SỐ #2: CÁCH DÙNG CHỈ SỐ P/B VÀ P/E ĐÁNH GIÁ CỔ PHIẾU ĐẮT HAY RẺ

Chào mừng các bạn quay trở lại chương trình chứng khoán cơ bản / F0 không ép, số thứ 2: “cách dùng chỉ số P/B và P/E đánh giá cổ phiếu đắt hay rẻ.”

Lưu ý, giá trị thị trường của cổ phiếu luôn biến động và chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, hãy thận trọng và chịu trách nhiệm với mỗi quyết định đầu tư của các bạn.

1. Chỉ số P/B

P/B là viết tắt của từ Price to Book Value Ratio (PBR). Đây là chỉ số dùng để so sánh giá thị trường của cổ phiếu, với giá trị ghi trên sổ sách.

Công thức tính: P/B = Giá thị trường của cổ phiếu / Thư giá của cổ phiếu

Trong đó, thư giá của cổ phiếu (Book value) thể hiện giá trị tài sản ròng trên mỗi cổ phần.

Ví dụ: Công ty A có giá trị tài sản là 100 tỷ đồng, tổng nợ 50 tỷ đồng, vậy giá trị ghi sổ sẽ là 50 tỷ. Công ty đang có 2 triệu cổ phiếu lưu hành, như vậy thư giá của cổ phiếu sẽ là 25.000 đồng. Hiện cổ phiếu đang giao dịch ở mức 50.000 đồng, ta tính được P/B = 50.000 / 25.000 = 2

Trường hợp P/B > 1

Cho thấy nhà đầu tư kỳ vọng vào tương lai và sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho giá trị ghi sổ của doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có khoản nợ lớn, sẽ khiến giá trị ghi sổ ở mức thấp, dẫn tới P/B sẽ cao. Việc vay nợ cao có thể phát sinh những rủi ro cho doanh nghiệp.

Trường hợp P/B < 1

Có thể thị trường đang cho rằng giá trị tài sản của công ty bị thổi phồng quá mức. 

Hoặc doanh nghiệp đang trong giai đoạn hồi phục (của một chu kỳ kinh doanh), kết quả kinh doanh dần cải thiện, giúp giá trị sổ sách tăng lên. Đây có thể là cơ hội để nhà đầu tư mua vào.

 

Đối với ngành tài chính, hiệu quả quản lý giữa tài sản và nguồn vốn huy động càng cao, mức độ sinh lời càng cao. Vì thế, theo quan điểm của VCSC, khi đánh giá các cổ phiếu ngân hàng hay chứng khoán dùng chỉ số P/B là khách quan nhất.

Khi đánh giá cổ phiếu, chỉ số P/B cần kết hợp với các chỉ số khác, đồng thời so sánh chỉ số P/B với đối thủ cạnh tranh, và với mức trung bình của ngành.

Ví dụ: Với ngành ngân hàng, nhà đầu tư thường đánh giá PB kèm với ROE (Return On Equity - tỷ suất lợi tức trên vốn chủ sở hữu) 

Theo báo cáo dự báo của Chứng khoán Bản Việt, P/B năm 2021 của Ngân hàng TPB đang là 1.6, trong khi đó, P/B của ngân hàng VIB là 2.3, cao hơn TPB, mặc dù VIB có quy mô hoạt động khá tương đương TPB. Lý do vì ROE của VIB cao hơn của TPB. 

Lưu ý: trong một số trường hợp ngoại lệ cần phân tích chuyên sâu hơn.

2. Chỉ số P/E

P/E viết tắt của Price to Earning Ratio, Đây là chỉ số dùng để so sánh giá thị trường của cổ phiếu, với mức lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu của doanh nghiệp.

P/E = Giá thị trường của cổ phiếu / lợi nhuận ròng của cổ phiếu (EPS)

Trong đó, lợi nhuận ròng của một cổ phiếu (EPS) là biến số quan trọng, nó thể hiện khả năng tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp:

EPS = (Lợi nhuận sau thuế – Cổ tức ưu đãi) / số lượng cổ phiếu đang lưu hành

Ví dụ: Cổ phiếu công ty B có giá thị trường là 100.000 đồng/cổ phiếu. Thu nhập cho từng quý trong năm 2020 là: Quý 1: 3000; Quý 2: 2000; Quý 3: 5000; Quý 4: 4000. Như vậy EPS năm 2020 = 14.000/cổ phiếu

 P/E = 100.000 / 14.000 = 7,14 lần

Khi chỉ số P/E thấp: có nghĩa cổ phiếu đang bị định giá thấp. Có nhiều nguyên nhân, có thể do doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn làm EPS tăng lên, hoặc từ một khoản lợi nhuận bất thường, như thanh lý tài sản, nhận đầu tư thêm…Cũng có thể do ngành nghề kinh doanh không còn hấp dẫn nhà đầu tư…

Ngược lại, chỉ số P/E cao: Thị trường đặt kỳ vọng vào doanh nghiệp có khả năng sinh lợi cao hơn trong tương lai. P/E cao thường thấy ở những doanh nghiệp đầu ngành, có lợi thế về quy mô và độc quyền, ở những doanh nghiệp thương mại dịch vụ với quy mô linh hoạt, tiềm năng sinh lợi tốt, hoặc những doanh nghiệp có tính đầu cơ cao như các công ty khởi nghiệp công nghệ.

Chỉ số P/E chỉ nên được áp dụng so sánh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành, nhà đầu tư cần loại trừ những khoản thu nhập bất thường, nên lấy trung bình P/E trong vài năm để xây dựng tỷ lệ P/E tiêu chuẩn.

Ví Dụ: Phòng Nghiên cứu và Phân tích Chứng khoán Bản Việt cho rằng, định giá hiện tại của mã HPG là hấp dẫn

Vì triển vọng tăng trưởng và khả năng sinh lời của HPG cao hơn so với các công ty cùng ngành trong khu vực. Trong khi, P/E dự phóng của HPG năm 2021 và 2022 là 7,8 lần và 9,4 lần, so với mức P/E dự phóng của các công ty cùng ngành là 9,1 lần. 

Nội dung số thứ 2 tới đây là kết thúc, mời các bạn chú ý đón xem các tập tiếp theo của chương trình.

 

 

 


 

 

 

 

 

Powered by Froala Editor