Giảm phát và lạm phát là các thuật ngữ kinh tế vĩ mô thường gặp trong quá trình phân tích tình hình kinh tế của một nền kinh tế. Ở bài viết trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu bản chất của lạm phát là gì. Trong bài viết này, Vietcap sẽ cùng nhà đầu tư tìm hiểu thuật ngữ còn lại: Giảm phát là gì? Nguyên nhân gây ra giảm phát và những tác động của nó đến nền kinh tế như thế nào? Hay lạm phát hay giảm phát thì có lợi hơn đối với nền kinh tế?... Tất cả sẽ được Vietcap đề cập trong bài viết này.

Giảm phát có đáng lo không? Lạm phát hay giảm phát thì có lợi hơn đối với nền kinh tế?

Giảm phát là gì?

Giảm phát (Tiếng Anh: Deflation) chỉ sự suy giảm chung của mức giá cả hàng hóa và dịch vụ, thường liên quan đến sự giảm cung tiền và tín dụng. Nó cũng có thể được gọi là lạm phát âm vì tỷ lệ dưới 0%. Nói một cách đơn giản hơn, giảm phát dẫn đến việc người tiêu dùng có thể mua nhiều hơn những gì họ có thể trước đây với cùng một số tiền. Sự giảm giá chung này có thể được coi là một điều tốt vì nó mang lại cho người tiêu dùng sức mua lớn hơn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, giảm phát kéo dài hoàn toàn gây ra bất lợi cho nền kinh tế. Nó có thể dẫn đến suy thoái, bất ổn hoặc thậm chí là tàn phá nền kinh tế.

Có thể chúng ta nghe thấy từ lạm phát được đề cập rất là thường xuyên trong các chương trình kinh tế. Tuy nhiên, người anh em của nó – giảm phát lại ít được nhắc tới hơn hẳn. Một phần là vì tình trạng này rất ít khi xảy ra. Và thực tế cũng không có mấy ai hy vọng giảm phát xảy ra cả. Bởi so với lạm phát, giảm phát có thể có sức tàn phá mạnh hơn hẳn. Có kha khá lý do để nhiều nhà kinh tế xem giảm phát là “con quỷ dữ” của nền kinh tế. Giảm phát dài hạn rất có thể sẽ chuyển thành suy thoái và do đó, rất nguy hiểm đối với nền kinh tế: Nó có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính với gia tăng nghèo đói, mất việc làm, phá sản, vỡ nợ và dòng đầu tư ra khỏi nền kinh tế.

Những thay đổi về giá tiêu dùng có thể đo lường thông qua số liệu thống kê kinh tế được tổng hợp ở hầu hết các quốc gia bằng các so sánh những thay đổi của một số hàng hóa và sản phẩm đa dạng với một chỉ số đó là Chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Đây là chỉ số được tham chiếu phổ biến nhất để đánh giá tỷ lệ lạm phát, một khi chỉ số này trong một thời kỳ thấp hơn so với thời kỳ trước, tức là mức giá chung đã giảm cho thấy nền kinh tế đang trải qua giảm phát.

Nguyên nhân gây ra giảm phát là gì?

John Maynard Keynes đã phát triển một lý thuyết có hệ thống để giải thích nguyên nhân của giảm phát. Lý thuyết này chỉ ra rằng có hai nguyên nhân lớn dẫn đến giảm phát: giảm cầu hoặc tăng cung.

Tổng cầu giảm

Giảm phát do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên nguyên nhân chính của giảm phát lại chính là sự suy giảm của cầu. Theo mô hình cung cầu cơ bản, nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm, lượng hàng hóa vẫn như cũ thậm chí còn bị thừa dẫn đến giá hàng hóa giảm. Mất cân bằng Cung - Cầu trên thị trường sẽ dẫn đến cung lớn hơn cầu. Dư thừa hàng hóa kéo theo giá trị hàng hóa sụt giảm. Lúc này giảm phát xuất hiện. Việc giảm nhu cầu hàng hoá còn đến từ các nguyên nhân sau:

  • Sự sụt giảm trong nguồn cung tiền: Các ngân hàng trung ương chịu trách nhiệm chính về nguồn cung tiền tệ. Khi xảy ra tình trạng lạm phát cao, lúc này phía Ngân hàng Trung ương sẽ đưa ra những biện pháp như bán trái phiếu chính phủ hoặc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Điều này dẫn đến nguồn cung tiền giảm kéo theo giá trị đồng tiền tăng lên. Khi giá trị của đồng tiền cao hơn, giá cả hàng hoá cũng sẽ bị kéo xuống. Khi mọi người thấy lãi suất tăng, họ giữ lại nhiều tiền hơn và muốn chi tiêu ít hơn. Họ bắt đầu tiết kiệm hơn là chi tiêu, đồng nghĩa với việc nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trên thị trường giảm xuống. Hệ quả cuối cùng sẽ tạo nên giảm phát.
  • Suy giảm niềm tin: Các sự kiện kinh tế bất lợi chẳng hạn như đại dịch toàn cầu hay trong thời kỳ suy thoái có thể dẫn đến giảm nhu cầu tổng thể. Mọi người có thể trở nên bi quan hơn về tương lai của nền kinh tế. Do đó, họ muốn tăng tiết kiệm và giảm chi tiêu hiện tại.

Tổng cung tăng

Tổng cung cao hơn có nghĩa là các nhà sản xuất có thể phải giảm giá do cạnh tranh gia tăng. Sự gia tăng tổng cung này có thể xuất phát từ:

  • Chi phí sản xuất giảm: Sự thay đổi trong cấu trúc thị trường vốn giúp các doanh nghiệp có nhiều phương án hơn nhằm tối ưu hóa sản xuất, giảm chi phí. Đặc biệt, khi Nhà nước đưa ra chính sách hỗ trợ các khoản vay với lãi suất thấp kèm theo nhiều ưu đãi hơn sẽ là tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tăng thêm vốn đầu tư. Khi người sản xuất có thể sản xuất một mặt hàng với chi phí thấp hơn, họ có xu hướng tăng sản lượng, nâng cao mức cung của mặt hàng đó trên thị trường. Điều này có thể dẫn đến tình trạng dư cung trong nền kinh tế. Nếu nhu cầu không thay đổi, các nhà sản xuất sẽ cần phải hạ giá hàng hóa để cạnh tranh và lôi kéo người mua.
  • Tiến bộ công nghệ, tăng năng suất: Công nghệ ngày càng phát triển và càng trở nên rẻ, việc dùng máy móc thay cho lao động chân tay đã làm cho chi phí sản xuất ngày càng giảm bớt, và thời gian và chi phí tạo ra sản phẩm mới cũng giảm. Thêm vào đó, bản thân các sản phẩm cũng bị sao chép gần như là đồng thời và nhân rộng với giá thành còn rẻ hơn nữa. Kết quả là hàng hóa ngày càng rẻ, tràn ngập thị trường, tức là xảy ra hiện tượng sản xuất dư thừa. Lúc này, người người tiêu dùng được hưởng lợi bởi giá bán giảm thấp hơn, cùng một số tiền nhưng giờ đây họ có thể mua được nhiều hàng hoá hơn.

Phân biệt lạm phát và giảm phát

Lạm phát và giảm phát có thể xảy ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Chúng được coi là hai mặt của một đồng xu luôn song hành và khó tách rời. Tuy nhiên, mỗi khái niệm là có những ý nghĩa nhất định. Hãy cùng xem sự khác biệt giữa lạm phát và giảm phát là gì?

  • Lạm phát khiến giá trị đồng tiền bị giảm đi. Ngược lại, giảm phát làm sẽ tác động làm tăng giá trị của tiền.
  • Lạm phát ở mức vừa phải (2%) có lợi cho nền kinh tế. Tuy nhiên, giảm phát đa phần là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang đi xuống
  • Lạm phát trong một số trường hợp được xem là có lợi cho người sản xuất. Giảm phát lại được coi là có lợi cho người tiêu dùng.
  • Nguyên nhân gây ra lạm phát chủ yếu do các yếu tố Cung - Cầu. Trong khi đó giảm phát lại được gây nên bởi các yếu tố cung tiền và tín dụng.
  • Lạm phát gây nên tình trạng phân phối tiền không đồng đều. Ngược lại, giảm phát sẽ dẫn đến giảm chi tiêu và làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Ảnh hưởng của giảm phát tới nền kinh tế

Cũng như lạm phát, bản thân giảm phát có cả tác động tích cực, lẫn tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với những nguyên nhân gây ra chúng.

Tác động tích cực: nếu giảm phát hình thành như là kết quả tự nhiên của những nỗ lực chống lạm phát cao trước đó, thì đương nhiên, lợi ích của giảm phát lúc này chính là các lợi ích của việc kiềm chế thành công lạm phát cao đem lại. Hoặc, nếu giảm phát gia tăng do giảm chi phí sản xuất nhờ thúc đẩy tiến bộ công nghệ hoặc tự do hoá mậu dịch, thì sẽ rất có lợi, bởi khi đó giá hạ sẽ làm tăng thu nhập thực tế, làm tăng sức mua, thúc đẩy sản xuất phát triển. Ngày nay, cuộc cách mạng về công nghệ thông tin làm giảm chi phí chung cả trong sản xuất lẫn dịch vụ xã hội. Bằng cách giảm bớt rào cản truy cập và phổ biến thông tin, mạng Internet cũng góp phần hạ giá một loạt mặt hàng. Tất cả các nguồn giảm phát này đều tác dụng tốt đối với nền kinh tế.

Ngược lại, giảm phát là một cơn ác mộng khủng khiếp đối với mọi nền kinh tế, nếu nó vượt quá ngưỡng và kéo dài. Đối với ngành sản xuất, việc giá hàng hóa sụt giảm làm cho doanh thu của các công ty sẽ ít đi dẫn đến mất động lực sản xuất. Việc trả công cho nhân viên cũng như vậy, với lượng doanh thu giảm mà vẫn phải giữ nguyên chi phí nhân công, dần dần các công ty sẽ không còn đủ kinh phí nữa và điều tất yếu sẽ xảy ra là thất nghiệp.

Với nền tài chính, đồng nội tệ tăng giá trị sẽ làm cho nhiều người muốn giữ tiền mặt hơn là đi tiêu xài, hạn chế hoặc trì hoãn tiêu dùng với hy vọng "giá hàng ngày mai sẽ thấp hơn giá hàng hôm nay" . Đồng thời làm giảm cầu, giảm sức tiêu dùng thị trường, buộc các công ty phải tiếp tục giảm giá hàng, giảm sản lượng sản xuất, giảm tiền lương và giảm khả năng bố trí công ăn việc làm đưa đến thất nghiệp. Chính điều này làm cho các dòng chảy tiền tệ bị ứ đọng, cầu đã giảm còn giảm hơn. Cung nội tệ thiếu, các dòng vốn bị tắc nghẽn làm cho các doanh nghiệp trên thị trường thiếu vốn để đầu tư.

Ngay cả khi với một doanh nghiệp tìm đủ nguồn tiền để đi vay, giảm phát cũng kìm kẹp lại quyết định đi vay của doanh nghiệp đó do giá trị khoản vay ngày càng tăng. Điều này cũng được áp dụng đối với các món nợ hiện tại sẽ càng ngày tăng trong tương lai của doanh nghiệp.

Với nền kinh tế vĩ mô, nếu giảm phát không được can thiệp kịp thời, thì giảm phát sẽ trở nên ngày càng dai dẳng. Khi mà giá cả giảm, tình trạng thiếu việc làm và người tiêu dùng tích trữ tiền với dự đoán là giá cả còn giảm nữa thì điều này sẽ làm hại nền kinh tế, như kiểu truyền lực cho thói quen tiết kiệm và cứ thế xoáy xuống.

Việc giảm giá, nếu tồn tại, sẽ tạo ra một vòng xoáy xấu dẫn đến giảm lợi nhuận, đóng cửa các nhà máy, thất nghiệp gia tăng, giảm thu nhập và làm tăng việc vỡ nợ từ các khoản vay của công ty và cá nhân.

Một số biện pháp đối phó với giảm phát

Để chống lại quá trình giảm phát với tất cả những tác hại tiêu cực của nó, thường áp dụng những giải pháp "ngược chiều" với chống lạm phát.

Giảm giới hạn dự trữ ngân hàng

Trong hệ thống ngân hàng dự trữ phân đoạn các ngân hàng sử dụng tiền gửi để tạo ra các khoản vay mới. Theo quy định, các ngân hàng dự trữ chỉ được phép làm như vậy trong phạm vi giới hạn dự trữ. Giới hạn đó thường được đặt ở mức khoảng 5-10%.

Hoạt động thị trường mở

Các ngân hàng trung ương có thể kích thích tăng cung tiền và khuyến khích mọi người chi tiêu nhiều hơn bằng cách mua chứng khoán quỹ trên thị trường mở và đổi lại, phát hành tiền mới cho người bán. Giống như bất kỳ hàng hóa nào khác, giá tiền được xác định bởi cung và cầu của nó. Nếu cung tiền tăng lên, nó sẽ bị mất giá. Xem lại: 7 yếu tố tác động đến lượng cung tiền trong nền kinh tế

Giảm lãi suất mục tiêu

Các ngân hàng trung ương có thể hạ lãi suất mục tiêu đối với các khoản tiền ngắn hạn được cho vay trong và ngoài khu vực tài chính. Việc hạ lãi suất làm cho việc vay tiền trở nên rẻ hơn và khuyến khích đầu tư mới bằng cách sử dụng tiền đi vay. Nó cũng khuyến khích các cá nhân mua nhà hoặc các tài sản khác bằng cách giảm chi phí hàng tháng.

Nới lỏng định lượng

Khi lãi suất danh nghĩa được hạ xuống hoàn toàn bằng 0, các ngân hàng trung ương phải sử dụng các công cụ tiền tệ độc đáo. Nới lỏng định lượng là khi chứng khoán tư nhân được mua trên thị trường mở, ngoài kho bạc. Điều này không chỉ bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính mà còn làm tăng giá của các tài sản tài chính, khiến chúng không giảm thêm nữa.

Lãi suất âm

Một công cụ độc đáo khác là đặt lãi suất danh nghĩa âm. Chính sách lãi suất âm có nghĩa là người gửi tiền phải trả thay vì nhận lãi từ tiền gửi. Khi việc gửi tiền tại ngân hàng trở nên tốn kém, người dân sẽ có xu hướng sử dụng số tiền mình có vào việc tiêu dùng hoặc đầu tư vào các tài khoản hay dự án thu được lợi nhuận tích cực hơn.

Tăng chi tiêu của chính phủ

Các nhà kinh tế học theo trường phái Keynes ủng hộ việc sử dụng chính sách tài khóa để thúc đẩy tổng cầu và kéo một nền kinh tế ra khỏi thời kỳ giảm phát. Nếu các cá nhân và doanh nghiệp ngừng chi tiêu, thì sẽ không có động lực để sản xuất và tuyển dụng người lao động. Chính phủ có thể tham gia với tư cách là người chi tiêu cuối cùng để duy trì hoạt động sản xuất và việc làm. Chính phủ thậm chí có thể vay tiền để chi tiêu bằng cách gây ra thâm hụt tài chính. Lúc này, các doanh nghiệp và nhân viên sẽ sử dụng số tiền chính phủ đó để chi tiêu và đầu tư cho đến khi giá bắt đầu tăng trở lại theo nhu cầu.

Một chút giảm phát có thể là yếu tố tốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhìn trong bức tranh toàn cảnh khi lạm phát bùng phát mạnh sẽ gây ra khủng hoảng và suy thoái tài chính. Nhưng một khi giảm phát quá đà thì sức tàn phá nền kinh tế của giảm phát lại nặng nề vô cùng. Chúng tôi hy vọng những chia sẻ xoay quanh khái niệm “giảm phát là gì” đề cập trong bài viết này đã giúp ích cho các nhà đầu tư cũng như các bạn đọc yêu thích, quan tâm tới các kiến thức kinh tế.

Powered by Froala Editor