Chính sách lưu thông tiền tệ hay chính sách tiền tệ là quá trình quản lý cung tiền của cơ quan quản lý tiền tệ (ở Việt Nam là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), nhằm hướng tới một lãi suất mong muốn để đạt được những mục đích điều tiết nền kinh tế vĩ mô như kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định tỷ giá hối đoái, đạt được toàn dụng lao động hay tăng trưởng kinh tế. Bài viết này nhằm mục đích cung cấp thông tin cho nhà đầu tư về khái niệm “Chính sách tiền tệ” và cách vận hành chính sách tiền tệ của các Ngân hàng Trung Ương.
Vai trò của Ngân hàng Trung Ương và Ngân hàng thương mại:
1/ Vai trò của Ngân hàng Trung Ương:
- Là ngân hàng phát hành tiền dựa vào tình hình tài chính quốc gia
- Là ngân hàng giám đốc các ngân hàng thương mại và thay mặt chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ.
- Là ngân hàng cho vay cuối cùng cho các ngân hàng thương mại.
2/ Vai trò của ngân hàng thương mại:
- Thực hiện kinh doanh tiền thông qua các nghiệp vụ cho vay và huy động
- Giữ tiền
- Thực hiện tạo ra tiền và phá huỷ tiền thông qua nghiệp vụ cho vay.
Cung tiền:
Là giá trị của toàn bộ quỹ tiền tệ hiện có trên nền kinh tế nhằm đáp ứng các nhu cầu giao dịch. Bao gồm tiền mặt, các khoản tiền gửi trong ngân hàng và các định chế tài chính khác…
1/. Tỷ lệ dự trữ trong ngân hàng thương mại:
Tỷ lệ dự trữ là tỷ lệ được trích ra trong lượng tiền gửi vào các ngân hàng thương mại để hình thành quỹ dự trữ trong hệ thống ngân hàng. Trong đó tỷ lệ dự trữ sẽ bao gồm tỷ lệ dự trữ bắt buộc do Ngân hàng Trung Ương quy định để đảm bảo việc chi trả khách hàng trong những trường hợp cần thiết.
2/. Số nhân tiền:
Số nhân tiền (KM) phản ánh số lượng tiền giao dịch (M) được tạo ra từ 1 đơn vị cơ số tiền (H). Trong đó, cơ số tiền là toàn bộ số tiền mà Ngân hàng Trung Ương phát hành.
Ghi chú thêm, do có sự xuất hiện của nghiệp vụ cho vay và lãi suất tại ngân hàng thương mại nên số tiền giao dịch trong nền kinh tế sẽ lớn hơn số tiền mà Ngân hàng Trung Ương phát hành ra (Nhà đầu tư có thể tìm hiểu thêm ví dụ về vấn đề này với keyword “ Minh hoạ chức năng tạo tiền của NHTM”)
M = KM x H
=> KM = M/H = (c+1)/(c+r)
Trong đó:
c (Cash - deposit ratio): tỷ lệ tiền mặt ngoài ngân hàng (trong lưu thông) và tiền gửi giao dịch vào ngân hàng
r (Reserve ratio): tỷ lệ dự trữ
Do 0<r<1 và c>0 nên KM>1, điều đó có nghĩa:
Nếu Ngân hàng Trung Ương muốn cung ứng một lượng tiền là M, thì chỉ cần phát hành một lượng tiền là H, với H<M.
Cầu tiền:
Cầu tiền là lượng tiền mà toàn bộ nền kinh tế cần giữ để chi tiêu mua sắm, đáp ứng các nhu cầu dự phòng cũng như đầu tư.
Cầu tiền bị ảnh hưởng bởi 2 yếu tố: Thu nhập và Lãi suất. Trong đó thu nhập sẽ tác động cùng chiều với cầu tiền khi thu nhập tăng, nhu cầu mua sắm cũng như dự phòng đầu tư sẽ tăng lên. Ngược lại, lãi suất sẽ diễn biến ngược chiều với cầu tiền, khi lãi suất tăng, chi phí lãi vay sẽ tăng lên dẫn đến các nhu cầu về tiền sẽ giảm.
Thị trường tiền tệ có xu hướng điều chỉnh về điểm cân bằng, nghĩa là Cung tiền = Cầu tiền
Khi cung tiền tăng, để đạt được trạng thái cân bằng, lãi suất sẽ có xu hướng giảm để cầu tiền tăng tương ứng.
Khi cung tiền giảm, để đạt được trạng thái cân bằng, lãi suất có xu hướng tăng để cầu tiền giảm tương ứng.
Tham khảo: Chính sách tài khóa là gì? Vai trò của chính sách trong kinh tế
Các công cụ chính để Ngân hàng Trung Ương điều tiết chính sách tiền tệ:
1/ Yêu cầu về tỷ lệ dự trữ bắt buộc:
Để tăng lượng cung tiền, Ngân hàng Trung Ương sẽ điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại, từ đó tiền sẽ được chuyển vào lưu thông nhiều hơn và ngược lại.
2/ Quy định tỷ suất chiết khấu:
Công cụ này điều chỉnh mức lãi suất chiết khấu mà Ngân hàng Trung Ương thực hiện với các ngân hàng thương mại. Khi Ngân hàng Trung Ương tăng mức lãi suất chiết khấu sẽ dẫn đến ngân hàng thương mại tăng tỷ lệ dự trữ từ đó làm giảm cung tiền trên thị trường.
3/ Nghiệp vụ thị trường tự do:
Ngân hàng Trung Ương thực hiện mua bán chứng khoán trên thị trường tự do. Thực hiện trực tiếp đưa tiền vào nền kinh tế khi mua vào lượng chứng khoán trên thị trường và ngược lại.
4/ Hạn mức tín dụng:
Đây là mức dư nợ tối đa Ngân hàng Nhà nước quy định mà các Ngân hàng thương mại phải chấp hành khi cấp tín dụng cho nền kinh tế. Ngân hàng Trung Ương điều chỉnh hạn mức tín dụng tăng, cung tiền tăng; điều chỉnh hạn mức tín dụng giảm, cung tiền giảm.
Tác động của chính sách tiền tệ
1/ Chính sách tiền tệ mở rộng:
Ngân hàng Trung Ương thực hiện tăng cung tiền ra nền kinh tế => Lãi suất giảm => Đầu tư tăng => Tổng cầu tăng => Thu nhập tăng
Chính sách tiền tệ mở rộng thường sẽ được Ngân hàng Trung Ương thực hiện khi nền kinh tế suy thoái, khủng hoảng để kích thích nền kinh tế phục hồi.
2/ Chính sách tiền tệ thu hẹp:
Ngân hàng Trung Ương thực hiện giảm cung tiền ra nền kinh tế => Lãi suất tăng => Đầu tư giảm => Tổng cầu giảm => Thu nhập giảm
Chính sách tiền tệ thu hẹp thường được Ngân hàng Trung Ương thực hiện khi nền kinh tế tăng trưởng nóng, lạm phát cao để hạ nhiệt nền kinh tế.
Khám phá:
- GDP là gì? Cách tính, vai trò và ý nghĩa của GDP trong nền kinh tế Việt Nam
- Cán cân xuất nhập khẩu là gì? Cách tính, vai trò và ý nghĩa
- Chức năng, vai trò của tiền tệ ngân hàng và thị trường tài chính
- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là gì? Vai trò, Ý nghĩa và cách tính
Powered by Froala Editor