Phân tích Dupont đã trở thành một công cụ hữu ích của phân tích đầu tư hiện đại. Với phương pháp chia Tỷ lệ hoàn vốn trên vốn chủ sở hữu (ROE) thành các bộ phận cấu thành, để hiểu được hiệu quả tài chính của công ty.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng Vietcap đi sâu vào Phân tích Dupont là gì và tìm hiểu tầm quan trọng của phân tích này và có thể giúp nhà đầu tư đưa ra các quyết định đầu tư sáng suốt hơn.
Mô hình Dupont là gì?
Mô hình Dupont hay Dupont Analysis còn được biết đến với tên gọi khác là phương pháp phân tích tách đoạn. Đây là một kỹ thuật thường được những người làm Tài chính sử dụng để phân tích khả năng sinh lời của một doanh nghiệp thông qua phân tích mối liên hệ giữa các chỉ tiêu tài chính. Từ đó giúp nhà đầu tư có thể phát hiện ra những nhân tố đã ảnh hưởng đến chỉ tiêu phân tích theo một trình tự nhất định. Mô hình Dupont được thiết lập từ ROE – tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu.
Vào những năm 1920, ban quản lý của Tập đoàn DuPont đã phát triển một mô hình có tên là Phân tích Dupont để đánh giá chi tiết khả năng sinh lợi của công ty. Phân tích DuPont là một công cụ tài chính có thể giúp các nhà đầu tư và ban quản trị tránh những kết luận sai lệch về khả năng sinh lợi của công ty. Theo mô hình Dupont, ROE được phân tích thành một chuỗi các chỉ số tài chính, từ đó đánh giá những yếu tố riêng biệt ảnh hưởng tới chỉ số ROE của công ty. Dựa vào phương pháp này, nhà đầu tư sẽ nhận biết và chỉ ra được những nguyên nhân tạo ra tình hình hiện tại của công ty.
ROE (Return On Equity) là tỷ suất lợi tức trên vốn chủ sở hữu. Đây là chỉ số đo lường khả năng sinh lời của một khoản đầu tư trên mỗi đồng vốn bỏ ra. Từ đó giúp đo lường khả năng sử dụng vốn hiệu quả của công ty. ROE là một chỉ số quan trọng được dùng để lựa chọn cổ phiếu tiềm năng. Bởi trong dài hạn, giá trị cổ đông nhận được phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.
Từ nội dung trên, mô hình phân tích Dupont trong phân tích hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh (khả năng sinh lời) được áp dụng như sau:
Công thức tính trong mô hình Dupont
Công thức ROE cơ bản được tính như sau:
- ROE = Lợi nhuận ròng/Vốn chủ sở hữu
- ROE = (Lợi nhuận ròng/Tổng tài sản) x (Tổng tài sản/Vốn chủ sở hữu).
- ROE = ROA x Đòn bẩy tài chính
- ROE = (Lợi nhuận ròng/Doanh thu) x (Doanh thu/Tổng tài sản) x (Tổng tài sản/Vốn chủ sở hữu)
- ROE = Hệ số lợi nhuận ròng x Hiệu suất sử dụng tổng tài sản x Đòn bẩy tài chính.
Đối với một nhà đầu tư thì hệ số lợi nhuận cực kỳ quan trọng, đánh giá một doanh nghiệp có hoạt động tốt hay không, chính vì thế chỉ số ROE là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất. Do vốn chủ sở hữu được coi là một phần của tổng nguồn vốn hình thành nên tài sản, vì vậy chỉ số ROE sẽ phụ thuộc vào hệ số lợi nhuận trên tổng tài sản.
Mô hình phân tích DuPont có ba thành phần chính.
- Đầu tiên là hiệu quả hoạt động, là tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu. Đây là yếu tố phản ánh trình độ quản lý doanh thu và chi phí của doanh nghiệp. Nếu ROE tăng do tỷ suất lợi nhuận ròng tăng thì chứng tỏ doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, có lợi thế kinh doanh nhất định, có thể tăng giá bán hoặc tiết giảm chi phí trên một đơn vị sản phẩm.
- Thành phần thứ hai, hiệu quả sử dụng tài sản, được đo bằng vòng quay tổng tài sản. Đây là yếu tố phản ánh trình độ khai thác và sử dụng tài sản của doanh nghiệp. Nếu ROE tăng do vòng quay tài sản tăng chứng tỏ doanh nghiệp đang tạo ra nhiều doanh thu hơn từ những tài sản sẵn có.
- Thành phần thứ ba là đòn bẩy tài chính. Đây là yếu tố phản ánh trình độ quản trị tổ chức nguồn vốn cho hoạt động của doanh nghiệp, đòn bẩy tài chính đánh giá mức độ hiệu quả của công ty trong việc sử dụng nợ, một động lực chính của ROE, để tài trợ cho các hoạt động đó. Nếu ROE tăng do đòn bẩy tài chính tăng chứng tỏ doanh nghiệp tận dụng nguồn vốn nợ hiệu quả, tuy nhiên cũng tồn tại nhiều rủi ro do đòn bẩy tài chính là con dao hai lưỡi. Trong điều kiện kinh tế thuận lợi, đòn bẩy tài chính sẽ nâng cao lợi nhuận nhanh chóng, ngược lại với điều kiện vĩ mô không thuận lợi, đòn bẩy tài chính có thể ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp thông qua chi phí lãi vay.
Để tăng chỉ số ROE, nhà quản lý có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Điều chỉnh tỷ lệ nợ vay và tỷ lệ vốn chủ sở hữu cho phù hợp với năng lực hoạt động.
- Tăng hiệu suất sử dụng tài sản bằng cách nâng cao số vòng quay của tài sản.
- Tìm cách tăng doanh thu thuần, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm để từ đó tăng lợi nhuận thu về.
Theo đó:
Lợi nhuận sau thuế (Earning): Nếu có công ty con thì đây là tổng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ.
Vốn chủ sở hữu bình quân (Equity): Toàn bộ vốn của cổ đông, bao gồm cả vốn điều lệ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối,...
Xem thêm:
- Phân tích các chỉ số khả năng sinh lời của doanh nghiệp
- Phân tích Các chỉ số về hoạt động doanh nghiệp
Ví dụ Phân tích ROE của CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) - Ảnh Vietcap Trading
Ưu, nhược điểm của mô hình Dupont
Cùng tìm hiểu những ưu – nhược điểm của mô hình Dupont tại đây:
Ưu điểm
Không phải ngẫu nhiên mà mô hình Dupont được ứng dụng rộng rãi trong phân tích tài chính đến vậy, mà nguyên nhân đến từ những ưu điểm sau:
- Đơn giản, dễ áp dụng
Dupont là một mô hình tính toán đơn giản và dễ áp dụng. Thông qua đó, nhà đầu tư có thể tiếp cận thêm các yếu tố cơ bản về những chỉ số có ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của một doanh nghiệp.
- Xác định điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp
Phương trình Dupont được sử dụng để đánh giá các bộ phận ảnh hưởng và cấu thành nên chỉ số ROE của một doanh nghiệp. Từ đó, nhà đầu tư có thể xác định được hoạt động tài chính nào đang đóng vai trò quan trọng tạo nên sự thay đổi trong ROE. Đồng thời, các nhà quản lý cũng có thể thông qua Dupont để xác định điểm mạnh, điểm yếu và hướng khắc phục trong tương lai.
- Xác định thước đo tài chính để thúc đẩy ROE
Thông qua mô hình Dupont, bạn có thể xác định 3 thước đo tài chính thúc đẩy ROE tăng trưởng, bao gồm: hiệu quả sử dụng tài sản, hiệu quả hoạt động và đòn bẩy tài chính, từ đó đưa ra các hướng đi phù hợp.
- Xác định yếu tố nào tác động lớn nhất đến thay đổi trong ROE
Mô hình Dupont giúp nhà phân tích chia ROE thành các thành phần cấu thành nên nó để xác định được yếu tố nào có vai trò quyết định đến sự thay đổi trong ROE. Từ đó, các nhà đầu tư hoặc chính doanh nghiệp có thể thu hẹp phạm vi và tập trung theo dõi sâu các chỉ số đó.
- Nhận biết sự khác nhau trong tỷ lệ vòng quay tài sản giữa các nhóm ngành
Chỉ số vòng quay tài sản sẽ có sự khác biệt giữa các nhóm ngành. Một cửa hàng nhỏ lẻ vẫn có thể tạo nên doanh thu từ tài sản của mình với tỷ suất lợi nhuận nhỏ, đồng thời, vòng quay tài sản cũng cao. Trong khi đó, một công ty tiện ích lớn sở hữu tài sản cố định cao hơn so với doanh thu sẽ khiến vòng quay tài sản thấp hơn rất nhiều, nhất là khi so với công ty bán lẻ.
- Giúp nhà đầu tư so sánh 2 doanh nghiệp tương tự nhau
Mô hình Dupont sẽ cực kỳ hữu ích trong việc so sánh 2 công ty có điểm tương đồng với nhau. Thông qua đó, nhà đầu tư có thể phân tích được doanh nghiệp nào tiềm năng hơn để đầu tư vào doanh nghiệp đó.
- Hỗ trợ phân tách các động lực khác nhau của ROE
Bằng việc phân tách các động lực của lợi tức trên vốn chủ sở hữu doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể xác định các hoạt động tài chính ảnh hưởng lớn nhất đến sự thay đổi của ROE. Từ đó, nhà đầu tư có thể so sánh hiệu quả của 2 công ty tương tự với nhau.
- Là cơ sở để nhà quản lý thực hiện những thay đổi
Mô hình Dupont có thể trở thành cơ sở để thuyết phục nhà quản lý thay đổi, cải tổ lại hoạt động kinh doanh dựa trên tình hình thực tế của công ty.
Nhược điểm
Bên cạnh những ưu điểm trên, mô hình Dupont còn tồn tại một số nhược điểm nhất định như:
- Thiếu độ tin cậy và độ linh hoạt
Độ tin cậy của mô hình Dupont là không hoàn toàn cao. Bởi vì Dupont sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào các số liệu tài chính, kế toán cơ bản và những giải thuyết đầu vào
- Thiếu chi phí vốn
Có thể thấy rằng, các chỉ số trong mô hình Dupont vẫn còn thiếu chi phí vốn, trong khi đây lại là một trong những chỉ số quan trọng của tài chính. Và điều này có thể làm ảnh hưởng đến đánh giá, nhận xét tổng quan của người phân tích.
Phân tích Dupont so với phân tích tỷ lệ ROE
Mô hình Dupont là một số liệu toàn diện hơn so với công thức ROE đơn giản vì mô hình cung cấp các thông tin chuyên sâu hơn về các đánh giá hiệu suất riêng lẻ giúp thúc đẩy lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của công ty.
Mặc dù công thức ROE đơn giản cho nhà đầu tư biết tỷ lệ ROE của công ty là bao nhiêu, nhưng phân tích DuPont lại biết mức độ ảnh hưởng của từng thành phần cụ thể đối với tỷ lệ ROE của một doanh nghiệp. Mối tương quan này giúp những người ra quyết định tài chính có thể xác định điểm mạnh và lĩnh vực cơ hội của công ty và quyết định thực hiện các điều chỉnh để tăng ROE của doanh nghiệp.
Tương tự, khi sử dụng công cụ này sẽ cho nhà đầu tư thấy rất nhiều khía cạnh trong quá trình quản lý hoạt động doanh nghiệp. Không chỉ vậy, đối với những nhà đầu tư khi sử dụng mô hình Dupont cũng giúp họ nhìn nhận được tình hình kinh doanh của doanh nghiệp qua phân tích chỉ số ROE của chính doanh nghiệp hoặc so sánh với các công ty cùng ngành hoặc lĩnh vực.
Trên đây là những thông tin về mô hình phân tích Dupont mà Vietcap đã chia sẻ. Phân tích Dupont là một công cụ quan trọng trong việc đánh giá hiệu suất tài chính của một công ty. Với phương pháp này, lãnh đạo công ty cũng như các nhà đầu tư có thể đạt được cái nhìn sâu sắc. Từ đó, đưa ra được quyết định đầu tư cho phù hợp. Xem nhiều hơn về kiến thức đầu tư tại Vietcap Academy.
Powered by Froala Editor