1. Chứng khoán phái sinh là gì?
Chứng khoán phái sinh là các công cụ tài chính mà giá trị của chúng phụ thuộc vào giá của một tài sản cơ sở.
Chứng khoán phái sinh quy định quyền lợi, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng đối với việc thanh toán, chuyển giao tài sản cơ sở với một mức giá được thỏa thuận trước vào một thời điểm nhất định trong tương lai.
Tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh có thể là hàng hóa như nông sản, kim loại, v,v.. hoặc công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, lãi suất, v.v.
2. Chứng khoán phái sinh nào đang giao dịch tại thị trường Việt Nam?
Chứng khoán phái sinh bao gồm 4 loại chính:
Hợp đồng kỳ hạn: là một thỏa thuận giữa hai bên tham gia để mua và bán một loại tài sản ở một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá được xác định trước ngay ở thời điểm hiện tại.
Hợp đồng tương lai: là hợp đồng kỳ hạn được chuẩn hóa, niêm yết và giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.
Hợp đồng quyền chọn: Người nắm giữ hợp đồng quyền chọn có quyền, nhưng không có nghĩa vụ, mua hoặc bán một loại tài sản cơ sở tại một thời điểm nhất định trong tương lai theo mức giá được xác định trước. Người bán hợp đồng có nghĩa vụ thực hiện giao dịch khi người nắm giữ hợp đồng chọn thực hiện quyền. Hợp đồng quyền chọn bao gồm quyền chọn mua và quyền chọn bán.
Hợp đồng hoán đổi: Hợp đồng hoán đổi là một thỏa thuận giữa hai bên về việc hoán đổi các dòng tiền phát sinh từ các công cụ tài chính trong tương lai. Hợp đồng sẽ quy định rõ thời điểm hoán đổi dòng tiền và phương pháp tính toán cụ thể.
Trong đó, hợp đồng tương lai là sản phẩm chứng khoán phái sinh đầu tiên được niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cụ thể là hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu VN30.
Mỗi hợp đồng tương lai có một mã giao dịch riêng tương tự như cổ phiếu, được quy ước theo quy tắc nhất định bao gồm các thông tin:
[Tên tài sản cơ sở][F][Thời gian đáo hạn]
Ví dụ: hợp đồng tương lai có mã VN30F2109. Trong đó: “VN30” để chỉ Tài sản cơ sở là chỉ số VN30, F là hợp đồng tương lai, “21” là năm đáo hạn của hợp đồng (2021) và “09” là tháng đáo hạn của hợp đồng.
Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 giao dịch với 4 mã tương ứng 4 tháng đáo hạn : Tháng hiện tại, tháng kế tiếp, 2 tháng cuối 2 quý gần nhất.
Những lợi ích và rủi ro khi giao dịch chứng khoán phái sinh
1. Lợi ích của chứng khoán Phái sinh:
- Đòn bẩy cao: Với đặc thù chỉ cần ký quỹ một phần giá trị hợp đồng, hợp đồng tương lai sẽ mang lại cho nhà đầu tư mức đòn bẩy rất cao, khiến cho số lãi nhận được có thể cao hơn nhiều so với đầu tư vào cổ phiếu.
- Có thể mua/bán liên tục trong ngày: Nếu như trong giao dịch cổ phiếu, nhà đầu tư sau khi mua cổ phiếu phải chờ 2 ngày để cổ phiếu về tài khoản mới có thể thực hiện bán, thì ở giao dịch hợp đồng tương lai, lợi ích từ việc nhà đầu tư có thể ngay lập tức đóng vị thế vừa mở (bất kể là vị thế mua hay vị thế bán). Như vậy, nhà đầu tư có thể liên tục mở và đóng vị thế trong phiên để tìm kiếm lợi nhuận trên mọi biến động của thị trường.
- Cơ hội tìm kiếm lợi nhuận khi thị trường giảm điểm: Hiện tại trên thị trường cổ phiếu, nhà đầu tư đang không có công cụ để tìm kiếm lợi nhuận trong thị trường giảm điểm. Tuy nhiên, với hợp đồng tương lai, nhà đầu tư hoàn toàn có thể thực hiện được việc này. Nhà đầu tư có thể tham gia vào vị thế bán hợp đồng tương lai bất kỳ lúc nào với điều kiện duy nhất cần đáp ứng là nộp đủ số lượng ký quỹ yêu cầu trước khi tham gia hợp đồng. Khi chỉ số giảm đúng như dự đoán, nhà đầu tư sẽ có được lợi nhuận từ giao dịch bán hợp đồng tương lai của mình.
2. Rủi ro của chứng khoán Phái sinh:
- Chứng khoán phái sinh với đặc tính giá biến động lớn và nhanh do tỷ lệ đòn bẩy cao, khoảng 6 lần, do đó nhà đầu tư khi tham gia cần nắm vững kiến thức cũng như chuẩn bị tâm lý để tránh mua/bán quá nhiều trong ngày theo biến động giá và dẫn đến thua lỗ.
- Khi giao dịch phái sinh nhà đầu tư chỉ ký quỹ một phần nên nếu trong phiên giá biến động ngược chiều với kỳ vọng thì nhà đầu tư cần phải bổ sung tiền ngay để tránh bị đóng bớt hợp đồng đang nắm giữ để đưa tài khoản về mức an toàn.
Powered by Froala Editor