1/ Trái phiếu doanh nghiệp là gì?
Trái phiếu là một loại chứng khoán chứng nhận nghĩa vụ nợ của người phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu đối với một khoản tiền cụ thể (mệnh giá của trái phiếu), trong một thời gian xác định và với một khoản lợi tức quy định. Hiểu đơn giản thì trái phiếu chính là một loại giấy nợ với người phát hành có thể là doanh nghiệp (trái phiếu trong trường hợp này được gọi là trái phiếu doanh nghiệp), một tổ chức chính quyền như Kho bạc Nhà nước (trong trường hợp này gọi là trái phiếu kho bạc), chính quyền (trong trường hợp này gọi là công trái hoặc trái phiếu chính phủ). Ở nội dung bài viết này, chúng ta sẽ chỉ tìm hiểu về trái phiếu doanh nghiệp tức loại trái phiếu do một doanh nghiệp cụ thể phát hành nên từ thời điểm này, từ “trái phiếu” trong bài viết này sẽ được hiểu là “trái phiếu doanh nghiệp” cho đơn giản.
2/ Mức độ rủi ro và lợi nhuận của trái phiếu doanh nghiệp:
Do bản chất trái phiếu chính là giấy nợ của do chính doanh nghiệp phát hành cho các trái chủ, vì vậy lãi suất trái phiếu thường sẽ thấp hơn lãi suất mà doanh nghiệp trả cho ngân hàng (bởi vì nếu lãi suất trái phiếu cao hơn hoặc bằng với lãi suất ngân hàng thì doanh nghiệp sẽ ưu tiên việc đi vay ngân hàng do các chi phí phát hành trái phiếu và các yêu cầu cũng như rủi ro về pháp luật của việc phát hành trái phiếu), đồng thời lãi suất trái phiếu sẽ cao hơn so với lãi suất tiền gửi ngân hàng do phần bù rủi ro mất khả năng chi trả mà người mua phải chấp nhận.
Theo khoản 1 Điều 54 Luật Phá sản quy định thứ tự phân chia tài sản, thứ tự trả nợ khi phá sản được ưu tiên trước hết là chi phí phá sản, sau đó tới những khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, tiếp đó mới đến khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và cuối cùng mới đến việc trả các khoản nợ cho các chủ nợ. Chủ nợ còn được pháp luật chia thành chủ nợ không có bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm. Thứ tự thanh toán cho chủ nợ có bảo đảm sẽ là trừ vào tài sản bảo đảm, nếu tài sản bảo đảm không đủ thì sẽ tiếp tục trả sau khi đã trả cho chủ nợ không có tài sản bảo đảm, phần còn lại dư ra sẽ được chia cho các cổ đông.
Theo đó ta có thể sắp xếp mức độ rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng của các loại tài sản tài chính theo bản sau:
3/ Điều kiện mua trái phiếu:
Trong các điều kiện để một nhà đầu tư có thể thực hiện đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, chúng ta cần lưu ý một điều khoản cực kỳ quan trọng về việc xác định là một nhà đầu tư chuyên nghiệp để có quyền mua trái phiếu. Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11 Luật chứng khoán để mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải đảm bảo danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch do nhà đầu tư nắm giữ có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại. Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại điểm này có giá trị trong vòng 3 tháng kể từ ngày được xác nhận. Điều khoản này giúp xác lập nhà đầu tư trái phiếu phải là người hội tụ đủ hai yếu tố là vừa có tiền, vừa có đủ kiến thức để có thể thực hiện những quyết định đầu tư trái phiếu của bản thân. Khác với quy định đối với nhà đầu tư cổ phiếu, việc quy định chỉ có nhà đầu tư chuyên nghiệp mới đủ điều kiện mua trái phiếu cũng có thể được hiểu rằng trái phiếu doanh nghiệp là một loại tài sản không dành cho nhà đầu tư phổ thông do quy mô về vốn cũng như các yêu cầu hiểu biết về doanh nghiệp nhất định.
4/ Tổ chức phát hành và tổ chức tư vấn trái phiếu:
Tổ chức phát hành là doanh nghiệp phát hành trái phiếu gồm công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Tổ chức phát hành phải chịu trách nhiệm về tuân thủ quy định pháp luật về chào bán trái phiếu; sử dụng vốn theo đúng phương án phát hành; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán của trái phiếu cho trái chủ; chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính trung thực, đầy đủ của hồ sơ chào bán trái phiếu và các thông tin công bố; thực hiện chế độ quản lý tài chính, kế toán thống kê và kiểm toán theo quy định của pháp luật, sử dụng vốn theo đúng phương án phát hành trái phiếu.
Tổ chức tư vấn: Tổ chức tư vấn là công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng và các định chế tài chính khác được phép cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật. Trách nhiệm của tổ chức tư vấn là rà soát điều kiện phát hành và hồ sơ chào bán trái phiếu của DN. Đến Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, Chính phủ đã bổ sung thêm quy định tổ chức tư vấn chịu trách nhiệm về việc rà soát của mình.
Tổ chức tư vấn nếu chỉ là bên giới thiệu nên họ sẽ vô can khi có vấn đề xảy ra. Ví dụ như nhà phát hành đó về sau vỡ nợ hoặc không có khả năng trả nợ trái phiếu đó thì nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro hoàn toàn. Trừ trường hợp ngân hàng đứng ra bảo lãnh thanh toán, khi nhà phát hành không trả được nợ, ngân hàng sẽ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trả nợ thay cho nhà phát hành. Vì vậy, nhà đầu tư nên mua trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng sẽ chắc chắn hơn.
5/ Những lưu ý trước khi quyết định đầu tư trái phiếu
Một là, trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng. Trái phiếu doanh nghiệp được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Do đó, nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp là có rủi ro, khi doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu.
Hai là, khi được giới thiệu mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhà đầu tư phải lưu ý các quy định của pháp luật chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Nếu nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không được mua loại trái phiếu này.
Ba là, các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành.
Bốn là, bảo lãnh phát hành trái phiếu không phải là bảo lãnh thanh toán trái phiếu. Bảo lãnh phát hành chỉ là việc tổ chức bảo lãnh có cam kết với doanh nghiệp phát hành để phân phối số trái phiếu cần phát hành, vì thế không có bất kỳ nghĩa vụ nào với nhà đầu tư. Đối với bảo lãnh thanh toán, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ phạm vi bảo lãnh (bảo lãnh thanh toán gốc, lãi hay chỉ một phần gốc, lãi và nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro đối với phần còn lại).
Năm là, tài sản đảm bảo của trái phiếu doanh nghiệp hay các khoản vay tín dụng có nhiều loại như nhà đất, cổ phần, cổ phiếu, các chương trình, dự án đầu tư...
Thông tin về tài sản đảm bảo được các doanh nghiệp phát hành nêu tại bản công bố thông tin, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về điều kiện của tài sản đảm bảo, chất lượng, giá trị của tài sản đảm bảo và các kết quả về bảo đảm của doanh nghiệp phát hành.
Tham khảo:
- Trái phiếu là gì? Phương thức mua trái phiếu tại Việt Nam
- Trái phiếu doanh nghiệp và những điều cần biết khi đầu tư
- Những rủi ro khi đầu tư trái phiếu mà nhà đầu tư cần chú ý
- Có nên lựa chọn đầu tư trái phiếu khi mới tham gia đầu tư chứng khoán
- Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nên hay không nên?
Lời kết:
Như đã đề cập ở trên, quy định về việc chỉ những nhà đầu tư chuyên nghiệp mới có thể tham gia thị trường trái phiếu không chỉ là rào cản khiến những nhà đầu tư nghiệp dư không thể tiếp cận với kênh đầu tư trái phiếu, mà quy định này còn là một vòng tròn bảo vệ giúp những nhà đầu tư chưa đủ kinh nghiệm có thể tránh được những khoản đầu tư tệ hại khi mua nhầm phải những trái phiếu của những tổ chức phát hành với mục đích không không chính thống hay những rủi ro gặp phải do chưa hiểu rõ về doanh nghiệp. Mọi hành vi "lách" các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, tổn thất khi mua trái phiếu (có thể mất toàn bộ tiền đầu tư) mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện thanh kiểm tra để xử lý nghiêm minh những hành vi lách quy định này của pháp luật.
Powered by Froala Editor