ bản có thể giúp nhà đầu tư dài hạn kiếm bộn tiền khi tâm lý bầy đàn bán tháo cổ phiếu chuyển sang tâm lý hưng phấn tột cùng khi họ đã thành công trong việc bắt "đáy” thị trường (market bottom), lúc giá cổ phiếu đi xuống rồi phục hồi xác lập một mức đỉnh cao hơn. Những nhà đầu tư lớn nhất không sử dụng phân tích kỹ thuật để đánh cược vào tâm lý bầy đàn.
Lấy ví dụ, chỉ trong sáu tháng mà giá dầu sụt giảm tới hơn 60%, theo đó nhóm cổ phiếu của các đại gia khai thác và bán dầu của các nước đều bị thiệt hại vì sụt giá chứng khoán. Thí dụ, đối với thị trường Mỹ, các đại gia dầu khí như Chevron Corp (Dow Jones, NYSE: CVX), Exxon Mobil Corp (Dow Jones, NYSE: XOM); hay của Việt Nam là Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (HOSE: PVD), Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS)... trong ngắn hạn sụt giá đảo điên rồi hồi phục như đã thấy.
Thế nhưng, chính tâm lý bầy đàn đã đẩy mạnh đà bán tháo và thanh khoản sụt giảm, cùng với đó là một mối lợi về trung hạn hay dài hạn, nói cách khác là sự tích lũy vốn bắt đáy của các nhà đầu tư dài hạn, giới đầu cơ và các quỹ đầu tư đối xung (Hedge Fund). Giới đầu tư tài chính này phải chịu rủi ro rất lớn khi dự đoán sai nhưng lại lời lãi rất cao nếu dự đoán đúng, và họ chính là tác nhân đẩy giá cổ phiếu tăng vọt. Tuy họ đầu tư theo kiểu đóng chốt theo hai cửa trái ngược (nên mới gọi là đối xung) để nếu có nhóm cổ phiếu sụt giá thì sẽ giúp họ bớt rủi ro, hoặc nếu hai cửa đều tăng giá thì họ kiếm lời rất lớn. Nguồn vốn rất lớn của họ sẽ thúc đẩy sự phấn khích khiến giá cổ phiếu tăng vọt lên đỉnh mới. Nếu tin tức vĩ mô cho thấy nền kinh tế phục hồi khả quan, các hedge fund này của Mỹ đang nhăm nhe nhảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lai không xa. Đó là “ưu điểm” của tâm lý bầy đàn trên thị trường chứng khoán khi kích động lòng tham của giới đầu tư.
Xem thêm:
- Chứng khoán cơ bản dành cho người mới bắt đầu
- Cần bao nhiêu tiền mới có thể tham gia thị trường chứng khoán?
Bài học tâm lý đám đông đối với thị trường chứng khoán
Bài học kinh nghiệm về tâm lý bầy đàn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam là khi nhìn vào các chỉ số thị trường, điều quan trọng là nhìn vào các xu hướng dài hạn (thường là qua 52 tuần) và xem các chỉ số có dấu hiệu thay đổi xu hướng hay tốc độ tăng trưởng của cổ phiếu.
Tâm lý bầy đàn lên cao trào khi các nhà đầu tư bị nhiễu loạn thông tin, kể cả "tin vịt" vì lý do kinh tế như tỷ giá biến động, bất động sản đóng băng, nợ xấu ngân hàng, lạm phát tăng trở lại, hay căng thẳng ngoài biển Đông,... như đã thấy trong quá khứ. Điều này có thể dẫn đến thanh khoản đang tăng đột biến rồi co cụm lại, vì nhà đầu tư rút tiền ra.
Tuy nhiên, một kinh nghiệm mà nhà đầu tư trong nước cần chú ý, một thị trường chứng khoán chưa đủ sâu rộng về vốn hóa sẽ khiến cho việc bán tháo hay thoái vốn của các quỹ đầu tư lớn do tâm lý bầy đàn sẽ trở khó khăn, không khả thi. Sở dĩ có điều này là bởi, nếu họ bán tháo hay thoái vốn quá nhanh thì họ sẽ không tìm được người mua. Nếu họ liều lĩnh bán tháo trực tiếp trên sàn giao dịch với quy mô lớn thì sẽ làm giá cổ phiếu của họ đang nắm giữ sụt giảm mà vẫn không có lực hấp thụ và bị lỗ nặng. Vì vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ không có biến động về tâm lý bầy đàn thái quá.
Thứ nữa, mấu chốt ở đây vẫn là các nhà đầu tư Việt Nam phải có bản lĩnh. Nếu các nhà đầu tư Việt Nam cũng hùa theo tâm lý bầy đàn, cũng đầu tư vào cửa bán thì sẽ góp phần làm giá cổ phiếu sụt giảm nặng hơn nữa.
Một thí dụ về tâm lý bầy đàn do "tai nạn ngoài ý muốn" hay gặp trên thị trường chứng khoán. Chẳng hạn là từ vụ “scandal” sữa nhiễm khuẩn trước kia của Tập đoàn sữa Fonterra (New Zealand), và các nhà đầu tư phải đặt câu hỏi tại Việt Nam sẽ có công ty sản xuất sữa nào dính dáng tới sản phẩm sữa của New Zealand hay không. Trước mắt, dù các công ty tại Việt Nam không dính dáng đến Tập đoàn sữa Fonterra, nhưng chắc chắn rằng cổ phiếu của các công ty sản xuất sữa của Việt Nam, chẳng hạn như như Vinamilk (HOSE: VNM) sẽ sụt giá khá nặng vì tâm lý ưa hốt hoảng của giới đầu tư. Đó là cơ hội cho nhà đầu tư chứng khoán kiếm mối lợi rất lớn. Họ lập tức bán nhanh cổ phiếu công ty sữa của các nhà sản xuất tại Việt Nam, dù lúc ấy nó vẫn tăng điểm nhẹ, vì chắc chắn là vài phiên sau nó sẽ sụt rất nặng.
Khi cổ phiếu đó sụt giảm về mức mà họ thấy hợp lý thì lập tức họ mua vào trước khi nó sẽ tăng vọt trở lại sau khi người ta chứng minh được các công ty sữa của Việt Nam là an toàn, thậm chí sản phẩm sữa Vinamilk của Việt Nam sẽ trở nên khan hiếm bởi người tiêu dùng sẽ quay sang săn lùng và đẩy doanh thu gia tăng. Và nếu biết khôn khéo quảng cáo sản phẩm trên phương tiện truyền thông ở thời điểm đó thì cổ phiếu công ty sản xuất sữa đó sẽ tăng vọt khá mạnh mẽ và lãi bạc tỷ bởi trò chơi cá cược ly kỳ do tâm lý bầy đàn gây ra.
Powered by Froala Editor